TP HCM - Cần Giờ là điểm đến phù hợp cho du khách nếu có một ngày rảnh rỗi vì chỉ cách trung tâm thành phố khoảng 50 km.
Cần Giờ, cách trung tâm TP HCM gần 2 tiếng di chuyển, là một trong 3 địa phương cùng với Củ Chi và quận 7 đã công bố kiểm soát được dịch và đang chuẩn bị kế hoạch cho việc phục hồi kinh tế. Đây cũng là địa phương ghi nhận ít ca nhiễm nhất trong 22 quận, huyện tại TP HCM trong đợt bùng phát dịch thứ tư. Để góp phần phục hồi kinh tế, huyện dự kiến cho hoạt động tour du lịch từ ngày 30/9, đồng thời xem xét mở lại hoạt động vui chơi giải trí ngoài trời, ăn uống tại chỗ với quy mô nhỏ (dưới 20 người) tùy theo mức độ kiểm soát dịch bệnh và khuyến nghị của ngành y tế. Ảnh: Quỳnh Trần
Đầm dơi nghệ ở Khu du lịch sinh thái Vàm Sát (Vàm Sát ecopark) nằm trên địa bàn xã Lý Nhơn, huyện Cần Giờ, cách bến phà Bình Khánh khoảng 40 km. Dơi nghệ là giống dơi thân to bụng vàng, sải cánh có thể rộng đến một mét, là loại dơi quý hiếm trên thế giới. Chúng thường treo vắt vẻo trên những ngọn đước để ngủ. Đây là điểm tham quan thú vị dành cho những du khách thích khám phá đời sống động vật hoang dã tại Vàm Sát. Ảnh: Vamsat
Tháp Tang bồng được xem là điểm trung tâm của Khu du lịch sinh thái Vàm Sát, tháp cấu tạo bằng thép cao 26 m có hình dạng cánh cung hướng lên trời. Tháp có 4 tầng quan sát, du khách đi lên đỉnh tháp qua 2 cung cầu thang hơn 130 bậc. Từ đây, bạn có thể thấy toàn cảnh rừng đước ngập mặn từ trên cao. Ảnh: @blue.iroiro/Instagram
Khu Lâm viên đảo khỉ trong Khu du lịch Rừng Sác ở xã Long Hòa, huyện Cần Giờ là nơi sinh sống của hơn 1.500 con khỉ hoang dã trong những cánh rừng ngập mặn. Bầy khỉ nơi đây rất dạn dĩ và hiếu động, hay theo khách du lịch, nhất là đoạn đường vào cổng soát vé. Ban quản lý khu du lịch thường xuyên nhắc khách giữ gìn cẩn thận tư trang, vật dụng mang theo bên người như máy ảnh, điện thoại, nón, mắt kính... Dù vậy, bầy khỉ vẫn thể hiện sự đáng yêu qua cách chải chuốt cho nhau, chăm sóc khỉ con. Ảnh: Quỳnh Trần
Khu căn cứ Cách mạng Rừng Sác nằm trong Di tích lịch sử Chiến khu Rừng Sác Cần Giờ, trước đây có tên là Lâm viên Cần Giờ, diện tích hơn 2.000 ha. Nơi đây được công nhận là Khu di tích lịch sử cấp Quốc gia, được nhiều người biết đến qua quá khứ hào hùng của Đội Đặc công Rừng Sác. Căn cứ đã được xây dựng và tái hiện lại toàn bộ quang cảnh sinh hoạt và chiến đấu của các anh hùng khi xưa. Đây là điểm nổi bật và thu hút được nhiều sự quan tâm của du khách.
Chợ hải sản Hàng Dương là điểm đến thú vị để du khách mua những loại hải sản tươi sống về làm quà cho gia đình. Chợ có nhiều loại hải sản tươi ngon như ốc, cá, mực, cua biển, ghẹ, bạch tuộc, tôm tít... Giá dao động từ vài chục đến hàng trăm nghìn. Ảnh: @yuga084/Instagram
Ngoài bày bán hải sản tươi sống, chợ Hàng Dương còn có gian hàng hải sản chế biến sẵn cho thực khách lựa chọn để mang ra biển hóng gió, nhâm nhi cùng bạn bè. Các quầy hàng bày bán hấp dẫn dọc lối đi trong chợ với đủ món ốc len xào dừa, sò nướng mỡ hành, càng ghẹ sốt chua cay, mực nướng sa tế... Ảnh: @nikiellison/Instagram
Lăng ông Thủy Tướng tọa lạc trên đường Duyên Hải, thị trấn Cần Thạnh, huyện Cần Giờ là nơi đón du khách thập phương đến tham quan, cúng bái tri ân Cá Ông cứu người gặp nạn trên biển. Lăng có riêng một gian phòng đặt bộ xương Cá Ông dài 12 m do Viện Bảo tàng TP HCM phục dựng năm 2001, bảo quản trong tủ kính. Vào rằm tháng 8 Âm lịch hàng năm, huyện Cần Giờ tổ chức lễ hội truyền thống "Nghinh Ông" để tôn vinh Cá Ông và các vị thần, cầu mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an và an toàn cho người đi biển. Ảnh: Yến Nhi
Buổi chiều là thời điểm du khách có thể ra biển 30/4 để hóng gió, tắm mát hoặc chụp ảnh cùng bạn bè. Biển tại đây có nhiều phù sa nên nước không quá trong xanh, bù lại biển có bãi cát mịn, không gian đẹp với hàng phi lao chạy dọc bờ biển. Gần đó cũng có những bờ kè đá chạy thẳng ra biển chừng 100 m, là điểm check-in điển hình của giới trẻ khi ghé Cần Giờ. Ảnh: @pongpe1805/Instagram
Huỳnh Nhi