Gọi là làng nghề truyền thống nhưng thực ra khi đến đây, du khách không chỉ có dịp tìm hiểu hoạt động của những nghề thủ công nay đã gần như bị mai một mà còn được chiêm ngưỡng những cổ vật chỉ có ở những khu di tích, bảo tàng lịch sử hoặc tham quan những công trình kiến trúc độc đáo ở các vùng miền.
Ngoài ra, du khách còn được hít thở không khí trong lành, mùi cỏ cây đồng nội của một không gian êm ả… Làng nghề truyền thống “Một thoáng Việt Nam” để lại ấn tượng đẹp với bao câu chuyện thú vị về lịch sử, văn hóa Việt Nam.
Mười tám năm trước, nơi đây chỉ là một khu đất hoang vu sình lầy, đầy rẫy hố bom của vùng “đất thép” Củ Chi (ấp Phú Bình, xã An Phú, huyện Củ Chi) mà nếu không có một sự gắn bó sâu nặng, một ý chí mạnh mẽ để thực hiện ước vọng của mình thì có thể những người khai sinh ra làng nghề đã bỏ cuộc.
Khoảng 700.000 mét khối đất san lấp, hơn 4.000 cây cừ tràm được đóng xuống, gần 8.000 mét đường nội bộ, 2,3 ki lô mét kênh dẫn nước, 53 căn nhà… với tổng kinh phí gần 100 tỉ đồng và rất nhiều tâm huyết, công sức bỏ ra, tất cả chỉ để biến khu vực rộng gần 20 héc ta này thành nơi giới thiệu một góc của bức tranh tổng thể về con người Việt Nam với cội nguồn, nền tảng văn hóa truyền thống bằng các hoạt động, các biểu trưng vật thể và phi vật thể.
Lũy tre - khung cảnh đồng quê
|
Giờ đây, tuy vẫn còn phải tiếp tục hoàn thiện nhưng cơ ngơi của làng nghề “Một thoáng Việt Nam” khá bề thế với các khu vực như không gian đất nước - con người, khu làm nghề, khu nhà đặc trưng một số vùng miền, khu văn hóa ẩm thực, khu văn thơ, khu hoa thơm cỏ lạ, khu nhà nghỉ… nằm ẩn mình trong vùng cây xanh mát.
Gây ấn tượng mạnh với khách tham quan khi bước chân vào đây là cái chất lịch sử - văn hóa rất đậm. Một khu trưng bày hình ảnh, hiện vật thể hiện công cuộc dựng nước và chiến đấu giữ nước của dân tộc Việt Nam từ thời đồ đá, đồ đồng qua các triều đại Đinh, Lê, Lý, Trần… cho đến thời hiện đại.
Hành lang về nguồn: nơi trưng bày hiện vật lịch sử
|
Nơi thờ 3 cọc gỗ ở sông Bạch Đằng
|
Một đền thờ Xã tắc (sơn hà xã tắc) với bàn thờ được đắp bằng đất và nước lấy từ các danh thắng, các địa điểm lịch sử ở 63 tỉnh, thành trong cả nước như đất ở Lũng Cú, Điện Biên, ở đỉnh Hồng Lĩnh, núi Tản Viên, Cổ Loa, Lam Sơn, thành nhà Mạc, nhà Hồ, nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn, ở một đảo nhỏ ngoài vịnh Hạ Long, mũi Cà Mau… Trước đền Xã tắc còn trưng bày ba cây cọc gỗ Bạch Đằng, những cây cọc từng làm đắm thuyền giặc trên dòng sông lịch sử này.
Bà Trần Thị Tuyết Nga, Chủ nhiệm làng nghề, cũng chính là người đã làm lễ rước ba cây cọc từ Quảng Yên vào đây, cho biết: “Cọc làm bằng gỗ lim, nặng và rắn như sắt. Cây dài nhất khoảng 3 mét. Xem kỹ mới biết những cây cọc này có độ tuổi gỗ (non, già) khác nhau. Tôi nghiệm ra rằng để có đủ cọc cho các trận chiến, cha ông ta thời ấy đã phải sử dụng mọi cây lớn nhỏ tìm được, một cuộc “tổng động viên” cả cây cối”. Trong “khu không gian đất nước - con người” còn có một sa bàn bản đồ Việt Nam có chiều dài 55 mét trên nền hoa văn trống đồng được đắp bằng đá ong cùng với những hình ảnh, sơ đồ, hiện vật giới thiệu về lịch sử và địa lý Việt Nam.
Từ lịch sử qua văn hóa, khu nhà ở đặc trưng của các vùng miền là một cuộc triển lãm lộ thiên về nếp ở của người Việt từ đồng bằng đến vùng cao mà nét độc đáo của nó cho thấy một trình độ cao về kiến trúc và mỹ thuật. Đó là căn nhà tiêu biểu các vùng Bắc bộ, Nam bộ, nhà đất cổ ở Bình Định, nhà rường Huế, nhà rông Tây Nguyên, nhà dài Êđê, nhà pơmu của người Mông…
Cái đặc sắc ở đây là các kiến trúc này đều được thực hiện đúng như trong thực tế, bằng chính vật liệu và người thợ địa phương. Chẳng hạn, nhà rông Tây Nguyên là do chính người Bana từ Buôn Ma Thuột xuống làm, nhà gỗ pơmu (dùng gỗ pơmu cũ mua lại) thì do chính người Mông thực hiện hoàn toàn bằng rìu… Hoặc như căn nhà đất hai lớp mái độc đáo ở Bình Định (một lớp tranh dày làm mái ở trên và ngay bên dưới là một lớp đất làm trần cũng rất dày có tác dụng chống cháy và điều hòa nhiệt độ trong nhà) phải đưa thợ từ Bình Định vào làm trong hơn một năm ròng… “Chúng tôi muốn mọi cái đều thật, như thế mới có ý nghĩa, mới thuyết phục”, bà Tuyết Nga nói.
Cũng với tinh thần “làm thật”, ở khu làm nghề là một số nghề thủ công truyền thống như dệt lụa, khắc gỗ, làm gốm, chằm nón, đan mành tre, làm bánh tráng… Đặc biệt ở “Một thoáng Việt Nam” còn có những nghề ít người biết đến như nghề làm giấy dó, nghề làm vàng quỳ (vàng, bạc dát mỏng thành lá), nghề sơn son thếp vàng.
Gốm Phù Lãng
|
Thợ thủ công ở đây được tuyển từ các làng nghề địa phương, phần lớn là các làng nghề ở phía Bắc. Công việc của họ là sản xuất hàng mỹ nghệ xuất khẩu cho làng nghề nhưng họ cũng sẵn sàng giải thích và “biểu diễn” cho khách tham quan cách làm và các công đoạn sản xuất. Ở điểm làm giấy dó chẳng hạn, khách có thể cầm xem vỏ cây dó phơi khô, xem cách người thợ xeo giấy… Đã có một số trường phổ thông đưa học sinh đến đây tham quan, tập đan lát, làm đồ gốm.
“Một thoáng Việt Nam” còn là một bảo tàng thực vật Việt Nam thu nhỏ. Hơn 500 loài cây, từ cây lúa, chuối, bầu, bí, mướp, cây bông vải… trồng rải rác khắp làng cho đến những loài cây đặc biệt hiếm thấy trong khu “hoa thơm cỏ lạ” như cây hoa súng có lá to bằng cái nia, cây súng có hoa đổi màu theo ánh nắng, cây nắp ấm có 20 giống khác nhau và đặc biệt là tre có đến 50 giống sưu tập cả ở trong và ngoài nước.
Bà Tuyết Nga cho biết, làng nghề đang tập trung nghiên cứu giống tre để tìm lời giải đáp cho điều nghịch lý: Việt Nam là một trong những quê hương của cây tre, cây tre gắn bó với người Việt từ nhỏ cho đến già, thế nhưng sản phẩm từ tre đến nay hầu hết vẫn là vật dụng đơn giản, hàng thủ công mỹ nghệ, trong khi nhiều nước như Hàn Quốc, Trung Quốc và vùng lãnh thổ Đài Loan đã phát triển công nghệ chế biến tre rất cao (công nghệ nanô), làm ra những sản phẩm sinh thái cao cấp như nước hoa, xà phòng, tấm lọc, sợi vải… từ than tre.
Hẳn nhiên, “Một thoáng Việt Nam” không thể thiếu khu văn hóa ẩm thực với các món ăn dân dã truyền thống được chế biến tại chỗ và một khu vui chơi với những trò chơi dân gian. Ngoài ra, một khu văn thơ dành cho khách yêu văn nghệ với tranh ảnh, thư pháp, tượng điêu khắc một số tác giả, nhân vật nổi tiếng trong văn học Việt Nam như nhà thơ Nguyễn Công Trứ với hai cây thông biểu tượng trước sân minh họa cho hai câu thơ bất hủ: “Kiếp sau xin chớ làm người. Làm cây thông đứng giữa trời mà reo”, tượng Chí Phèo và Thị Nở, sắp tới sẽ có tượng “bà chúa thơ Nôm” Hồ Xuân Hương… Những khu vực sinh hoạt này sẽ giúp mọi người thư giãn nhẹ nhàng, lành mạnh.
Có lẽ khó kể hết những điều thú vị cùng những kiến thức mới mẻ, bổ ích về lịch sử, thiên nhiên và văn hóa dân tộc mà làng nghề truyền thống “Một thoáng Việt Nam” đem đến cho du khách khi đến đây, nhất là các em học sinh. Thực tế, làng nghề này đã vượt ra khỏi giới hạn của một trung tâm bảo tồn nghề truyền thống hay một khu du lịch, giải trí thuần túy. Và đó cũng chính là điều mong mỏi của những người sáng lập làng nghề.
“Chúng tôi muốn làm một điều đó để giữ gìn, quảng bá và phát huy văn hóa dân tộc một cách hiệu quả. Một khi văn hóa dân tộc bị suy tàn hay mất đi thì đất nước sẽ ra sao?”, điều trăn trở và cũng là động lực tinh thần thôi thúc bà Tuyết Nga cùng các thân hữu cùng chí hướng đã dốc trọn tâm huyết và vốn liếng của mình để tạo dựng một không gian văn hóa đặc sắc và bề thế.
Nguồn : TBKTSG