Không chỉ là địa phương duy nhất ĐBSCL vừa sở hữu núi, vừa sở hữu trọn vẹn hai nhánh sông chính của dòng Mekong đổ về hạ lưu, đặc biệt vùng đất có 4 dân tộc anh em chung sống này còn là miền “tâm linh” với di tích Bà Chúa Xứ Núi Sam cùng nhiều tôn giáo bản địa...
Chính điều này đã tạo cho An Giang nhiều danh thắng và di tích lịch sử - văn hóa có một không hai trên Đất Chín Rồng ... “Tự hào, nhưng không chỉ trông chờ vào tài nguyên thiên nhiên sẵn có, An Giang đã và đang xây dựng nền du lịch năng động, sẵn sàng tiếp nhận và đồng hành cùng các nhà đầu tư tâm huyết để phát huy hơn nữa giá trị tiềm năng...”- Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình chia sẻ. Vì thế không có gì khó hiểu khi du lịch chiếm 22 trong tổng số 54 dự án kêu gọi đầu tư của tỉnh tại Hội nghị Xúc tiến Đầu tư năm 2018
Lấp lánh tài nguyên thiên tạo
So với các tỉnh trong vùng ĐBSCL, An Giang sở hữu vị trí địa lý vô cùng độc và lạ .Giữa đồng bằng “cò bay thẳng cánh”, nổi lên cụm núi đồi với nhiều hang động, lò ảng đầy bí ẩn đã tạo nên thương hiệu Thất Sơn vô cùng hấp dẫn bởi sự đan xen giữa sự thật và huyền thoại... Trong đó có Núi Cấm (Tịnh Biên) với độ cao trên 700m so mặt nước biển, được xem là nóc nhà của ĐBSCL. Không chỉ sở hữu nhiều di tích, danh thắng mà chỉ cần nghe qua tên gọi cũng đủ kích thích các bước chân thích khám phá, như: Suối Thanh Long, Hang Ông Hổ, Vồ Bồ Hong, Điện Cửu Phẩm, Giếng Gia Long...
Núi Cấm còn thu hút du khách bởi vẻ đẹo không đâu có được. Vào những buổi sáng sớm, nước từ các khe, suối... tỏa lên những sợi khói quấn quít, khi bay vút lên tạo thành màn sương mỏng mảnh vắt vẻo trên ngọn cây, triền núi... khi la đà dưới mặt đất, khiến cho mọi người ngỡ như đang lạc bước vào chốn bồng lai trong chuyện cổ tích ngoại kể thời ngày xưa... chưa xa. Đặc biệt vào những đêm trăng sáng, ánh vàng vằng vặc từ trên cao rắc xuống mặt hồ Thủy Liêm rộng hơn 60.000m2 dưới chân đỉnh Bồ Hong 4 mùa đầy ắp nước,... tạo nên không gian liêu trai đến lung lạc... Chắc chắn sẽ là một đêm khó quên khi tiếng chuông từ tháp cao của ngôi chùa Lá (Vạn Linh tự) vang lên mặt hồ bát ngát hơi sương chấp chới...
Không chỉ có vậy, An Giang còn có núi Cô Tô (Tri Tôn) hấp dẫn với câu chuyện đậm màu huyền thoại về danh xưng Đồi Tức Dụp Theo tiếng Khmer, Tức Dụp là nước đêm, xuất phát từ truyền thuyết: Thời hồng hoang, vào những đêm trăng, tiên nữ nhà trời thường xuống đây tắm suối. Nhưng Tức Dụp còn hấp dẫn hơn bởi nơi đây còn viết lên huyền thoại thời hiện đại với danh xưn mới: Ngọn đồi 2 triệu đô la. Nơi đây, trong 128 ngày đêm, (17.11.1968 - 24.3.1969) 40 chiến sĩ Bộ đội Cụ Hồ với vũ khí thô sơ đã đánh bật 18.000 quân được trang bị vũ khí tối tân, làm kẻ thù tổn thất 2 triệu đô la... Hay Núi Sam kỳ bí vươn mình giữa trung tâm TP Châu Đốc sầm uất rồi ôm vào lòng cả cụm danh thắng, di tích nổi tiếng: Sơn lăng Thoại Ngọc Hầu, Miếu Bà Chúa Xứ Núi Sam, Chùa Hang, Chùa Tây An- nơi lưu dấu Phật thầy Tây An – người khai sinh Phật giáo nội sinh- Bửu Sơn Kỳ Hương.... Rồi núi Ông Thoại (Thoại Sơn), núi Bà Đội, Núi Trà Sư... (Tịnh Biên), Núi Dài, Núi Tượng, Núi Nước (Tri Tôn)...
Không chỉ hấp dẫn du khách gần xa bằng hình ảnh núi non hùng vĩ, An Giang còn làm lưu luyến mọi bước chân với hệ thống sông, hồ sở hữu vẻ đẹp đầy ma mị...ngay từ tên gọi, như Búng Bình Thiên- hồ nước ngọt tự nhiên vùng đầu nguồn sông Hậu, Ô Tức Sa – hồ nước ngọt khổng lồ dưới chân đỉnh Núi Cấm... Hay rừng tràm Trà Sư, hình ảnh điển hình của vùng đất ngập nước Nam bộ xưa...với sự hòa quyện giữa trời nước mênh mông – rừng tràm bát ngát và chim, cò rợp bóng tạo nên sinh cảnh bình yên, thanh tịnh đến nao lòng...
Tài nguyên nhân tạo và hơn thế nữa
“Rất tự hào về tài nguyên thiên nhiên ưu đãi, nhưng An Giang cũng rất muốn phát huy hơn nữa để đánh thức, chấp cánh cho tài nguyên sẵn có bay cao, bay xa hơn nữa”- Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình đã khẳng định tại buổi họp báo chuẩn bị cho Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh An Giang năm 2018. Theo đó, An Giang hướng tới xây dựng nền du lịch năng động, sẵn sàng tiếp nhận và đồng hành cùng các nhà đầu tư tâm huyết để phát huy hơn nữa giá trị tiềm năng...
Vì thế không có gì khó hiểu khi du lịch chiếm 22 trong tổng số 54 dự án kêu gọi đầu tư của tỉnh tại Hội nghị Xúc tiến Đầu tư năm 2018 với nhiều chính sách hỗ trợ đầu tư rất linh hoạt cho từng loại hình đầu tư, như: Hỗ trợ xây dựng cơ sở lưu trú du lịch, nhà hàng kết hợp bán đặc sản An Giang... Theo Nghị quyết số 19/2018/NQ-HĐND ngày 19/7/2018, An Giang hỗ trợ 40-50 -60 triệu đồng/phòng đối với dự án xây dựng cơ sở lưu trú 3- 4 -5 sao, với tổng mức hỗ trợ tối đa lên đến 6 tỷ đồng/dự án; hay hỗ trợ đến 02 tỷ đồng cho dự án đầu tư khai thác du lịch sông nước. Thậm chí, bên cạnh hỗ trợ “tiền tươi, thóc thật”, An Giang còn có chính sách hỗ trợ 50% lãi suất tiền vay trong hạn khi vay vốn ở các ngân hàng để đầu tư phát triển loại hình du lịch cộng đồng với số nợ vay hỗ trợ tối đa không quá 02 tỷ đồng/01 tập thể hoặc hộ gia đình...
Không chỉ trải thảm đỏ về hỗ trợ, An Giang còn quan tâm đến hiệu quả kinh tế cho nhà đầu tư khi chấm chọn các dự án được đánh giá là rất có tiềm năng kinh tế, như: Khu trung tâm hành hương Núi Cấm, huyện Tịnh Biên (tượng Di Lặc - chùa Phật Lớn - chùa Vạn Linh) quy mô 39,76ha, tổng vốn 500 tỷ đồng; Khu du lịch Búng Bình Thiên (huyện An Phú), quy mô 706,8ha, tổng vốn đầu tư 600 tỷ đồng...
Thật ra không phải đợi đến dịp tổ chức Hội nghị Xúc tiến đầu tư năm 2018 An Giang mới ban hành, công bố chính sách hỗ trợ du lịch. Thực tế cho thấy, đó là điều đã được tỉnh quan tâm, đầu tư và trải thảm đỏ cho các nhà đầu tư đến và đang phát huy hiệu quả tích cực. Không ai không thể không đồng tình rằng du lịch An Giang nói chung, đặc biệt là khu du lịch Núi Cấm, Núi Sam đã và đang khởi sắc hơn, đẹp hơn xưa . Những năm gần đây bằng nhiều chủ trương, chính sách khuyến khích du lịch, nhiều tổ chức, cá nhân đã đầu tư xây dựng, tạo cho Núi Cấm có thêm nhiều tài nguyên văn hóa nhân tạo...
Chính những công trình này đã tạo cho “Nóc nhà xanh” sức hấp dẫn mới hơn, toàn diện hơn. Đó không chỉ là kiến trúc đẹp và hoàng tráng của ngôi Vạn Linh tự và hay Nam Cực Đường (Chùa Phật Lớn) soi bóng xuống hồ Thủy Liêm xanh trong, tĩnh lặng ... mà còn có tượng Phật Di Lặc cao 33m - kỷ lục Châu Á về tượng Phật trên đỉnh núi... Và ngày nay, để chinh phục “nóc nhà” ĐBSCL, du khách không chỉ có duy nhất 1 cách bằng cuốc bộ hơn 5km đường dốc, mà còn có thêm lựa chọn để thưởng ngoạn nơi đây ở tầm cao: Cáp treo do doanh nghiệp tư nhân đầu tư. Từ trên cao, du khách sẽ thu vào tầm mắt cả màu xanh ngút ngàn của những núi, của những rừng và của những dòng suối ẩn mình dưới khe đá và nhạc tiếng nhạc rừng từ tiếng lá non gọi gió...
Hy vọng rằng với truyền thống và thành công từ mời gọi nhà đầu tư trong quá khứ, cùng với chính sách hỗ trợ linh hoạt và thiết thực hiện hành, An Giang sẽ thu hút được nhiều doanh nghiệp có tâm, có tầm và nhiệt huyết đầu tư đánh thức tiềm năng thiên nhiên để vùng đất “sông núi hữu tình” vươn lên đưa bay cao, bay xa hơn nữa trong mắt du khách trong và ngoài nước...
LaoDong