Mặc dù mới chỉ xuất hiện khoảng hơn 200 năm nay, nhưng nghề sơn son thếp vàng và sơn mài của làng Hạ Thái thuộc xã Duyên Thái, huyện Thường Tín, Hà Nội đã dần khẳng định được tên tuổi của mình trên trường quốc tế.
Theo các nhà nghiên cứu thì nghề sơn Hạ Thái có từ thế kỷ 16. Tuy không phải là phường đất tổ nghề sơn của Việt Nam nhưng phường sơn Hạ Thái ngày trước được trọng dụng vì có nhiều thợ tài hoa, khéo léo, sáng tạo.
Theo những người thợ sơn ở đây, nói đến nghề làm sơn cổ truyền là nói đến việc sản xuất, chế tác các sản phẩm sơn quang dầu hoặc sơn mài. Nghề sơn mài tuy ra đời muộn hơn nhưng thực sự là nghề đã nâng nghề sơn lên thành nghệ thuật bởi sự công phu, cầu kỳ trong quá trình tạo nên sản phẩm, thể hiện được nét tài hoa, khéo léo của người thợ thủ công.
Trước đây, người thợ sơn Hạ Thái chỉ tập trung vào sản xuất hàng sơn son thếp vàng, chủ yếu dùng loại sơn ta, cách pha theo kinh nghiệm cổ truyền. Loại sơn này lấy từ Phú Thọ, đặc tính rất độc, nếu không cẩn thận sẽ bị ăn lở, sưng húp cả mặt. Vì vậy mà công đoạn pha chế sơn có vai trò đặc biệt quan trọng, quyết định đến sự thành bại của sản phẩm. Nó đòi hỏi người thợ sơn phải tỉ mỉ, kiên nhẫn, có kinh nghiệm từ khâu nấu sơn, cô sơn đặc, cho đến khâu thử sơn chín.
Hiện nay, do sự phát triển của nền kinh tế thị trường đòi hỏi nhiều kiểu dáng mẫu mã mới nên làng nghề đã áp dụng nhiều kỹ thuật hiện đại vào việc pha chế, thay đổi công đoạn phủ sơn, tạo cho sản phẩm độ bóng, bền, đẹp. Mỗi sản phẩm cũng phải đến 15-16 lớp sơn, ít cũng 10 lớp thì mới đảm bảo chất lượng. Đặc biệt, người Hạ Thái thuờng dùng loại sơn dầu hạt điều trộn với đất phù sa theo một tỉ lệ nhất định để tạo nên những tác phẩm nghệ thuật tinh xảo. Qua bàn tay khéo léo của những người thợ tài hoa, vẻ đẹp thiên nhiên của quê hương đất nước được tái hiện lại một cách sinh động, hấp dẫn mà vẫn giữ được một nét duyên dáng, đằm thắm rất nông thôn Việt Nam. Nếu trực tiếp nâng sản phẩm trên tay, hay sờ vào nước sơn, ta mới cảm nhận được hết cái hồn của người sáng tạo.
Mỗi sản phẩm sơn mài dù lớn hay nhỏ, dù đơn giản hay cầu kỳ, phức tạp đều đòi hỏi sự công phu, tỉ mỉ trong từng khâu, từng công đoạn. Từ khâu đầu tiên là tạo cốt (nguyên liệu chính) để phủ sơn mài người thợ đã phải hết sức tinh tế. Muốn sản phẩm bóng, mịn màng nhưng lại giữ được độ bền lâu, người thợ sơn thường dùng chất liệu gốm, tre hoặc gỗ dán để tạo cốt. Sau công đoạn tạo cốt sẽ là hàng chục các công đoạn được nối tiếp trong vòng ít nhất là 25 ngày, để hoàn thiện sản phẩm. Khâu phơi sản phẩm cũng là một khâu đặc biệt quan trọng, bởi nếu để một chút bụi hay hạt cát nhỏ không may sa vào bề mặt sản phẩm vừa được vẽ, phủ sơn, sẽ làm hỏng ngay độ bóng, độ mịn của nước sơn. Chính vì lẽ đó, nhiều xưởng sản xuất sơn mài ở Hạ Thái đã dành hẳn một phòng lớn, thoáng gió trong khu vực sản xuất để làm khu phơi sản phẩm. Một sản phẩm sơn mài được coi là hoàn hảo khi ngắm nhìn, người xem sẽ dễ dàng cảm nhận sự óng ánh của màu sắc đến độ lộng lẫy, kiêu sa mà vẫn toát lên được cái đẹp cái hồn của cảnh vật.
Người thợ sơn Hạ Thái không chỉ tài hoa, khéo léo mà còn biết tìm tòi, sáng tạo, không ngừng cải tiến hàng nghìn mẫu mã sản phẩm mới nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng trong và ngoài nước. Các sản phẩm sơn son thếp vàng truyền thống như tượng Phật, đồ thờ cúng... vốn là sản phẩm chủ đạo của làng nghề được làm từ chất liệu chính là gỗ, tre nứa, song mây nay cũng được bổ sung thêm các chất liệu mới như compuzit, gốm sứ... với nhiều mẫu mã đa dạng: từ bát, đĩa, lọ hoa, âu, khay, đến tranh sơn, tranh khảm, album… Riêng đồ sơn mài, Hạ Thái nhiều năm nay trở thành địa chỉ có uy tín xuất khẩu đến nhiều quốc gia trên thế giới như Anh, Pháp, Nga, Mỹ, Nhật, Hàn Quốc... Sơn mài Hạ Thái khẳng định thương hiệu nhờ chất lượng, mỗi sản phẩm sơn mài đều bóng, mịn, có độ bền cao, là dấu ấn tài hoa của người thợ.
Nguồn: Thanglonghanoi