Đất ở nông thôn bây giờ dần thu hẹp lại, nhà chen chúc nhau, mái tôn bên mái ngói, thấp bên cao. Dần dần cả những cái ao cũng co lại... Nhưng dù thế nào đi nữa, vẫn còn vương vấn, còn phảng phất một mảnh hồn làng.
Đêm vắng lại nhớ tiếng dội nước cầu ao, các cô thôn nữ sau một chập xay gạo, mồ hôi đẫm lưng, lại ra ao tắm bên những tiếng cá quẫy đớp trăng. Những bờ gạch cầu ao cũng là nơi gặp gỡ, trò chuyện, người ra gánh nước về tưới rau trong vườn, người ra giặt giũ chiếu, tiếng đạp chiếu vang một góc làng, tiếng cười hồ hởi của mấy cô bé ngồi giặt áo bàn chuyện mùa màng, chợ búa. Rồi những bài học bơi đầu tiên ở cái ao đục bùn bởi những con trâu vừa lội xuống dầm lưng, đang đứng ve vẩy quẫy đuôi. Hơi thở của làng bao quanh theo ta mãi cho đến khi lớn lên, rời làng, qua bao núi, bao sông, bao làng mạc thị trấn xa xôi...
Những mảnh ao làng như một chiếc gương trong vẫn như còn ở đấy, thầm thì với tâm hồn ta về những kỷ niệm say đắm đầu đời. Người ta đi xa hay hồi tưởng về một góc ao làng. Có khi chỉ là một vốc bèo hoa dâu, tan nhanh trên tay, rồi lan ra cả một mặt ao đầy bèo. (Mà lại thứ bèo hoa dâu đó còn mang lên cả vũ trụ để thí nghiệm). Âu cũng hay những thứ tầm thường, chẳng để ý có khi còn để lại bao dấu ấn thật vật chất cũng thật tâm linh hiện hữu trong đời.
Những chiếc ao ngày xưa đã thưa đi, dành chỗ cho những vòi nước sạch nông thôn, những kỷ niệm về ao làng thì vẫn còn tươi mới...
Vũ Đức Tân-Quehuongonline