Đẩu Hàn thuộc xã Hòa Long (thành phố Bắc Ninh) là một làng cổ có bề dày lịch sử văn hiến và được thể hiện ở quần thể di tích đình chùa cổ kính thâm nghiêm, ở truyền thống khoa bảng và những thuần phong mỹ tục.
Là một làng cổ nằm sát bờ Nam sông Cầu, làng Đẩu Hàn được bao bọc bởi sông nước và cánh đồng lúa màu quanh năm xanh tốt. Con sông Cầu không những mang nặng phù sa màu mỡ bồi đắp cho những xóm đôi bờ của nó, mà còn ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử trọng đại của dân tộc trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm. Đến thời Lê, quê hương Đẩu Hàn được biết đến với tên tuổi của Tiến sĩ Đỗ Vĩnh An. Các sách như “Liệt huyện đăng khoa bị khảo”, “Đại Việt lịch đại đăng khoa”, “Đại Việt lịch đại tiến sĩ khoa thực lục” đều ghi tên ông là Đỗ Vĩnh An. Năm 30 tuổi ông đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân khoa Kỷ Mùi niên hiệu Cảnh Thống 2 (1499) đời vua Lê Hiển Tông. Ông là vị quan thanh liêm, chính trực và có nhiều công lao với dân với nước.
Đình Đẩu Hàn được xây dựng với quy mô rất lớn vào thời Lê Trung Hưng, đến thời Nguyễn được trùng tu và từ đó đến nay vẫn giữ nguyên được vẻ đẹp của kiến trúc, điêu khắc “tứ linh, tứ quý” lộng lẫy tinh xảo nghệ thuật. Đó là tòa Đại đình to lớn kiểu chữ Đinh với các góc mái đao cong. Bộ khung gỗ lim vững chắc, trên tất cả các bộ phận kiến trúc như vì nóc, cốn, bẩy, đầu dư đều được chạm khắc trang trí. Các đầu dư chạm lộng đầu rồng ngậm ngọc với đầu rồng có tóc và bờm bay ngược ra đằng sau bởi những nét đao mác dài và đây là dấu ấn nghệ thuật của thời Lê Trung Hưng. Bức cửa võng ngăn giữa Tiền tế và Hậu cung được chạm đề tài “Tứ linh, tứ quý” tinh xảo, nghệ thuật với những hình ảnh “rồng bay”, “phượng múa”, “lân chầu” “quy đội” rất công phu nghệ thuật. Gian giữa Tiền tế có 2 bức cốn chạm kênh bong đề tài “Long cuốn thuỷ” và “Phượng hàm thư” rất nghệ thuật. Đặc biệt là bức cửa võng ngăn giữa Tiền tế và Hậu cung được chạm “tứ linh, tứ quý” nghệ thuật sơn son thếp vàng rực rỡ. Các đầu bẩy hiên chạm hoa lá cách điệu. Đỉnh nóc đắp “Lưỡng long chầu nguyệt”, các đầu đao đắp nổi đầu rồng, bờ dải là các con xô, 2 đầu nóc là 2 đầu kìm.
Căn cứ vào thần phả, sắc phong của đình Đẩu Hàn, người được thờ là “Thánh Tam Giang” có công đánh giặc Lương ở thế kỷ VI và 3 vị danh thần trên núi Tản Viên thời Hùng Vương có công phù dân giúp nước. Việc thờ phụng những người có công với dân với nước là truyền thống đạo lý tốt đẹp của dân ta.
Đình Đẩu Hàn còn bảo lưu được nhiều tài liệu, cổ vật quý như: thần tích, sắc phong, ngai, bài vị, án thờ, sập thờ và nhiều đồ thờ tự khác, đặc biệt 10 đạo sắc phong với các niên đại như sau. Cảnh Thịnh 3 (1795), Gia Long 9 (1810), Tự Đức 6 (1823), Tự Đức 33 (1880), Đồng Khánh 2 (1886), Duy Tân 3 (1903), 4 sắc Khải Định 9 (1924). Đó là những di sản văn hóa quý giá, không những là chứng tích của ngôi đình trong lịch sử mà còn cho biết nhiều thông tin quý giá về quê hương làng xã nơi đây.
Giá trị của đình Đẩu Hàn còn được thể hiện ở lễ hội truyền thống. Theo tục lệ hàng năm cứ đến ngày mồng 10 tháng 8 (âm lịch) đình Đẩu Hàn lại được mở hội. Xưa để tổ chức lễ hội ngay từ trong năm làng đã họp bàn, bầu ra quan đám, phân việc cho các giáp (giáp Đông, giáp Tây) và bàn việc. Quan đám và các giáp được nhận ruộng công để lo việc đình đám. Vào hội, ngay từ mồng 9, đình đã được mở cửa để bao sái đồ thờ tự, phong cờ quạt. Ngày 10 chính hội, dân làng tổ chức rước các Thần từ các đền, nghè (nghè Bãi Mía và Bãi Nuôi) về đình làng để thờ phụng tế lễ và mở hội. Vật tế Thần là lợn đen chém thành 6 khúc. Sau khi tế xong, lộc được chia đều cho các giáp và các suất đinh. Trong những ngày lễ hội, sau phần lễ là phần hội với nhiều tục trò dân gian vui chơi giải trí như: tuồng, chèo, vật, đu cây, bắt vịt và đặc biệt là tục hát quan họ. Đẩu Hàn cũng là một trong 49 làng quan họ gốc của xứ Kinh Bắc-Bắc Ninh. Ngày nay, lễ hội của đình Đẩu Hàn vẫn giữ được những nghi thức cổ, phần hội có thêm nhiều hoạt động văn hóa văn nghệ vui tươi lành mạnh.
Đình Đẩu Hàn là công trình văn hóa tín ngưỡng cộng đồng gắn liền với bề dày lịch sử, văn hiến của cộng đồng làng xã nơi đây, góp phần làm nên văn hiến xứ Kinh Bắc-Bắc Ninh.
Nguồn: website Bắc Ninh