Dân tộc Lô Lô có khoảng 3.300 người, cư trú chủ yếu ở tỉnh ta và một số ít ở huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng. Đây cũng là một trong những dân tộc ít người nhất của nước ta. Mặc dù vậy, người Lô Lô vẫn đang chứng tỏ mình là một dân tộc bản lĩnh.
Với số dân ít ỏt, sống xen kẽ lâu đời với các dân tộc khác, đất đai canh tác ít, thường xuyên phải tìm kiếm việc làm ở bên ngoài làng bản của mình... thế nhưng, cho đến nay, những giá trị truyền thống của dân tộc này vẫn được gìn giữ hầu như nguyên vẹn- điều mà không phải dân tộc ít người nào cũng làm được.
Người Lô Lô ở Hà Giang có hai ngành là Lô Lô Đen và Lô Lô Hoa. Nhóm Lô Lô Đen tập trung ở xã Lũng Cú, còn nhóm Lô Lô Hoa đông hơn sống tại các xã Lũng Táo, Sủng Là(huyện Đồng Văn) và huyện Mèo Vạc. Hai nhóm này chỉ khác nhau về bộ trang phục, còn tiếng nói, phong tục tập quán thì không có gì khác biệt nhiều. Theo các tài liệu có được hiện nay đều cho rằng người Lô Lô vào Việt Nam (Đồng Văn- Hà Giang, Bảo Lạc- Cao Bằng) từ thế kỷ thứ X và rải rác sau đó. Qua đó có thể nói Lô Lô là một trong những dân tộc có mặt sớm và có công khai khẩn mảnh đất Đồng Văn. Bằng chứng là ngày nay, người Tày hay người Mông vùng Hà Giang, Cao Bằng vẫn có tục cúng ma Lô Lô.
Dù sinh sống giữa vùng đồng bào Mông song người Lô Lô vẫn cư trú thành xóm riêng biệt, chừng dăm bảy, chục hộ quây quần với nhau. Nhà cửa được sắp xếp theo một trật tự chung đó là dựa lưng vào núi, nhìn ra thung lũng nên tương đối thoáng mát. Hầu hết người Lô Lô ở nhà đất trình tường. Nhìn từ ngoài vào có vẻ không khác mấy so với nhà trình tường của người Mông nhưng khi quan sát cách thức bố trí, sử dụng không gian trong nhà thì mới thấy sự khác biệt. Đối diện với với cửa chính là bàn thờ tổ tiên, đặt sát vách, được làm bằng những miếng gỗ hoặc mo tre vẽ mặt hình nhân, tượng trưng cho các thế hệ tổ tiên được thờ. Đây có lẽ cũng là nét độc đáo có riêng ở dân tộc này. Mỗi làng thường có chung một khu rừng thiêng, cấm kỵ chặt phá. Trong quan niệm của đồng bào thì đấy là nơi trú ngụ của thần linh nhưng trong thực tế đó cũng là nơi giữ nguồn nước cho cả xóm. Trong xóm Lô Lô, các cây cổ thụ cho bóng mát cũng được người dân ý thức giữ gìn, góp phần tạo nên cảnh quan riêng của cho những chòm xóm người Lô Lô.
Nếu nói về bản sắc văn hoá riêng của dân tộc này thì không thể không kể đến bộ trang phục truyền thống của nữ giới. Phụ nữ Lô Lô Đen mặc áo cổ vuông chui đầu có các mảng hoa văn hình chim vòng quanh thân áo. Tay áo rộng được ghép bằng nhiều vòng vải màu khác nhau. áo kết hợp với váy và mảnh vải hình chữ nhật dài chùm phía sau hông, xà cạp quấn chân... Phụ nữ Lô Lô Hoa lại mặc áo cánh cổ tròn, xẻ ngực. Tay áo cắt chẽn, được ghép bằng các vòng vải màu khác nhau. Khác với nhóm Lô Lô Đen, phụ nữ Lô Lô Hoa lại mặc quần ống què có trang trí hoa văn. Dù có điểm khác nhau nhưng bộ trang phục nữ giới của hai nhóm này đều rất đẹp, được làm rất công phu, trang trí các loại hoa văn như: Hoa văn hình học (hình tam giác, hình vuông), hình quả thảo quả, hình chim “ngó bá”... thể hiện trình độ, khiếu thẩm mỹ tinh tế của đồng bào. Với sắc màu nóng đậm, bộ trang phục nữ Lô Lô được kết hợp với những đồ trang sức bằng bạc, nhôm có sắc trắng, sáng lấp lánh... cho thêm phần duyên dáng.
Một người Lô Lô đang xếp bờ rào đá.
Với tính cách kín đáo, tế nhị, người Lô Lô sinh sống hòa đồng, đoàn kết với các dân tộc xung quanh, xong cách sống vẫn mang đậm bản sắc của dân tộc mình. Thanh niên nam, nữ Lô Lô được tự do tìm hiểu để đi đến hôn nhân. Ở dân tộc này, vai trò của ông cậu có vai trò rất quan trọng từ việc thách cưới, giao nhận lễ vật đến việc đem của hồi môn sang nhà trai đều một tay ông cậu đứng ra chủ trì. Dù trước đây hay bây giờ thì người Lô Lô vẫn chung thủy và tôn trọng hôn nhân một vợ một chồng. Nếu như trong cưới xin, để phù hợp với nếp sống mới, nhiều nghi lễ đã bị loại bỏ dân thì trong tang ma của dân tộc này, các nghi lễ phải được tiến hành nghiêm ngặt đúng phong tục. Bố mẹ qua đời phải ít nhất 1 năm con cái mới được dựng vợ gả chồng. Người ta cúng tổ tiên, ông bà vào các dịp như rằm tháng 7, tết năm mới. Chu kỳ đời người từ sinh nở, cưới xin, tang ma đều mang đậm dấu ấn văn hoá Lô Lô, có cái còn, có cái đã cải biến cho phù hợp với cuộc sống hôm nay.
Trống đồng được lấy ra từ nhà kho của người Lô Lô ở Đồng Văn.
Một trong những điểm nhấn trong văn hoá của người Lô Lô đó là bộ trống đồng cổ mà dân tộc này sử dụng trong các dịp cúng thổ thần, tổ tiên và trong đám tang. Người Lô Lô xem trống đồng là một báu vật thiêng liêng mà cha ông truyền lại, là biểu tượng sức sống của dân tộc, nối cõi thường với tâm linh. Không chỉ tự hào là một trong những dân tộc có mặt sớm ở vùng đất này, tự hào về nền văn hoá trống đồng cổ, chữ viết tượng hình xa xưa... mà đồng bào còn tự hào về vốn văn hoá dân gian phong phú của mình qua những điệu múa, làn điệu dân ca, truyện cổ tích. Những câu chuyện cổ tích mang vể hoang đường, thần thoại những dã phác lên được vũ trụ quan sinh động của dân tộc này trước các hiện tượng thiên nhiên và xã hội. Những bài ca, tiếng hát chứa chan tình yêu con người, cuộc sống, thiên nhiên... được ví như là viên ngọc quí đóng góp vào kho tàng văn học dân gian Việt Nam.
Nhà ở của đồng bào Lô Lô.
Tuy nhiên để những giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc Lô Lô tiếp tục được gìn giữ và phát huy trong cuộc sống hôm nay của đồng bào là cả một vấn đề cần được các cấp chính quyền, các ngành chức năng quan tâm. Với số dân ít, sống tương đối tập trung, các làng bản người Lô Lô cần tiếp tục được đầu tư, hỗ trợ phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân. Tiếp tục đầu tư thoả đáng cho công tác nghiên cứu, sưu tầm vốn văn hoá dân gian của dân tộc này hiện còn đang gìn giữ được. Khuyến khuyến con em đồng bào học tập, nâng cao trình độ, nhận thức đúng đắn giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc mình, tránh sự tự ti như: Ngại mặc trang phục truyền thống, ngại nói tiếng dân tộc mình dẫn đến không biết nói...
Giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc Lô Lô nói riêng, các dân tộc Hà Giang nói chung phải bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, phù hợp và được bà con chấp nhận chứ không phải chỉ bằng những lời nói suông hay những biện pháp hành chính cứng nhắc. Với bản sắc riêng độc đáo của mình, các làng bản người Lô Lô sẽ trở thành những điểm du lịch văn hoá hấp dẫn nếu các ngành chức năng biết đầu tư, khai thác hợp lý.
Nguồn : báo Hà Giang