Nằm trên tuyến giao thông huyết mạch, nên Lào Cai sớm trở thành một trung tâm giao lưu văn hoá. Trước công nguyên, Lào Cai là một trung tâm văn hoá lớn của cả vùng. Đặc biệt, với số lượng lớn các loại trống đồng (31 chiếc), các hiện vật Đông Sơn khá phong phú được phát hiện có thể chứng minh Lào Cai là một trung tâm chính trị - xã hội lớn.
Bên cạnh rìu lưỡi xén, mũi dao Đông Sơn, còn có liễn 3 chân là tượng người rậm râu, mũi lõ, mắt sâu... và cả những chiếc bát bằng bạc, đĩa thuỷ tinh, là sản phẩm của cư dân du mục vùng Trung Á. Như vậy, ngay từ thời cổ đại, Lào Cai đã là một trung tâm giao lưu văn hoá với văn hoá Điền ở Vân Nam - Trung Quốc. Và qua vùng cửa ngõ Điền, một số yếu tố văn hoá vùng thảo nguyên Trung Á đã đến Lào Cai.
Suốt thời kỳ lịch sử sau này, sự giao lưu văn hoá ở Lào Cai vẫn diễn ra mạnh. Trên đất Lào Cai đã phát hiện ra nhiều đồ gốm cổ, bên cạnh gốm Lý, Trần, gốm Chu Đậu còn tìm thấy cả gốm thời Minh, Thanh, dấu tích kiến trúc Việt Nam đan xen với kiến trúc Trung Hoa ở một số di tích đình, chùa. Lào Cai là vùng núi cao, nhưng nhiều yếu tố văn hoá biển như: tục thờ mía của người Giáy, lễ vượt biển của người Tày, một số nghi lễ và điệu múa diễn tả hành trình vượt biển của người Dao... Tính đa dạng trong văn hoá càng đậm nét ở văn hoá tộc người, Lào Cai có mặt các cư dân của ba (trong số bốn) ngữ hệ lớn ở Việt Nam. Ngữ hệ Nam Á có các tộc người: Việt, Mường, Kháng, Mông, Dao, La Chí, La Ha. Ngữ hệ Hán - Tạng có các tộc người: Hoa (Xạ Phang), Hà Nhì, Phù Lá (có cả nhóm Xá Phó). Ngữ hệ Thái có nhiều tộc người như: Tày (cả nhóm Pa Dí), Thái, Nùng, Giáy, Lào, Lự, Bố Y. Lào Cai trở thành điểm hội lưu văn hoá tộc người.
Tính đa dạng, phong phú của văn hoá Lào Cai thể hiện cả trong lĩnh vực văn hoá vật thể và văn hoá phi vật thể. Nhà cửa của đồng bào ở Lào Cai có nhiều loại hình khác nhau. Nếu căn cứ vào sự cấu tạo của nền nhà, các tộc người Lào Cai có 3 loại hình nhà chính: Nhà nền đất (tiêu biểu là các tộc Việt, Mông, Hoa...); Nhà nửa sàn nửa đất như dân tộc Dao (nhóm Dao đỏ...); Nhà sàn (người Tày, Thái, Kháng, La Ha...). Trong loại hình nhà nền đất có loại nhà đất của người Việt, nhưng cũng có loại nhà nền đất tường trình của người Mông, nhà nền đất tường trình theo kiểu pháo đài của người Hà Nhì... Trong loại hình nhà sàn có loại nhà sàn bốn mái gần như hình vuông của người Tày, nhưng cũng có kiểu nhà sàn mái tròn của người Thái, hoặc nhà sàn tường trình của người Tày Bắc Hà...
Về trang phục, Lào Cai luôn rực rỡ sắc màu, phong phú về kiểu loại. Mỗi tộc người có kiểu trang phục khác nhau. Nhưng trong cùng tộc người cũng có những ngành có trang phục riêng. Mỗi ngành Dao trang phục đều khác nhau. Trang phục của người Mông hoa, Mông xanh, Mông đen, Mông trắng, cũng có kiểu cách, màu sắc khác hẳn nhau. Phụ nữ Mông ở các huyện khác mặc váy, nhưng phụ nữ Mông ở Sa Pa lại mặc quần cộc. Đặc biệt, cũng là người Tày, nhưng người Tày ở Văn Bàn, Bảo Yên mặc áo ngắn, vắy ngắn, còn người Tày ở Bắc Hà lại mặc áo dài và quần dài. Mỗi phiên chợ vùng cao Lào Cai đều là nơi gặp gỡ hội tụ của nhiều kiểu trang phục.
Tính đa dạng, phong phú của văn hoá cũng thể hiện rõ nét ở văn học nghệ thuật dân gian. Mới khảo sát sơ bộ, Lào Cai có hơn 80 điệu múa khác nhau. Có những điệu múa dùng trong sinh hoạt (như xoè vòng, xoè chiêng), nhưng cũng có các điệu múa chỉ dùng trong nghi lễ tôn giáo hoặc lễ hội. Chỉ riêng nhóm Dao họ (Dao quần trắng) ở Bảo Thắng, Bảo Yên đã có 7 điệu múa khác nhau (múa kiếm, múa sạp, múa chuông, múa khăn, múa mặt nạ, múa trống, múa gà). Nghệ thuật âm nhạc cũng rất đa dạng, chỉ tính riêng nhạc khí, Lào Cai đã có đủ 10 họ với 11 chi khác nhau.
Trong văn học dân gian, mỗi dân tộc có đầy đủ hệ thống, các loại hình từ thần thoại, truyện cổ tích, truyện ngụ ngôn đến tục ngữ, câu đố, dân ca (dân ca giao duyên, dân ca nghi lễ phong tục, các bài ca than thân...). Hệ thống truyền thuyết, truyện cổ liên quan đến địa danh làng, bản, sông, núi khá phong phú.
Trong tôn giáo, bên cạnh tôn giáo tín ngưỡng bản địa (thờ cúng tổ tiên, thần bản mệnh...) chiếm địa vị quan trọng, còn xuất hiện một số tôn giáo mới du nhập. Các tín ngưỡng dân gian đã chịu sự ảnh hưởng của tam giáo, ảnh hưởng này diễn ra khá mạnh ở vùng người Dao, Tày, Nùng, Giáy... nhưng nổi bật nhất là người Dao. Trong miếu Vạn Thần của người Dao, bên cạnh Ngọc Hoàng còn có Phật là quân sư. Dưới trướng của Ngọc Hoàng và Phật còn có Thuỷ Nguyên, Linh Bảo, Đạo Đức. Sự đan xen giữa Tam giáo với tín ngưỡng dân gian đã tạo ra diện mạo mới trong đời sống tinh thần của các dân tộc Lào Cai.
Như vậy, sắc thái nổi bật trong văn hoá dân gian Lào Cai là tính phong phú của nhiều loại hình văn hoá. Nhờ có điều kiện, vị trí thuận lợi, giao lưu văn hoá phát triển đã tạo ra bức tranh đa dạng trong văn hoá Lào Cai.
Lào Cai nằm ở vị trí giao thông thuận lợi, nhưng cũng đồng thời là một vị trí chiến lược quan trọng. Ngay từ thời cổ đại, các quốc gia Nam Chiếu nhiều lần tiến quân dọc sông Hồng đánh chiếm phủ Tống Bình (Hà Nội). Từ khi nước ta giành được độc lập đến thế kỷ XVIII, phong kiến phương Bắc trong 8 lần động binh đưa quân xâm lược nước ta thì có tới 6 lần chúng tiến quân qua Lào Cai. Người dân Lào Cai luôn đối mặt với kẻ thù xâm lược, ý thức bảo vệ Tổ quốc trở thành ý thức thường trực. Do vậy, cả một dòng văn hoá dân gian chống ngoại xâm, đề cao lòng tự hào dân tộc đã nảy sinh, tạo nên sắc thái riêng của văn hoá Lào Cai. Các truyền thuyết chống ngoại xâm, bảo vệ biên giới xuất hiện khá phong phú, nhất là truyền thuyết, truyện cổ kể về sự tích các địa danh như: Đản Khao, Pha Long, Trung Đô, Nghĩa Đô, núi Đại Thần... Trong tín ngưỡng dân gian, các danh tướng chống giặc ngoại xâm, chống giặc cướp trở thành những thần linh được nhân dân tôn thờ như: Cầm Ngọc Hánh, Hoàng Vần Thùng, Giàng Chỉn Hùng... Ông Hoàng Bảy - một viên tướng bảo vệ biên cương đã đi vào điện thần Đạo Mẫu, được thờ trang trọng ở đền Bảo Hà. Đặc biệt, do vị trí Lào Cai rất quan trọng, nên nhân dân đã rước đức Thánh Trần - người anh hùng dân tộc thờ ở đền Thượng, xây dựng đền thờ Mẫu ngay ở vùng ven sông Hồng, giáp biên giới. Đền thờ Trần Hưng Đạo và thờ Mẫu Thượng Ngàn trấn ải ở biên cương thực sự trở thành cột mốc văn hoá bên cạnh cột mốc địa giới, nhằm khẳng định chủ quyền thiêng liêng của người dân Việt Nam về mặt văn hoá.
Cư trú tại một trung tâm giao lưu văn hoá, người dân Lào Cai vừa coi trọng giao lưu, vừa giữ gìn bản sắc. Trong mỗi tộc người, hai xu hướng giao lưu và bảo tồn luôn diễn ra. Các tộc người ở Lào Cai tuy cư trú đan xen, nhưng sự đan xen này mới chỉ dừng lại ở phạm vi xã. Còn trên địa bàn làng, bản, hầu hết các tộc người đều cư trú độc lập và ý thức tự hào tộc người luôn được đề cao. Ở một vùng cửa ngõ biên cương, văn hoá dân gian Lào Cai vừa đa dạng, phong phú lại có bản sắc riêng. Xu hướng cởi mở, giao lưu văn hoá luôn đan xen với xu hướng bảo tồn bản sắc dân tộc; giao lưu, hội nhập, nhưng không đánh mất mình, mở cửa, nhưng vẫn giữ vững bản sắc - phải chăng đó cũng là xu hướng xuyên suốt trong chiều dày lịch sử của vùng đất Lào Cai?
Nguồn : Báo Lào Cai