Người ta ví Khánh Hòa là xứ trầm hương là bởi ở Khánh Hòa, hễ nơi nào có rừng già là nơi đó có trầm kỳ, nhưng nhiều nhất là Ninh Hòa và Vạn Ninh. Và nhiều, tốt nhất là trầm hương Vạn Giả của Vạn Ninh. Chả thế mà ca dao Khánh Hòa có câu: “Cây quế Thiên Thai mọc ngoài khe đá/ Trầm nơi Vạn Giả hương tỏa sơn lâm”.
Và nếu như Khánh Hòa là xứ trầm hương của Việt Nam thì Việt Nam lại là “xứ trầm hương” của cả thế giới. Điều này không phải do chúng ta “tự sướng” mà là sự công nhận từ nhiều nguồn sách báo nước ngoài.
Ngay như Giáo sĩ Ðắc Lộ (Alexandre Rhodes), người đã chỉnh đốn chữ Quốc ngữ, cũng nhận định rằng “Chỉ Việt Nam mới có kỳ nam”. Và kỳ cũng như trầm ở Việt Nam tốt nhất là kỳ trầm của Khánh Hòa. Điều này còn được công nhận trong “Ðại Nam Nhất Thống Chí” của Cao Xuân Dục và sách “Phủ biên Tạp Lục” của Lê Quý Ðôn.
Thú vị là trầm hương là linh hương không chỉ của Việt Nam mà cả thế giới với 5 tôn giáo lớn (Ấn Độ giáo, Do Thái giáo, Hồi giáo, Phật giáo, Thiên chúa giáo) dùng trầm hương khi hành lễ.
Ví như kinh Coran nói “hương trầm là tình yêu của Thánh Ala”. Kinh Hoa Đà viết “Đức Phật giáng xuống khi hương trầm bay lên”. Hay Đức Phật từng nói, mùi vị của trầm hương khi được đốt lên là mùi của Niết bàn.
Hay trầm hương là mùi của vị thần Krishna- vị thần hiện thân của tình yêu, đại diện cho tri thức của nhân loại trong Ấn Độ giáo. Chất hương này cũng được đốt lên trong lễ tang của Chúa Jesus. Người Ai Cập cổ đại gọi trầm hương là kyphi – mùi hương linh thiêng nhất để “dụ dỗ” các vị thần đến với mình.
Khoa học thì chứng minh trong trầm có hơn 140 chất chứa dược tính, có tác dụng chữa bệnh. Trong những chất đấy người ta còn tìm thấy chất định hương – một chất thơm rất bền vững, vô cùng lôi cuốn được ví là “hương thơm của Chúa trời”.
Trầm hương có vai trò rất quan trọng với nhân loại, từ người sống cho đến người chết và cả những không gian thờ cúng. Từ ngàn năm nay, cha ông mình đã dùng hương thơm (hương hoa đặt trên bàn thờ) để giao tiếp với thần linh, với tổ tiên ông bà chứ không phải thịt cá như nhiều người nhầm tưởng. Và trong các loại hương hoa, hương trầm là thứ hương quyến rũ nhất và không phai nhạt theo thời gian.
Trầm nơi Vạn Giã hương tỏa sơn lâm là loại trầm - kỳ tự nhiên, được sinh ra từ những cây dó rừng. Trầm và kỳ là hai loại khác nhau (trầm chất cứng và nặng, vị đắng. Kỳ nhẹ và mềm, vị lại đủ cay chua ngọt đắng. Trầm mùi ngát, kỳ mùi thanh. Khói trầm bay vòng quanh rồi tan ra, khói kỳ bay thẳng và cao vút).
Nhưng đó đã là chuyện cũ bởi bây giờ sản vật gì liên quan đến tự nhiên đều là đồ xa xỉ. Trầm bây giờ dù ở đâu, ngay cả xứ Vạn Giã cùng là trầm từ cây dó bầu nhà trồng được.
Và đội quân “đi điệu” hùng hậu nhất nước của xã Vạn Thắng (huyện Vạn Ninh) sau khi lê chân khai thác đến cạn kiệt trầm kỳ tự nhiên hết đời này sang đời khác, bây giờ chuyển qua làm nghề mua dó bầu về soi trầm kiếm sống và làm giàu.
Nhưng dù là trầm tự nhiên hay trầm trồng thì “trầm hương chúng ta xứng đáng là một loại hàng hiệu siêu sang” như khẳng định của ông Nguyễn Văn Tưởng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Cty Cổ phần Trầm hương Khánh Hòa.
Ông Tưởng đang sở hữu một Bảo tàng trầm hương với những khối trầm – kỳ vô giá, đang là một điểm đến của đông đảo du khách trong và ngoài nước khi đến với Khánh Hòa.
Suốt bao năm nay, ông Tưởng đau đáu với khát vọng, cũng có thể nói là tham vọng xây dựng trầm hương thành một thương hiệu quốc gia và quốc tế.
Ông Tưởng còn hướng đến xây dựng một “nền kinh tế trầm hương”. Một khái niệm còn rất lạ với số đông chúng ta những không hề xa lạ với lịch sử thông thương khi từ nghìn năm trước, trầm hương Việt Nam đã theo con đường tơ lụa đi ra với thế giới trên các lục địa từ thế kỷ thứ II trước Công nguyên.
Rồi con đường tơ lụa trên biển từ hai cửa khẩu quan trọng là Hội An ở đàng trong và Phố Hiến ở đàng ngoài. Hiện nay, ở Hoàng cung Nhật Bản đang trưng bày một khối kỳ nam có xuất xứ từ Việt Nam chúng ta và được họ coi là quốc bảo.
Đáng tiếc là chúng ta đang có trong tay một sản vật vô cùng quý giá nhưng lại thiếu chính sách và hiểu biết về nó. Về mặt Nhà nước, chúng ta đã dỡ bỏ lệnh cấm khai thác trầm nhưng lại chưa hề có một chính sách cụ thể nào để phát triển trầm hương, đưa trầm hương trở thành một ngành kinh tế.
Do đó, việc phát triển trầm vẫn mong manh. Nhất là những người trồng dó bầu, họ không có kiến thức, không được các chuyên gia, các nhà khoa học hướng dẫn một cách bài bản cho nên vẫn làm theo kinh nghiệm tuy có vài điểm độc đáo nhưng đa phần lạc hậu.
Đã thế còn mạnh ai nấy làm…
Nên trước mắt, muốn tìm hiểu và cụ thể hóa những giấc mơ về trần hương thì không còn cách nào khác là... vào một bảo tàng trầm hương!