Trà Vinh là tỉnh duyên hải thuộc đồng bằng sông Cửu Long, giáp tỉnh Sóc Trăng về phía Tây - Tây Nam (có ranh giới là sông Hậu dài hơn 60km), phía Tây - Tây Bắc giáp tỉnh Vĩnh Long và phía Bắc - Đông Bắc giáp tỉnh Bến Tre, có ranh giới là sông Cổ Chiên (một nhánh của sông Tiền).
Đến Trà Vinh, du khách thường ngạc nhiên trước một rừng cây cổ thụ trong lòng đô thị, cảm nhận được một bầu không khí hết sức trong lành.
Ngoài những di tích, thắng cảnh nổi tiếng như bãi biển Ba Động, ao Bà Om... và chùa chiền Khmer, nhà Bảo tàng Văn hóa Khmer nằm cạnh ao Bà Om cũng là một điểm đến thú vị.
Hiện nay, cả nước chỉ có hai bảo tàng văn hóa Khmer, một ở Sóc Trăng và một ở Trà Vinh. Bảo tàng Văn hóa Khmer Trà Vinh được khánh thành vào năm 1995, bảo tồn rất nhiều hiện vật phản ánh về đời sống văn hóa tinh thần, văn hóa vật chất của người Khmer ở đồng bằng sông Cửu Long. Bảo tàng có một khuôn viên với nhiều cây xanh và cây kiểng tỏa rợp bóng mát cho cả một không gian rộng lớn.
|
Mặt trước nhà Bảo tàng Văn hó Khmer Trà Vinh. Ảnh: Tr. Kiều Quang |
Nhà Bảo tàng được xây một trệt một lầu theo kiểu kiến trúc truyền thống kết hợp với kiến trúc hiện đại. Tầng trệt là văn phòng làm việc của cán bộ, nhân viên bảo tàng. Dưới cầu thang để lên tầng trên có xây một hồ bán nguyệt, trong hồ nuôi nhiều cá cảnh góp phần tạo cảm giác dễ chịu, thoáng mát. Tầng trên có ba phòng trưng bày hiện vật. Phòng đầu tiên dùng để trưng bày các hiện vật về mô hình các ngôi chùa của người Khmer, có sala dùng để các sư sãi ngồi... Đến gian này, du khách như được đi vào một thế giới khác - thế giới của các thần linh qua óc tưởng tượng bay bổng, lãng mạn và bàn tay tài hoa của các nghệ nhân.
Đáng chú ý là các tượng chim thần Key-no, hiện thân của nữ thần trong các truyền thuyết tín ngưỡng dân gian của người Khmer, tượng người chim Tết Pro-nam với nghệ thuật cách điệu tinh tế, dùng để trang trí dưới các hiên chùa, tạo đường nét nhẹ nhàng, thanh thoát cho các công trình trong quần thể kiến trúc đa dạng, độc đáo và sinh động.
|
Dụng cụ đánh bắt thủy sản của nông dân Khmer. Ảnh: Tr. Kiều Quang |
Phòng thứ hai trưng bày các nông cụ truyền thống của người Khmer ở đồng bằng sông Cửu Long; các công cụ sản xuất như khung cửi và đánh bắt thủy sản như đăng, đó, nò, cộ... Óc thẩm mỹ dân gian Khmer được thể hiện rõ trên các công cụ sản xuất và đời sống bằng những màu sắc, đường nét tinh xảo mang sắc thái dân tộc độc đáo ngay trên các chất liệu tre, gỗ và gáo dừa. Chiếc hái cắt lúa được chạm khắc, trang trí hình chim hoặc hình đầu rồng “niêk”. Chiếc cọc cấy lúa chạm hoa văn hình dọc.
Trong gian này còn có các loại trang phục truyền thống của người Khmer ở đồng bằng sông Cửu Long. Du khách vào đây sẽ thấy rất lạ lẫm và thích thú trước các hiện vật được trưng bày sinh động với nhiều thể loại khác nhau. Đặc biệt, bảo tàng còn trưng bày một cách có hệ thống về chữ viết của dân tộc Khmer. Phát triển từ chữ Phạn được viết trên lá buông trải qua 12 lần cải biên, chữ viết Khmer mới định hình như ngày nay.
|
Bộ nhạc cụ dàn ngũ âm. Ảnh: Tr. Kiều Quang |
Phòng thứ ba là phòng trưng bày các nhạc cụ truyền thống, các trang phục, đạo cụ, mặt nạ… Những hình ảnh trưng bày tại đây đã tái hiện rất sinh động hai loại hình nghệ thuật sân khấu là sân khấu Rồ-băm (kịch múa) xuất xứ từ nghệ thuật cung đình, sân khấu Dù-kê (kịch hát) ra đời trong dân gian từ đầu thế kỷ XX và phát triển mạnh hơn từ sau năm 1945. Các nhạc cụ của người Khmer rất phong phú và đa dạng, được chia làm hai loại: dàn nhạc dân gian (nhạc dây) và dàn nhạc lễ (nhạc ngũ âm). Dàn nhạc ngũ âm được chế tác bằng năm chất liệu khác nhau gồm đồng, sắt, gỗ, da và hơi.
Cùng với Bảo tàng Văn hóa Khmer Sóc Trăng, Bảo tàng Văn hóa Khmer Trà Vinh là điểm tham quan hấp dẫn đối với du khách, các nhà khảo cổ, sưu tầm văn hóa dân tộc trong và ngoài nước. Đến đây, chúng ta càng có dịp hiểu được sâu hơn những giá trị văn hóa to lớn mà cộng đồng người dân tộc Khmer đã gìn giữ và phát huy.
Nguồn : TBKTSG