Một ngôi thành bằng đá xanh hùng vĩ vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt suốt 600 năm qua.
Những người thợ thủ công đã làm thế nào để vận chuyển và đưa những khối đá hàng chục tấn lên cao? Làm thế nào giữa các tảng đá không cần chất kết dính mà ngôi thành vẫn vững vàng qua bao mưa nắng?
Thành Nhà Hồ (Vĩnh Lộc, Thanh Hóa) vốn là kinh đô của nhà Hồ, thành còn được gọi là Tây Đô để phân biệt với Đông Đô (Thăng Long - Hà Nội). Đây là một công trình kiến trúc đồ sộ, một hoàng thành rộng lớn vào bậc nhất Việt Nam, có người đã ví von đây là “Kim tự tháp” đá của Việt Nam.
Công trình hùng vĩ này do Hồ Quý Ly - lúc bấy giờ là tể tướng cho xây dựng vào năm 1397. Thành có bình đồ kiến trúc hơi vuông với hai mặt nam - bắc dài hơn 900 m, hai mặt đông - tây dài hơn 700 m, độ cao trung bình 7 - 8 m, có nơi như ở cửa nam cao tới 10 m.
Điều đặc biệt thú vị là toàn bộ tường thành và bốn cổng chính được xây dựng bằng những phiến đá xanh, đục đẽo tinh xảo, vuông vức, xếp chồng khít lên nhau với tổng khối lượng đá được sử dụng xây thành khoảng 20.000 m³ và gần 100.000 m³ đất được đào đắp.
Các phiến đá có kích thước rất lớn, chiều dài trung bình 1,5m, cá biệt có phiến dài tới 5m, rộng 1,5m và nặng tới 15 - 20 tấn.
Các cổng thành được xây dựng theo kiến trúc hình vòm. Những phiến đá trên vòm cửa đục đẽo hình múi bưởi, xếp khít lên nhau. Cổng tiền (phía Nam) là cổng chính, có ba cửa. Cửa giữa rộng và cao gần 6m, hai cửa bên rộng 5,4 m, cao 5,3 m. Ba cổng còn lại chỉ có một cửa.
Điều đáng ngạc nhiên là một công trình kiến trúc đồ sộ, vững chắc như vậy mà theo tương truyền của nhân dân địa phương, thành chỉ được xây trong vòng ba tháng. Cho đến nay vẫn còn tồn tại nhiều giả thuyết và bí mật xung quanh việc xây thành.
Đầu thế kỷ 20, nhà nghiên cứu người Pháp L.Bezacier, chuyên nghiên cứu về văn hóa Đông Dương, đã nhận xét về thành nhà Hồ như sau: “Thành cổ này là một mẫu mực độc nhất về việc sử dụng những khối đá vôi to lớn, được đẽo gọt và ghép một cách rất tài tình...”.
Nguồn : Vietnamnet