Bia Tiến sĩ Văn Miếu - Quốc Tử Giám – Hà Nội được coi như những “pho sử đá” về giáo dục Nho học Việt nam.
Văn bia ghi lại lịch sử cụ thể của từng khoa thi. Các bài văn bia đều do những danh nhân văn hóa, trí thức lớn của đất nước biên soạn…
Văn Miếu (1070) - Quốc Tử Giám (1076) trường đại học đầu tiên của Việt Nam ra đời - triều nhà Lý (1010-1225). Sau nhiều khóa thi, năm 1482 vua Lê Thánh Tông (trị vì 1460-1497) cho dựng bia đá khắc tên họ, quê quán những người thi đỗ trạng nguyên, bảng nhãn và tiến sĩ từ khoa thi năm 1442 (dưới triều Lê). Từ năm 1442 tới năm 1779 tổ chức 124 khóa thi tiến sĩ nhưng hiện Văn Miếu – Hà Nội chỉ còn lưu giữ 82 bia. Bia được đặt trên lưng con rùa đá để biểu thị sự trường tồn của tinh hoa dân tộc.
Chủ tịch Hồ Chí Minh xem văn bia Tiến sĩ năm 1960 |
Bia Tiến sĩ ghi tên Danh nhân Văn hóa Nguyễn Trãi (1380-1442)
|
Khách tham quan Văn Miếu - Quốc Tử Giám và bia Tiến sĩ
|
Các học sinh xoa đầu cụ Rùa để lấy may mắn trong học hành, thi cử
|
Bia Tiến sĩ Văn Miếu – Di sản tư liệu cổ được Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam đề cử UNESCO đưa vào “Ký ức thế giới”. Anh Nguyễn Văn Tú – cán bộ Trung tâm hoạt động khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám - người trực tiếp làm hồ sơ cho biết: một trong các tiêu chí “Ký ức thế giới” của UNESCO là di sản phải có tính toàn vẹn, độc đáo và duy nhất. Bia Tiến sĩ ở Văn Miếu – Hà Nội với bài ký trên bia (văn bia) là duy nhất và vô cùng độc đáo.
82 tấm bia mang phong cách khác nhau, khắc dựng công phu, có giá trị về nghệ thuật điêu khắc và thư pháp. Bia tạc bằng đá thanh lấy ở Đông Sơn – Thanh Hóa kết cấu vững chắc, chịu đựng phong hóa. Khắc bia do thợ đá làng Hồng Lục và Liễu Chàng, huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương - nơi nổi tiếng về nghề khắc ván in sách và khắc chữ bia. Các bia khắc dựng trong các niên hiệu Chính Hòa (1680-1704), Vĩnh Thịnh (1705-1719), Cảnh Hưng (1740-1786) v.v... Theo các nhà nghiên cứu, các bia dựng năm 1655 (cao 150 - 170 cm, rộng từ 110 - 125 cm, dày 20 - 30 cm) mang nghệ thuật trang trí sinh động, tinh xảo, trình độ điêu khắc bia cao, trán bia cong. Rùa ở loại bia này cổ rụt, đầu chếch hoặc ngang bằng, mặt bẹt, sống mũi nở cao, thẳng, mắt tròn lồi gắn liền với sống mũi; khối vuông góc cạnh, đơn giản dứt khoát. Nghệ thuật trang trí trán bia là rồng chầu mặt nguyệt hoặc phượng chầu mặt nguyệt. Diềm bia được điêu khắc với các hình ảnh đa dạng, sinh động. Những tấm bia thời kỳ đầu, trán bia trang trí mặt trời hoặc mặt trăng ở chính giữa, xung quanh là mây vờn, diềm được trang trí hình hoa lá. Từ thế kỷ XVII trở đi khi vai trò Nho sĩ mạnh lên xuất hiện hình rồng trên trán bia. Đề tài trang trí phong phú có đôi rồng – đôi phượng chầu mặt nguyệt, hình chim – hoa lá đa dạng nhiều loại.
Bia Tiến sĩ Văn Miếu - Quốc Tử Giám – Hà Nội được coi như những “pho sử đá” về giáo dục Nho học Việt Nam. Văn bia ghi lại lịch sử cụ thể của từng khoa thi. Các bài văn bia đều do những danh nhân văn hóa, trí thức lớn của đất nước soạn nên về cơ bản đều là những tác phẩm văn học vô giá. Các bài ký bia Tiến sĩ ở Văn Miếu là những áng văn chữ Hán viết theo thể biền ngẫu người xưa vẫn thường dùng. Các tác giả văn bia có những người từng nổi tiếng trên lĩnh vực văn học, sử học, triết học.
Nguồn : VNP