Con đường bám vào vách núi để lên đỉnh Chiêu Lầu Thi mang đúng đặc
trưng của Hoàng Su Phì - chênh vênh đèo dốc, thử thách tay lái hơn so
lối mòn quanh co trong bản ở Hồ Thầu. Chung quanh không có bản làng, chỉ
có những chòi canh nhỏ của những người chăn dê dựng tạm để nghỉ ngơi.
Khung cảnh yên bình vắng lặng thi thoảng bị đánh thức bởi tiếng động cơ
xe và tiếng hú hét phấn khích của những du khách ưa mạo hiểm.
Sau khi gạt đi lớp mây trắng bồng bềnh, trước mắt chỉ còn lại mầu
xanh rợn ngợp của rừng nguyên sinh. Càng lên cao, khí hậu càng mát mẻ,
trong lành, những hàng cây tống quán sủ đặc trưng của vùng núi cao mọc
thành rừng. Dọc đường lên đỉnh Chiêu Lầu Thi, rất nhiều cây chè shan
tuyết cổ thụ cao tới 7 - 8 m đứng dọc bên đường, lá xanh rì mát mắt.
Thử thách lớn nhất là đoạn đường leo bộ lên đỉnh núi, chủ yếu là đá
dốc đứng. Đây cũng là con đường gắn với tên gọi “chín tầng thang” của
Chiêu Lầu Thi. Bám theo những cây thân leo, dùng gậy để bước qua những
mỏm đá, đỉnh núi lóe rạng ánh mặt trời là động lực duy nhất để dồn chân
bước rồi cũng hiện hữu trước mặt.
“Săn mây” là trải nghiệm ở mảnh đất này. Đứng ở độ cao hơn 2.400 m có
thể thấy dưới chân bồng bềnh mây phủ. Vào mùa đông, nhiều du khách
chinh phục Chiêu Lầu Thi để săn tuyết rơi. Mùa hè có thể leo núi kết hợp
tìm hiểu bãi đá cổ Nấm Dẩn. Khoảng đất bằng phẳng trên đỉnh Chiêu Lầu
Thi là nơi dừng chân nghỉ ngơi, ngắm cảnh. Nhiều người chọn cắm trại
nghỉ qua đêm, để có thể đón trọn vẹn khoảnh khắc bình minh và hoàng hôn.
Khi trời quang, từ đỉnh Chiêu Lầu Thi có thể bao quát một khoảng không
rộng của huyện Hoàng Su Phì, phía xa là mầu trắng bạc của nước đang tràn
ruộng hay cánh rừng nguyên sinh vươn tới Xín Mần.