Để tránh bị biến mất, người Konyak ở Ấn Độ dù bỏ tục lệ săn đầu người từ lâu nhưng vẫn cố gắng gìn giữ các tập quán cổ xưa khác.
Ấn Độ được biết đến là đất nước có ngôn ngữ, phong tục và cả ẩm thực mỗi miền mỗi khác. Trong đó, Nagaland, bang ở miền đông bắc, là vùng đất xa xôi hẻo lánh, có biên giới phía đông với Myanmar và nổi tiếng với những bộ tộc kỳ lạ.
Hiện tại ở Nagaland có 16 bộ tộc sinh sống, mỗi bộ tộc lại có những phong tục, truyền thống và lối sống riêng. Tuy nhiên, đặc biệt nhất ở Nagaland phải kể tới những kẻ săn đầu người Konyak. Ảnh: Peter Bos.
Theo CNN, số lượng người Konyak còn sống ở Nagaland là 230.000 vào cuối năm ngoái. Họ sống trong những ngôi làng trên đỉnh đồi núi, làm nông và thường dùng các hoa văn hình xăm trên cơ thể để đánh dấu những mốc quan trọng trong cuộc đời hoặc thực hiện nghi lễ truyền thống. Ảnh: Peter Bos.
Người Konyak là những chiến binh mạnh mẽ, có truyền thống đi săn đầu người tới cuối thập niên 1960 – 1970, sau đó bị chính phủ Ấn Độ ra lệnh cấm. Những người Konyak cuối cùng làm nghề săn đầu người rất dễ nhận ra. Mỗi khi săn được đầu một kẻ thù, người đó sẽ có một hình xăm trên mặt. Họ tin rằng lấy đầu kẻ thù làm chiến lợi phẩm sẽ có thêm sức mạnh và linh hồn của kẻ đó. Những kẻ thù đầu tiên bị treo đầu lên cây làm nghĩ lễ ở lối vào làng. Đây là truyền thống cổ xưa của họ. Ảnh: G-switch.
Nếu các dân tộc khác dùng đồ trang sức hay trang phục để thể hiện tình trạng của người mặc thì người Konyak dùng hình xăm. Ví như khi nhìn vào một cô gái Konyak bạn thấy hình xăm sau đầu gối, nghĩa là cô ấy đã kết hôn. Còn với các chiến binh giỏi nhất thường có hình xăm ở ngực, thể hiện đặc quyền cao trong xã hội. Ảnh: wmot.
Những chiến binh săn đầu người Konyak mỗi khi chiến đấu thường đội một chiếc mũ truyền thống làm từ nanh lợn rừng, lông gấu, lông dê… Họ dùng một chiếc giỏ đặc biệt để đựng đầu người khi trở về. Giỏ trang trí bằng sọ khỉ, nanh lợn rừng hay cả mỏ chim.
Người Konyak săn lùng đầu người vì tin rằng chúng có thể đảm bảo cho sự sinh sôi của đồng ruộng lẫn người dân trong làng. Dù không còn săn đầu người nhưng niềm tin của họ vẫn còn, sọ người những khi làm lễ sẽ thay bằng sọ làm từ gỗ. Ảnh: Peter Bos.
Omar Reda là một trong nhiều nhiếp ảnh gia từng lặn lội tới vùng biên giới Ấn Độ - Myanmar để khám phá và chụp ảnh bộ tộc này. Theo Omar, những người đàn ông nhiều hình xăm mà anh chụp là một phần thuộc về lối sống xưa cũ ngày nay đã bị xã hội hiện đại xóa nhòa. Thế hệ người Konyak mới đang ngày càng sống hòa hợp với xã hội phương tây hiện đại. Những gương mặt đàn ông đầy xăm ngày càng ít dần, nếu còn, chủ yếu người đã tầm 70 tuổi trở lên. Ảnh: Omar Reda.
Khi Omar tiếp cận để chụp hình chân dung những người đàn ông Konyak, họ không hề cản trở mà còn thân thiện và chào đón khách lạ, không như những lời đồn thổi. Tuy nhiên việc chụp ảnh vẫn gặp nhiều khó khăn do bất đồng ngôn ngữ. Ảnh: Omar Reda.
Omar kể: “Trưởng làng vẫn là người nắm quyền cao nhất trong làng. Các gia đình dùng đầu trâu để trang trí nhà ở, thể hiện số lượng bữa chiêu đãi mà gia chủ từng tổ chức. Dù săn bắt từng là một phần không thể thiếu trong văn hóa của họ, người Konyak đã dần chuyển đổi lối sống”. Ảnh: Jeff Bauche.
Mỗi làng thường có một người đứng đầu là người sở hữu nhiều hộp sọ nhất. Ngoài ra có 3 – 6 người cấp dưới phụ giúp trưởng làng việc cai quản. Ảnh: Jeff Bauche.
Tuần đầu tháng 4, người Konyak tổ chức lễ hội Aoling để ăn mừng mùa xuân, cầu mong cho một mùa thu hoạch bội thu sắp tới. Hàng năm, bộ tộc này còn làm lễ hội Hornbill vào ngày 1 - 7/12 tại làng di sản Kisama cách thủ phủ Kohima của Nagaland khoảng 12 km. Hornbill là dịp thu hút đông du khách nhất và cũng là sự kiện được Bộ văn hóa và du lịch Ấn Độ muốn bảo tồn. Khác với Hornbill, lễ hội Aoling mang màu sắc truyền thống nhất và chỉ người Konyak mới có. Trong những ngày làm lễ Aoling, người dân tụ hội để nhảy múa, ăn uống, thực hiện các nghi lễ tế thần. Ảnh: Sarah Jenkins.
Ngày nay, du khách nơi khác có thể tự tới Nagaland hoặc đặt tour qua công ty du lịch để khám phá bộ tộc Konyak và lễ hội truyền thống Aoling của họ. Mỗi tour kéo dài từ 7 đến 10 ngày tùy công ty tổ chức, cho phép du khách tham quan các ngôi làng, tìm hiểu phong tục tập quán bản địa ở miền biên giới Ấn Độ - Myanmar. Giá tour khoảng 2.000 – 2.500 USD. Ảnh: Sarah Jenkins.
Khánh Trần (Theo Lonely Planet, Jeff Bauche)