Đông qua đi Xuân lại đến, Hà Giang khoác lên mình chiếc áo mới tươi trẻ tràn đầy sức sống. Ở khắp các bản làng, muôn hoa nở rộ tạo nên những sắc màu sinh động tưng bừng cho vùng cao nguyên đá. Ánh nắng nhè nhẹ của mùa Xuân len lỏi qua những rặng núi cao, tỏa khắp những con đường nhỏ uốn lượn…
Hà Giang mùa Xuân hoa đào nở
|
Rực rỡ sắc màu mùa Xuân
Mảnh đất Hà Giang - nơi địa đầu cực Bắc của Tổ quốc - có hai phần ba là đá, vì vậy đi đến đâu ta cũng như chạm vào đá; cảnh quan môi trường đậm nét nguyên sơ với bạt ngàn núi đá tai mèo trải rộng khắp, những thửa ruộng bậc thang gối nhau trùng điệp. Những núi đá cao ngất, những thung lũng đá vốn xám xịt ngày thường thì cứ mỗi độ Xuân về lại như “thay da đổi thịt” bởi những sắc màu: sắc vàng của hoa cải, sắc hồng của hoa đào, sắc trắng của hoa mận và cả sắc xanh, sắc đỏ của những bộ trang phục mới xúng xính xuống chợ. Một bức tranh Xuân với sắc màu rực rỡ, một Hà Giang tươi mới rộn ràng.
Trên đỉnh cao Lũng Cú mờ sương
Nơi cực Bắc biên cương Tổ quốc
Cao nguyên Đồng Văn bốn mùa giá lạnh
Vẫn rực rỡ hoa mỗi độ Xuân về…
Màu vàng của hoa cải làm sắc trời ấm hơn
|
Xuân Hà Giang hào sảng với lữ khách, chiêu đãi họ bằng những cánh đào tươi thắm. Khác với đào được trồng ở các vườn hoa nơi phố thị, đào Hà Giang mang trong mình vẻ đẹp tự nhiên, có màu hồng đậm và cánh hoa dày. Sắc hồng của đào làm ấm thêm hồn người dù gió vẫn thổi rít qua tai. Trời có thể còn lạnh nhưng giống đào nơi đây dường như càng lạnh càng thắm. Những cây đào mới hôm qua đang còn khẳng khiu trơ lá trong mùa Đông, thì giờ đây có lộc non xanh mơn mởn, thi nhau nở hoa. Người Hà Giang trồng đào ở khắp mọi nơi, từ ngoài ngõ, đầu bản đến cuối vườn… ở đâu cũng xuất hiện cành đào trong tầm mắt. Bởi thế mỗi khi Xuân về, hoa đào bung nở thắm cả đất trời khiến mọi người đều háo hức hân hoan.
Đứng cạnh sắc đào, không kém phần duyên dáng, thậm chí nổi bật hơn, đó là sắc cải. Màu cải vàng trên nền núi đá xám và sắc trời xanh thẳm điểm mây trắng, dường như cũng trở nên ấm hơn. Một mùa Xuân với đủ màu hồng của đào, màu vàng của hoa cải, hứa hẹn sẽ là một năm mới sung túc, ấm no. Không chỉ có cải vàng còn có cải trắng, cải màu tím hồng. Những bông hoa nhỏ nằm trên sườn đồi thoai thoải, đón những tia nắng sớm mai dịu nhẹ, lung linh. Cung đường phổ biến của dân du lịch là Hà Giang - Quản Bạ - Yên Minh - Đồng Văn trở nên thơ mộng hơn với những ruộng cải trắng phớt tím ướt đẫm sương mai.
Bên cạnh hoa đào, hoa cải, hoa mận cũng bung xòe báo Xuân sang, cả cây trắng muốt tinh khôi như ngậm tuyết. Hoa mận đưa hương khe khẽ lẫn vào mùi Xuân của đất trời. Khí trời đã trong, nay còn trong hơn. Thi thoảng trên đường, người lữ khách cũng có thể bắt gặp một vài bông hoa lê trắng đang nở rộ, lòng chợt tưởng đến bức tranh tuyệt đẹp về mùa Xuân trong “Truyện Kiều” của thi hào Nguyễn Du:
Cỏ non xanh rợn chân trời
Cành lê trắng điểm một vài bông hoa
Lữ khách đặt chân lên miền núi cao nơi đây cảm nhận được cái “say” vì sương mờ quấn quýt trên đỉnh núi, vì những cung đường uốn lượn, những ngôi nhà có vách đất trình tường màu vàng đất, vì những mảnh khăn, chiếc váy xòe xanh đỏ của những người trỉa bắp thấp thoáng trên triền núi... Và tất nhiên, “say” bởi sự chuyển mình của thiên nhiên cao nguyên đá đang hòa nhịp cùng đất trời, lòng người cũng cảm nhận được “hoa như biết mỉm cười và đá cũng biết gật đầu”.
Mận trắng tinh khôi góp phần làm bức tranh Xuân Hà Giang đẹp hơn
|
Sức sống mùa lễ hội
Thiên nhiên đẹp là thế, con người cũng tràn đầy nhựa sống hơn. Xuân ở Hà Giang không chỉ muôn hoa khoe sắc, mà các chàng trai, cô gái cũng diện cho mình những bộ quần áo mới sặc sỡ nhất để đi chợ phiên. Họ đến phiên chợ uống chén rượu ngô với anh em, bè bạn, cùng ăn cái bánh… rồi Xuân se duyên cho họ, các chàng trai làm quen với những cô gái mình thích, kéo họ lên xe, hôm nay du Xuân cùng anh nhé!
Xuân cũng khiến nụ cười trẻ thơ thêm vui tươi hơn. Ta dễ bắt gặp trẻ em nô nức vui đùa trong ánh nắng ngập tràn trên những nẻo đường. Và Xuân về, để ta có dịp được hòa mình vào những lễ hội đặc sắc của những người dân tộc thiểu số nơi đây như lễ hội Gầu Tào, lễ hội Lồng Tồng...
Hoa lê nở rộ đón chào Xuân sang
|
Hội Gầu Tào của người H’Mông ở Hà Giang diễn ra trong khoảng thời gian từ ngày Mồng Một đến ngày Rằm tháng Giêng, đây là ngày lễ quan trọng nhất của người H’Mông. “Gầu Tào” có nghĩa là lễ cúng, trong đó, sẽ tạ trời đất, thần linh, thổ địa đã phù hộ độ trì cho gia chủ và con cháu khỏe mạnh, con trai nối dõi tông đường, chăm sóc tổ tiên, dòng họ; cầu phúc, cầu lộc, tạ ơn trời đất đã phù hộ cho dân bản cuộc sống ấm no, mùa màng bội thu, ngô lúa đầy sàn... Đây cũng là dịp để mọi người gặp gỡ nhau, vui chơi, hát các điệu hát giao duyên và cùng nhau múa khèn, say bên những chén rượu đầu Xuân.
Lễ hội Lồng Tồng là lễ hội dân gian truyền thống của người Tày được tổ chức vào những ngày đầu tháng Giêng hàng năm để cầu trời cho mưa thuận gió hòa, cây cối tốt tươi, mùa màng bội thu, cuộc sống no đủ. Sau các nghi thức của thầy cúng cầu thần Nông, thần Núi, thần Suối…, du khách sẽ cùng người dân địa phương tham gia phần hội với những tiết mục văn nghệ đặc sắc như hát then, hát cọi cùng các chàng trai, cô gái. Đặc biệt, việc tung còn – trung tâm của lễ hội - được diễn ra nhộn nhịp trên mảnh ruộng lớn. Những quả còn nhỏ xinh với nhiều tua rua có màu sắc sặc sỡ được tung lên trời hướng tới tâm của vòng tròn được dán giấy hồng 2 mặt uốn trên đỉnh cây mai cao khoảng 25m dựng giữa mảnh ruộng. Đông đảo thanh niên trai gái đua nhau so tài khéo léo. Ai ném quả còn lọt qua được vòng tròn sẽ là người thắng cuộc và may mắn nhất trong năm. Vòng tròn được ném thủng cũng có nghĩa là mang lại một năm mới đủ đầy, no ấm và hạnh phúc cho tất cả người dân trong bản. Ngoài ra, lễ hội còn có nhiều trò chơi khác như: thi cày ruộng, kéo co, đẩy gậy…
Múa khèn trong Lễ hội Gầu tào của người H’Mông
|
Đồng bào dân tộc ở Hà Giang thường có tục lệ ăn Tết kéo dài đến hết tháng Giêng, bạn sẽ được thưởng thức những món ăn đặc sản như thắng cố, cháo ấu tẩu, nộm tái dê… Ngoài các món ăn đặc sản vùng cao, bạn cũng không thể từ chối, bỏ qua chén rượu ngô thơm mát được chế biến từ ngô hạt đồ chín ủ với men lá và được chưng cất từ nguồn nước tinh khiết trên núi. Bạn còn có thể khám phá Khu di tích lịch sử lâu đời nhà họ Vương, Cột cờ Lũng Cú hay tìm về truyền thuyết huyền thoại Chợ tình Khâu Vai mỗi năm chỉ họp một lần,...
Hà Giang mùa Xuân tươi thắm những sắc hoa biết cười, để lòng ai nao nao, thương nhớ mảnh đất nơi địa đầu cực Bắc của Tổ quốc. Cao nguyên đá trong những ngày Xuân không đài các kiêu sa, không chăm chút tỉ mẩn mà cứ bình dị và mộc mạc, vẹn nguyên nét đẹp chân phương nhưng không kém phần rực rỡ đầy sức sống, cứ thế đi vào lòng người một cách rất tự nhiên, để trái tim ai cứ thổn thức giai điệu âm vang của núi ngàn, say đắm mãi không thôi.