Những chiếc đồng hồ cổ kiểu Pháp hay kiểu Đức, chiếc đèn dầu Hoa Kỳ, bộ tràng kỷ đồ sộ, nghệ thuật thưởng thức trà Việt… Tất cả đều tái hiện một không gian Hà Nội xưa đang diễn ra từ nay đến hết ngày 27-11 tại khu phố cổ Hà Nội.
Từ Hồ Gươm đi bộ vào phố Hàng Đào, dừng chân ở đình Đồng Lạc (38 Hàng Đào), du khách sẽ được chiêm ngưỡng một triển lãm lạ có tên “Đồng hồ cổ”.
Nếu đình Đông Lạc vốn đã cách ly với tiếng ồn ào của xe cộ, người buôn kẻ bán bên ngoài bởi lớp tường dày đặc thì bên trong đình lại đều đặn vang lên những những tiếng tích tắc vui tai, tiếng chuông điểm giờ, tiếng động cơ cót két… của hàng chục chiếc đồng hồ cơ, đồng hồ treo tường, đồng hồ tủ, đồng hồ để bàn, đồng hồ cuccu với các nhãn hiệu nổi tiếng như: Odo, Junghans, Schatz…
Những chiếc đồng hồ cơ, đồng hồ treo tường xuất xứ tại Pháp, thế kỷ 19 được trưng bày tại đình Đông Lạc, số 38 Hàng Đào |
Chiếc đồng hồ đá cột với kiểu dáng cầu kỳ được sản xuất tại Pháp |
Cũng tại đây du khách có thể trò chuyện với các nhà sưu tập về phố Hàng Đào - con phố tập trung nhiều tiệm bán và sửa chữa đồng hồ nhất Hà Nội (200 tiệm), đồng thời hiểu hơn về thú chơi đồng hồ cổ vốn như một nét văn hóa độc đáo của người Tràng An.
Tiếp tục đi bộ từ phố Hàng Đào, rẽ phải tới Trung tâm Thông tin phố cổ Hà Nội (28 Hàng Buồm) du khách sẽ được giới thiệu về nghệ thuật pha trà và thưởng thức trà Việt. Trong không gian ấm cúng và trầm mặc, du khách có thể ngồi thảnh thơi bên chén trà nóng hay chuyện trò cùng bạn bè bên quán nước chè xanh, hút điếu thuốc lào hay ăn khoai luộc, sắn luộc.
Đặc biệt sáng 27-11, du khách ghé qua đây sẽ được nghe nghệ nhân Hoàng Anh Sướng giới thiệu về nghệ thuật ướp hương và thưởng thức trà sen của người Hà Nội.
Nghệ thuật pha trà và thưởng thức trà Việt được giới thiệu tại Trung tâm Thông tin phố cổ Hà Nội (28 phố Hàng Buồm) |
Du khách thảnh thơi với bát nước chè xanh dân dã |
Đi thẳng phố Hàng Buồm tới Ngôi nhà di sản số 87 Mã Mây, du khách sẽ được sống trong không gian đậm nét văn hóa của người Hà Nội xưa. Đó là các vật dụng và nét sinh hoạt gần gũi từ bàn thờ gia tiên, đồ thờ Phật giáo, xe đạp cổ, máy nghe nhạc cổ, thú chơi chim, thú chơi thơ, chơi chữ của người Hà Nội… Tại đây, du khách còn được nói chuyện với người Hà Nội gốc để hiểu cách ứng xử văn minh, thanh lịch của người thủ đô.
Một vòng vi vu qua tuyến phố kể trên, chắc chắn du khách có những cảm nhận và trải nghiệm độc đáo về sự khác biệt của Hà Nội xưa và nay.
Ngôi nhà di sản số 87 Mã Mây trưng bày nhiều vật dụng của Hà Nội xưa như quạt máy, xe đạp, bàn ghế, tủ, giường… |
Du khách lắng nghe một nghệ nhân giới thiệu về thú chơi thơ, chơi chữ của người Hà Nội xưa |
Nguồn : Tuổi Trẻ