Ở các làng quê ta, ruộng đồng bao la. Từ làng này sang làng kia, thường đi qua những cánh đồng bát ngát. Đâu đó, thường hiện lên những cái cầu. Đôi khi từ cánh đồng này sang cánh đồng làng bên kia cũng phải đi mất hàng mấy cây số đường sống trâu. Ở giữa chặng đường đó, cũng có cái cầu. Nó là hình ảnh thân thương của xóm làng.
Cầu là "ngôi nhà" công cộng, được xây dựng lên trên một nền đất cao hơn mặt ruộng. Nó thường dựng đơn sơ bằng chừng 8-10 cột gỗ. Mái lợp ngói âm dương hoặc ngói mũi hài. Có nơi, mái cũng cong lên đôi chút cho giống mái đình. Diện tích cầu chỉ khoảng 20 - 30m2. Mặt trước cầu có treo chiếc mõ dài bằng gỗ báo canh và chiếc kẻng. Chúng sẽ lên tiếng khi có "động" hoặc có chuyện trộm cướp.
Trong cầu thường có người bán hàng nước là một bà đứng tuổi hoặc một phụ nữ góa bụa còn trẻ. ở trường hợp này, cái cầu được gọi là quán. Quán hàng của chủ quán có đặt một chiếc chõng tre. Mặt chõng được đan bằng những thanh nứa ghép lại, hai hàng ghế dài và mấy miếng gỗ phẳng để mọi người ngồi khi đông khách. Trên mặt chõng tre có bày một dãy bát uống nước, mấy gói thuốc lào, thuốc lá; cái ang đựng bánh dày, bánh gai, một lọ kẹo bột, chè lam; vài tấm mía, mấy quả bưởi, vài nải chuối...
Bên phải bà hay cô chủ quán là chum nước chè tươi, trên có miếng dạ ủ và chiếc gáo dừa. Bên trái là chiếc bong bóng lợn phơi khô đựng rượu ngang. Mọi người ăn quà bánh, uống nước, hút thuốc lào, say sưa nhả khói. Họ tán đủ chuyện từ nhân tình thế thái đến những chuyện thời sự trong xóm làng. Họ bàn sang cung cách làm ăn, có khi xen vào những đoạn tiếu lâm, rồi cùng cười phá lên. Chiều tối, bà chủ quán dọn hàng về. Vẫn để nguyên cái chõng và ghế dài. Một, hai người khách bất đắc dĩ, kẻ lỡ độ đường hoặc hành khất, nằm ra nền đất ở một góc cầu để ngủ qua đêm.
Chiều mùa hè, trước mặt cầu là bãi thả diều. Một vài ông già ngồi trong quán, nhìn lên trời xem diều và nghe sáo diều trầm bổng tiếng quê hương. Lúc gần tối, ráng chiều phủ lên cánh đồng và cái cầu làm nên một bức tranh hoành tráng pha chút huyền bí, phong sương.
Cái cầu còn là nơi đưa đón khách. Với những khách quý, đặc biệt, nhà chủ phải ra tận cầu đón khách và đưa khách về nhà mình. Khách ở lại một, hai hôm rồi đi, nhà chủ đưa khách ra tận cầu, nâng chén tiễn biệt gọi là "chén Quan Hà". Họ chắp tay lại, vái nhau. Có những đôi trai gái cũng tiễn nhau ở cầu. Như vậy, cái cầu được coi như cái "trường đình", "đoản đình" bên Trung Quốc xưa. Lương Sơn Bá và Chúc Anh Đài đã tiễn nhau ở cái trường đình (cầu) này đây.
Lại có những đôi uyên ương không đưa nhau ra cầu mà chỉ lấp ló ở đằng sau rặng cúc tần, duối ở bên cạnh cầu. Họ ra đây, nhìn lên mái cầu mà giải lời nguyền:
Xin ai đừng nghĩ kẻo già
Cái cầu mái ngói đôi ta chia tình...
hoặc:
Chẳng tại em, chẳng tại mình
Cái cầu mái đỏ, cắt tình hai ta...
Họ đổ lỗi cho cái cầu mái ngói. Trên thế gian này, rất ít có được cuộc chia tay bình thản, rộng lượng mà khéo như thế.
Đám cưới đi qua cầu, hai họ cũng chia vài khẩu trầu, mấy điếu thuốc lá biếu bà quán và những người có mặt trong cầu để mọi người mừng cho đôi trẻ. Đám ma đi qua, bà quán cũng được miếng trầu của nhà đám.
Vào khoảng mồng 4, mồng 6 Tết Nguyên Đán, trên đường đi tảo mộ trở về, mấy thành viên trong một chi họ nào đó rủ nhau vào quán nghỉ chân buổi đầu xuân. Họ phải đi thăm nhiều ngôi mộ nên lúc này đã mỏi. Họ uống nước, hút thuốc và ngả con gà luộc và đĩa xôi mang theo ra đánh chén. Họ mời mọi người cùng thưởng thức chút lộc đầu xuân lấy may. Họ cũng mang theo cả rượu mùi để uống và mời mọi người...
Như vậy, cuộc đời của người dân đồng bằng Bắc Bộ gắn bó chặt chẽ với cái cầu mái ngói. Xưa kia nhà thơ Quang Dũng, mỗi khi trở về nhà, bao giờ cũng nghỉ chân ở cái cầu Phượng Trì (Đan Phượng). Anh phải uống bát nước, hút điếu thuốc, tán gẫu dăm ba câu với mọi người rồi mới về nhà... Thực ra, rất nhiều người đều có cái thói quen giống anh. Anh đã làm một bài thơ lấy tên là Thôn Phượng Từ ngay trong cái quán này.
Về mặt chứng tích, làng quê ta còn giữ được nhiều cái cầu mái ngói. Chúng đều nổi tiếng, ít nhất là đối với một vài thôn làng, một vùng. Như: cầu Điều (Cổ Nhuế), cầu An Phú, cầu làng Dâu (quận Cầu Giấy), cầu Bái Ân (Từ Liêm), cầu Vẽ (Đông Ngạc), cầu Canh (làng Canh), cầu Ông Nghè (Quốc Oai), cầu Bún (Phú Đô), cầu Xóm Lũy (Yên Thái - Bưởi)...
Trong tâm khảm sâu xa của chúng ta, ai cũng có những mảnh hồn quê. Chúng ta nhớ một dáng núi, một đám mây trước cổng làng, một con đường nhỏ có vầng trăng khuyết... Chúng ta cũng nhớ đến cái cầu mái ngói rất đỗi thân thương và bình dị.
Nguồn : QH