Đối với người Khmer, thốt nốt không phải là một loài thực vật thuần túy mà là một loại cây đặc biệt, có tính biểu trưng rất cao. Do vậy, sẽ không có gì ngạc nhiên khi thấy cây thốt nốt luôn hiện hữu và là một phần không thể tách rời trong đời sống của người Khmer.
Thốt nốt là loại cây có nguồn gốc từ Châu Phi, thân gỗ, cao, vững chãi, dễ trồng và sống rất lâu. Xét về giá trị kinh tế, loại cây này không cho hiệu quả cao, thua xa cây dừa. Tuy nhiên, xét về mặt biểu tượng, ý nghĩa văn hóa thì thốt nốt lại vượt trội hơn hẳn các loại cây khác. Ở “đất nước chùa tháp” (vương quốc Campuchia), cùng với đền Angkor Wat và Angkor Thom, cây thốt nốt cũng được xem là một trong những biểu tượng của quốc gia.
Riêng ở nước ta, không rõ loại cây này là có từ bao giờ, nhưng trong mắt người Việt Nam, cây thốt nốt luôn được xem là một biểu tượng văn hóa đi kèm với người Khmer. Hiện nay, thốt nốt còn nhiều nhất ở vùng Bảy Núi (Thất Sơn), thuộc hai huyện Tịnh Biên và Tri Tôn - tỉnh An Giang. Và nếu đi khắp ĐBSCL - nhất là những tỉnh dọc biên giới Tây Nam như Long An, Ðồng Tháp, An Giang, Kiên Giang - nơi nào có người Khmer sinh sống thì nơi đó sẽ có cây thốt nốt và ngược lại. Có thể nói, sự tồn tại ấy dường như mang tính tất yếu, đó là một sự gắn bó đặc biệt với những nét tương đồng đặc biệt. Bởi khi xét ở nhiều phương diện, cây thốt nốt không những tượng trưng cho tâm hồn, tính cách của người Khmer, mà nó còn tượng trưng cho văn hóa của họ. Tuy nhiên, ở đây tôi sẽ không lạm bàn sâu về văn hóa Khmer mà chỉ phác họa đôi nét để thấy được một vài tính biểu trưng cũng như sự dung dị trong tính cách của người Khmer.
Có thể nói, trong đời sống thường nhật, người Khmer chưa bao giờ tách khỏi cây thốt nốt. Từ nó, người ta có thể làm ra rất nhiều sản phẩm độc đáo như: Đường thốt nốt, chè thốt nốt, đũa thốt nốt, quạt thốt nốt, thậm chí còn chế biến được cả bia thốt nốt,... Những sản phẩm ấy góp phần cải thiện không nhỏ đời sống của một bộ phận người Khmer. Như vậy, ngay từ đầu bản thân nó đã đi vào cuộc sống của họ, gắn bó và tạo được một sự ảnh hưởng nhất định. Lâu dần, sức ảnh hưởng đó ngày càng lớn và biến nó thành một loại cây giàu tính biểu trưng. Điều đó đồng nghĩa với việc vai trò kinh tế của nó nhỏ dần, mà thay vào đó là một trọng trách khác giàu ý nghĩa hơn - đó là trọng trách về văn hóa.
Nói đến trọng trách về văn hóa, yếu tố đầu tiên mà ta nhắc đến là vai trò định ranh lãnh thổ. Như trên đã nói, thốt nốt là một loại cây vững chãi, dễ trồng và sống rất lâu nên rất thích hợp để định ranh lãnh thổ, nghĩa là đánh dấu vùng đất đó là của người Khmer. Chúng được trồng thành những hàng dài, có khi nhiều như một cánh rừng, ôm ấp và bao bọc người Khmer ở bên trong. Thực ra, đây chỉ là một ranh giới tưởng tượng và được mọi người ngầm hiểu. Thực tế cho thấy, vai trò này của cây thốt nốt ngày nay rất mờ nhạt. Đơn giản vì người Khmer đã hoàn toàn hòa nhập với các dân tộc anh em, là một bộ phận không thể tách rời của dân tộc Việt Nam. Tất cả giờ đây cùng chung sống hòa hợp và cùng xây dựng một đất nước Việt Nam giàu đẹp. Vì thế sẽ không còn bất cứ hàng rào ngăn cách nào, dù cho nó chỉ được hiểu một cách vô hình. Do đó, sự xuất hiện của cây thốt nốt hiện nay chỉ được xem là dấu hiệu để nhận biết nơi đó có người Khmer sinh sống. Và việc họ trồng nó cũng đơn giản vì nó là cái gốc văn hóa của họ.
Bên cạnh ý nghĩa trên, cây thốt nốt còn được xem là biểu tượng cho đức tính nhẫn nại, chịu khó của người Khmer. Nếu quan sát kĩ, người Khmer ở nước ta thường sống ở những cụm đất cao (đất dòng), khô cằn và kém màu mỡ. Tuy nhiên, dù cho quanh năm phải làm trên những cánh đồng cháy nắng, mùa màn thất bát nhưng họ vẫn hài lòng với cuộc sống của mình. Suốt cuộc đời, họ vẫn cần mẫn với những gì thiên nhiên ban tặng, chấp nhận cải tạo nó để làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn. Trong khi đó, dù đất đai khô cằn, khí hậu khắc nghiệt nhưng cây thốt nốt vẫn vươn mình lên không trung, đương đầu với nắng và gió. Thế nhưng, mặc cho sự vật đổi dời, cây thốt nốt vẫn thủy chung với vùng đất mà mình đang sống, vẫn cho trái ngọt, vẫn che chở và gắn bó với người Khmer từ thế hệ này sang thế hệ khác. Như vậy, điểm chung ở đây là cả hai đều có khả năng thích nghi với môi trường sống không thuận lợi, sẵn sàng đương đầu với khó khăn để tồn tại và phát triển. Đó là một đức tính hết sức quí báu mà bất cứ ai cũng phải nể phục và tôn trọng.
Không những vậy, nếu có ai đó đã từng ngắm những cây thốt nốt sẽ nhận ra rằng, tuy có hình thức không đẹp (lớp da thì xù xì lại sạm đi vì nắng, lá không dài và cũng không uốn cong, trái nhỏ với màu đen đặc biệt) nhưng đó lại là một vẻ đẹp hết sức mộc mạc, đáng yêu. Rõ ràng, cây thốt nốt không sặc sỡ như đỗ quyên, không “thanh khiết” như cây thông, không “sang trọng” như cây tùng, không “dịu dàng” như cây liễu,... nhưng vẫn nhận được sự trân trọng của tất cả mọi người. Điều này làm ta liên tưởng đến hình ảnh những người Khmer chân chất, rất giản đơn nhưng lại vô cùng thân thiện. Người Khmer không chú trọng lắm đến hình thức bên ngoài, nét đẹp của họ thường được bộc lộ từ bên trong. Họ nói chuyện như mở hết lòng, chân tình và ấm áp. Họ giúp người như chính bản thân, không bận chi thua thiệt. Nói chung, từ lời ăn, tiếng nói, cách ăn mặc, cư xử,… ở họ đều toát lên một nét giản dị đến kì lạ, sự chất phác đến không ngờ. Với họ, một hình thức giản đơn, một tâm hồn trong sáng là cái cốt lõi của mỗi con người.
Từ những yếu tố trên, ta thấy cây thốt nốt có vị trí rất đặc biệt đối với người Khmer. Tất nhiên, những gì đề cập đến vẫn chỉ là những nét phác họa sơ đẳng, chứ thật ra vai trò, ý nghĩa của cây thốt nốt trong đời sống người Khmer còn lớn hơn rất nhiều. Khách quan mà nói, đó là một hình tượng mà dường như đã cô đọng được những nét cốt lõi nhất trong văn hóa của một dân tộc. Và thông qua đó, ta có thể hiểu thêm về con người, phong tục tập quán của họ,… nói chung là văn hóa Khmer. Tôi tin rằng, dù có như thế nào đi nữa, cây thốt nốt sẽ vẫn là một biểu tượng văn hóa, sẽ luôn tồn tại trong từng kí ức người Khmer và mãi mãi trong lòng dân tộc Khmer.
Nguồn : CSV