Ngoài tốn thời gian xếp hàng chụp ảnh, Phước còn vỡ kế hoạch tham quan một số điểm vì tắc đường không kịp đến.
Nguyễn Ngọc Phước, 29 tuổi và sống tại TP HCM, du lịch Bali (Indonesia) 6 ngày 5 đêm dịp lễ 30/4. Không chia sẻ nhiều về cách di chuyển, ăn ở hay lịch trình khám phá các điểm tham quan, Phước tập trung giới thiệu các điểm chụp ảnh. Dưới đây là kinh nghiệm để có những bức ảnh đẹp của anh.
Địa điểm đầu tiên khi Phước vừa đặt chân tới Bali là đền Lempuyang Luhur. Đây cũng là kỷ niệm nhớ đời của anh vì phải xếp hàng 4 tiếng chỉ để chụp 3 kiểu ảnh ở Cổng trời. "Điều thú vị là bạn tha hồ tạo dáng như trong show truyền hình thực tế The Face với hàng trăm ánh mắt của các du khách khác đang đợi đến lượt", Phước kể.
Sau đó, anh tới Tirta Gangga - tên một ngôi làng và cung điện trên nước nằm ở phía đông Bali, và Besakih - đền thờ thần Hindu lớn nhất tại đây. Trên ảnh là Cổng Trời ở đền Lempuyang Luhur (trái) và cung điện trên nước Tirta Gangga.
Ngày thứ hai, Phước đến khu du lịch có chiếc xích đu nổi tiếng mang tên Bali Swing. Nơi này là điểm nhất định phải ghé thăm. Anh mua tour đến đây với giá 600.000 đồng một người, gồm ăn trưa.
"Nếu ai đã tới Bali Swing thì không nên tới Wanagiri Hidden Hill, vì cảnh ở đây như Đà Lạt nhưng không đẹp bằng", Phước nói. Trên ảnh là Bali Swing. Anh dự định đi đền Ulun Danu nhưng phải huỷ do bị tắc đường 5 tiếng.
Ngày thứ 3, Phước đi đảo Nusa Penida. Theo anh, du khách nên mua tour có lịch trình lặn biển (nhớ hỏi giá trước), thay vì chỉ đi dạo trên cát vì ở đảo khung cảnh không thật sự đặc sắc. Khi đến đảo, bạn nên thuê xe máy để tiện di chuyển vì nơi này tắc đường thường xuyên.
Ngày tiếp theo, anh dành thời gian nghỉ ngơi, ngắm cảnh và ăn tối với đồ hải sản, khám phá ẩm thực địa phương. Tirta Empul (đền nước thần trị bệnh) ở trung tâm Bali là điểm đến trong ngày cuối cùng. Theo đánh giá của Phước, nước ở đây không sạch vì quá đông người dân địa phương và du khách lội xuống tắm. Nhiều người mặc nguyên quần áo, có người thậm chí đi chân đất xuống dưới hồ.
Anh cũng tới Tegallalang Rice Terrace Kuta, cánh đồng lúa nổi tiếng. Tuy nhiên nơi này cũng khiến anh thất vọng vì không có nhiều nét đặc sắc và lên ảnh không đẹp.
Bali có nhiều thác nước, bãi cát dài gần biển... gần giống ở Việt Nam. Cộng với thời tiết Bali nóng nực, đi nhiều sẽ mệt, nên ngay từ đầu, Phước tìm chọn một khách sạn thật đẹp để chụp ảnh "sống ảo".
Bạn nên cân nhắc việc mua sim ở Bali, vì mạng yếu và giá cao.
Để chụp được những bức ảnh đẹp nhất, bạn không nên mặc quần áo nhiều màu sắc. Tông màu chủ đạo ở Bali là đen của đền Hindu, xanh lá của thiên nhiên, xanh ngọc của đại dương và bầu trời. Những màu nên mang theo là nâu đất, đỏ tươi, trắng, vàng, cam, hồng...
Ban nên mua xà rông vì đa số địa điểm tham quan, chụp hình ở Bali đều phải sử dụng. Khi mua, bạn cần trả giá và có thể được giảm một nửa số tiền do người bán hàng đưa ra.
Trước khi sang Bali, Phước đã đặt trước tài xế riêng với giá 1,1 triệu đồng một ngày, đưa đi 3 - 4 điểm. Anh cung cấp cho họ địa chỉ khách sạn để tài xế tìm đường đến đón, xếp lịch trình các điểm tham quan, giúp tiết kiệm thời gian. Bạn cũng có thể sang tới nơi rồi thuê taxi, giá dịch vụ rẻ hơn một chút.
Trong 6 ngày ở Bali, Phước thử các đặc sản như cơm chiên, sườn heo, thịt bò, đùi gà nướng chấm sốt tương ớt, tương cà, Bakso hủ tiếu thịt viên... Dừa ở đây có nhiều nhưng nước chua, không ngọt như ở Việt Nam. Anh còn mang theo nồi cơm điện nhỏ, gạo và một ít đồ ăn Việt Nam khi sang đây du lịch phòng trường hợp không quen thực phẩm địa phương.
Chuyến du lịch của Phước hết khoảng 40 triệu đồng, trong đó gồm 12 triệu tiền thuê 3 khách sạn, 11 triệu dành cho vé máy bay khứ hồi, còn lại là tiền thuê taxi, mua vé vào tham quan và ăn uống.
Theo Phước Nguyễn