- Tây Tạng - Một vùng sơn cước yên lành, một thế giới huyền hoặc, cảnh tượng kỳ vĩ đến choáng ngợp: Trời mây, núi rừng, sông hồ, cỏ cây hoa lá trăm hoa khoe sắc màu, đồng cỏ, thảo nguyên bao la bát ngát . . . Tất cả như một bức tranh cuộn tròn dài vô tận.
Nếu bạn đến đây bạn sẽ cảm nhận đượcmMột cảm giác tuyệt vời, cảnh đẹp đầy nắng và khí trời dịu mát, trong vùng hoàn toàn không có người ở với những màu sắc tưởng như không hề có trên trái đất này đang trải rộng trước mắt. Đối với người hoạ sỹ sẽ là một ngày hội để thỏa sức sáng tác, với các nhiếp ảnh gia họ chỉ ngừng máy khi tắt nắng, còn du khách là để tận hưởng.
Tây Tạng, đất của những hồ màu xanh, của núi tuyết trắng, của núi màu đồng, của bình nguyên màu lục, của những nương rẫy trải dài mà người Nomade miền Bắc sống với đàn trâu, đàn cừu trong những túp lều đen làm bằng lông trâu đã tạo nên một cảnh sắc như chưa hề có.
Thật ra vùng đất này vốn đã đặc biệt từ mặt đất đến bầu trời, nhưng nếu bạn có cơ duyên đến nơi này, hãy cố gắng check in ở những điểm tuyệt vời dưới đây nhé!
Cung điện Potala (cao 117m so với mặt đất)
Cung điện Potala. Ảnh minh họa từ internet
Cung điện này do vị Đạt Lai đời thứ 5 khởi công xây từ năm 1644 - hay còn gọi là “cung điện mùa đông” của Đạt Lai Lạt Ma, biểu tượng của Tây Tạng, được trang hoàng bằng bằng vàng ròng, gắn liền với truyền thuyết mối tình giữa Quốc vương Tây Tạng và công chúa Văn Thành, con vua Ðường Thái Tôn – Cung điện cao 13 tầng với 999 phòng, 10.000 đền thờ lớn nhỏi và lăng mộ của 8 vị Đạt Lai Lạt Ma.
Bạn sẽ đi thăm quan Bạch Cung (White Palace) và Hồng Cung (Red Palace).
Vé vào Potala phải mua trước và có giờ theo quy định đã đặt. Trong này họ quản lý khách vào theo số vé bán ra và thời gian đã có trên vé để giới hạn số lượng khách hàng ngày tránh bị quá tải. Khi vào Potala không được mang nước, mang dao kéo, mang các đồ vật dễ cháy dễ nổ, các đồ bằng nước kể cả những lọ thuốc chống sốc, nước nhỏ mắt nhỏ mũi.
Leo bộ 300 bậc thang ở độ cao từ 3600m quả là một vấn đề nan giải. Đi được 5 bước lại nghỉ, thở ra cả hai tai. Sau một lộ trình vất vả sẽ vào thăm được khu Bạch Cung, chụp ảnh thoải mái. Lên đến được sân thượng để chuyển bị vào khu Hồng Cung nghỉ ngơi 10phút. Lên thang gác tiếp theo, cấm chụp ảnh hoàn toàn ở trong khu vực ở của A Lạt Ma, khu thờ và nơi làm việc
Potala là một trong những cung điện đồ sộ nhất thế giới, chiều dài 500m, có 13 tầng với trên 1 000 phòng và sảnh chứa khoảng 10 000 điện thờ và hơn 200 000 pho tượng. Mỗi ngày cung điện mở cửa khoảng 10 gian và đóng cửa một số phòng khác nhau, vì thế cần phải đến xem nhiều lần thì mới biết được hết về Potala.
Tu viện Đại Chiêu (Đền Jokhang)
Tu viện Đại Chiêu. Ảnh minh họa từ internet
Đền với 4 tầng mái mạ vàng - rộng 2.5km2, xây dựng từ năm 693 là nơi thờ Phật Thích ca. Trong chùa ngoài điện Phật Thích Ca còn có điện của Đức Đại sư Tông Khách Ba (Je Tsong Khapa), điện Tạng Vương, điện thần Hộ Pháp của phái Cách Lỗ - Thánh đường Đại Chiêu tự được UNESCO công nhận là di sản văn hoá thế giới, và là một điểm hành hương thiêng liêng của tín đồ Phật giáo.
Đền Jokhang là cơ sở Phật Giáo đầu tiên và là nơi thờ tự linh thiêng nhất Tây Tạng. Rất nhiều người Tây Tạng từ những nơi xa xôi tận cùng của đất nước đã từng vượt núi băng sông, bất chấp mưa, bùn và tuyết đến đây hành hương, bày tỏ niềm tin nơi các thần linh và xin ơn lành. Một số tín đồ đánh dấu chỗ đầu họ chạm mặt đá để đặt đầu gối và cứ thế họ lết dần tới cửa đền Jokhang. Mắt họ không nhìn quanh, chỉ hướng vào phía trong với lòng tận hiến vô ngần, nét mặt biểu lộ một sự huyền bí tuyệt diệu. Một trong những điều làm du khách xúc động nhiều nhất ở Lhasa là cảnh các tín đồ phủ phục để niệm cầu. Họ phủ phục ở bất kỳ chỗ nào
Tu viện Drepung
Cách thành phố Lhasa 8 km về phía Tây, nơi này có diện tích 250.000m2 được xây dựng năm 1461. Tu viện do các đệ tử của nhà cải cách tôn giáo lớn nhất trong lịch sử Tây Tạng là Tông Khách Ba (Tsong Kha Pa) xây dựng. Tông Khách Ba chính là người xây dựng Phật giáo Tây Tạng, sáng lập ra tông phái Hoàng Đạo (mũ vàng) - là tông phái của Đạt Lai Lạt Ma và Ban Thiền Lạt Ma ngày nay. Thời gian thăm Tu viện Drepung mất 2 tiếng. 1 tiếng để leo lên xuống khu vưc này. 1 tiếng để thăm quan. Trong tu viện nổi bật là khu nấu trà bơ rất lớn từ nồi và các dụng cụ để nấu.
Thánh Hồ Namsto
Thánh Hồ Namsto. Ảnh minh họa từ internet
Hồ nước mặn cao nhất trên thế giới (4720m) có diện tích mặt nước là 1961km, nằm trên đỉnh núi có tuyết phủ
Nyainqentanglha, 1 trong ngũ hồ đẹp nhất Trung Quốc và là 1 trong ba thánh hồ của Tây Tạng - người dân Tây Tạng thường đến đây lấy nước về chữa bệnh. Đây là hồ nước mặn lớn thứ 2 Trung Quốc nhưng là hồ nước mặn cao nhất thế giới, cao hơn hồ nước ngọt cao nhất thế giới là hồ Titicaca ở Nam Mỹ hơn 900m. Người Tây Tạng ở đó gọi tên hồ là Namuchua, người Mông ở vùng này gọi là Thângcơlihai với nghĩa “Hồ trời”, “Biển trời”.
Nguồn cung cấp nước cho hồ chính là các suối ngầm và nước băng tan của dãy Nyenchen Tanglha. Trên Namtso có 5 đảo nhỏ, tượng trưng cho Ngũ phương phật và không có người sinh sống, trong đó lớn nhất là đảo Liangduo. Ngoài ra, còn có 5 dải đất kéo dài hướng vào hồ từ các phía khác nhau.
Trước khi tới được Namtso, bạn sẽ đi qua đèo Lakenla huyền thoại - nằm ở độ cao 5.190 m. Lakenla được gọi là đèo tử thần vì dưỡng khí ở đây chỉ còn ở mức 30% khi lên tới đỉnh, gió và sốc độ cao khiến du khách chỉ có thể tranh thủ đứng chụp ảnh 5 – 10 phút rồi vội vàng lên xe dưỡng sức. Tuy nhiên chỉ cần vượt qua con đèo này, bạn sẽ bắt đầu thấy Namtso xanh như ngọc thấp thoáng đằng xa. Đường vào hồ đẹp như mơ, nắng vàng rộm, mây trắng, trời như không thể xanh hơn. Namtso hiện ra nhưng một giấc mơ giữa đời thực.
Hồ Namsto là địa điểm mua đồ lưu niệm phong phú và dễ mua nhất
Còn rất nhiều điều thú vị khác nữa chờ đón du khách tại Tây Tạng để bạn có thể thỏa sức khám phá, hãy chuẩn bị một sức khỏe tốt và một thời gian thích hợp để lên đường đến với miền đất huyền bí này.
Đức Hoài