Tố xuất hiện từ rất lâu đời và có vai trò quan trọng trong phong tục văn hoá của người Xtiêng. Tố góp mặt trong tất cả những ngày trọng đại, như: Lễ đâm trâu, cưới hỏi, ma chay… Tố còn thể hiện sự giàu có của thân chủ, chỉ những gia đình nào nhiều trâu, nhiều heo mới có được chiếc tố trong nhà.
Chạy xe theo hướng Đông Hà, vượt qua mấy con dốc ngoằn ngoèo dựng đứng, chúng tôi mới tìm được nhà ông Karang ở ấp 9, xã Đức Liễu (Bù Đăng, Bình Phước), người đang giữ hai chiếc tố cổ của đồng bào dân tộc Xtiêng. Theo ông Karang, hai chiếc tố này là vật gia truyền do tổ tiên ông để lại, mỗi chiếc có giá trị bằng một cặp trâu mẹ- con. Theo chỉ dẫn, chúng tôi đã gặp già làng Điểu Gô-người có nhiều tố nhất ở ấp 9 và được chiêm ngưỡng bộ tố 26 chiếc đang được gia đình già lưu giữ.
Tố có hình dáng và công dụng gần giống ché rượu cần của đồng bào Tây Nguyên. Rượu cái được ủ từ men lá rừng để trong những chiếc tố này có mùi vị thơm ngon hơn hẳn. Tố không chỉ đơn thuần là vật dụng đựng rượu mà đó còn là tài sản, là của hồi môn của gia đình, mang đậm bản sắc văn hoá Xtiêng. Ngày xưa, chỉ những gia đình có của ăn, của để mới có tố trong nhà. Tố càng nhiều chứng tỏ gia đình đó càng giàu có và có uy thế đối với dân làng. Tố gắn liền với cuộc sống người dân Xtiêng, có mặt và giữ một vai trò quan trọng trong những ngày lễ trọng đại như: Lễ đâm trâu, cưới hỏi, ma chay...
Có nhiều loại tố như: tố rang, tố tăng got, tố kơn..., được phân biệt bằng hình dáng, hoa văn hoạ tiết trên thân. Theo già làng Điểu Gô, loại tố lớn nhất gọi là rơt nơn. Thoạt nhìn rơt nơn gần giống như chiếc chum của đồng bào Kinh vùng Bắc Bộ. Chiếc rơt nơn lớn nhất ở nhà già Điểu Gô nặng khoảng 70-80 kg, có miệng thấp, số tai chẵn và nhỏ, thường có 6 tai, hoa văn đơn giản, màu nâu sẫm. Cũng theo già Điểu Gô, ngày trước một chiếc tố rơt nơn phải đổi bằng 4 con trâu mới có được. Chỉ những ngày lễ thật lớn, mổ tới 7 trâu, rơt nơn mới được đem ra sử dụng.
Loại tố thứ hai gọi là xà lung, thường dùng trong lễ cưới và ma chay, 2 chiếc tố của ông Karang thuộc loại này. Xà lung gần giống rơt nơn nhưng nhỏ hơn, được dùng làm lễ vật “trả của” trong đám cưới. Nếu trong đám cưới của người Kinh nhất định phải có trầu cau thì đám cưới của người Xtiêng ở Bù Đăng không thể thiếu xà lung. Theo phong tục trước đây, chàng trai Xtiêng muốn lấy được vợ thì việc đầu tiên là phải sắm xà lung. Xà lung được xem như tài sản chàng trai trả công cho nhà gái đã sinh thành và nuôi dưỡng cô dâu. Trong ngày cưới, nhà trai khiêng xà lung đi trước sang trao cho nhà gái, sau đó mới được rước dâu về, việc đó giống như hình thức nạp tài của người Nam Bộ. Ngày nay, xà lung không còn nhiều, nên nhiều gia đình đã quy đổi số lượng xà lung ra tiền mặt cho nhà trai đỡ vất vả. Đối với đám tang, người Xtiêng thường đập vỡ xà lung trên mộ, xem như một cách chia của cho người đã chết. Tuy nhiên, chỉ những gia đình giàu có mới giữ lại phong tục này vì xà lung hiện nay hiếm và giá thành lại khá cao.
Ngoài rơt nơn, xà lung, còn có tố tăng got. Tăng got có cổ cao hơn rơt nơn, màu sắc bắt mắt, những chiếc tai tố vẫn là số chẵn, nhưng to và vồng cao hơn. Hoa văn trang trí cầu kì với những con rồng uốn lượn quanh thân tố. Tuy nhiên, tăng got chỉ làm vật trang trí, ít đem ra đựng rượu, vì theo già Điểu Gô: “Rượu ủ trong tăng got uống nhạt hơn trong rơt nơn”.
26 chiếc tố của già làng Điểu Gô được thu thập ở khắp các vùng có đồng bào Xtiêng, từ Phước Long, Bù Đăng đến Bình Long... Vì là đồ cổ nên tố có mức giá rất cao. Một chiếc rơt nơn có giá từ 35 đến 50 triệu đồng-tuỳ vào kích cỡ. Chiếc xà lung nhỏ cũng có giá tới 3 triệu đồng. Nhiều người buôn đồ cổ tìm về năn nỉ già bán lại, nhưng già kiên quyết từ chối. Già cười bảo: “Không bán được đâu, tố là niềm tự hào của người Xtiêng. Mình đã mất nhiều công sức để tìm lại nó, nên mình phải giữ gìn cẩn thận để con cháu sau này biết được những văn hoá tốt đẹp của tổ tiên chớ!”
Nguồn : Báo DT&PT