(Dân trí) - Ngôi làng Hahoe từng vinh dự được đón Nữ hoàng Anh Elizabeth II và hai cựu Tổng thống Mỹ Bush cha và Bush con đến thăm. Nơi đây được UNESCO công nhận Di sản văn hoá thế giới. Hahoe đại diện cho kiến trúc truyền thống và ẩn chứa trong đó bảo vật quốc gia Hàn Quốc.
Chúng tôi tới thành phố An Đông ở phía Bắc tỉnh Gyeongsangbuk-do vào một chiều cuối thu, đầu đông. Khác với nhịp sống hiện đại, hối hả ở thủ đô Seoul, nơi đây mang đến một Hàn Quốc qua một hình ảnh khác, trầm mặc và cổ kính hơn. (Ảnh: Andong Hahoe Village).
Andong được ví là nơi mà vẻ đẹp và văn hóa truyền thống Hàn Quốc còn sống mãi. Andong nổi tiếng với làng Hahoe (Hà Hồi) được UNESCO công nhận Di sản văn hóa thế giới. Ngôi làng có lịch sử lên tới 600 năm.
Đến nay, kiến trúc ngôi làng vẫn còn giữ nguyên vẻ cổ kính với những ngôi nhà mái vòm đặc trưng, không có nhà cao tầng, dân cư thưa thớt và bao trùm lên tất cả là không khí tĩnh lặng đến khó tả.
Nơi đây có cội rễ văn hóa Nho giáo sâu sắc, lưu giữ được nhiều nhà cổ Hàn Quốc và những đồ dùng truyền thống từ thời Joseon, văn hóa truyền thống đa dạng đã tạo nên tinh thần Hàn Quốc.
Ngôi làng có địa thế tuyệt vời. Nằm dưới chân núi Hwa cao 327m với dòng sông Nakdong uốn lượn hình chữ S bao quanh khiến ngôi làng đẹp như một đóa sen trên mặt nước. Đây là ngôi làng cùng họ tiêu biểu của Hàn Quốc vì có dòng họ Pungsan Ryu sinh sống đời này sang đời khác. (Ảnh: Andong Hahoe Village).
Không giống những ngôi làng khác, ở đây, tầng lớp quý tộc và bình dân cùng chung sống trong ngôi làng. Nhà của tầng lớp quý tộc được đặt ở trung tâm của ngôi làng, còn nhà của tầng lớp thấp hơn sống bao quanh bên ngoài. Người trong làng vẫn có đến 67% là họ Ryu ở Pungsan Hahoe tiếp nối nhau, nhờ đó mà cuộc sống trong làng cơ bản vẫn nguyên vẹn như xưa.
Ông Charles Chou - Giám đốc Công ty Du lịch Ariang chia sẻ: “Có thể nói, làng cổ Hahoe là nơi đại diện cho kiến trúc truyền thống của Hàn Quốc, cho nền văn hóa Nho giáo lâu đời và những nỗ lực cũng như sức mạnh của cộng đồng trong việc gìn giữ văn hóa”.
Theo anh Đức Thanh, HDV du lịch người Việt Nam tại Hàn Quốc, đa số các học giả, chủ các doanh nghiệp lớn của Hàn Quốc đều xuất thân ở ngôi làng này.
Yangjindang, ngôi nhà được mệnh danh là bảo vật thứ 306 của quốc gia là một trong những ngôi nhà cổ nhất của làng. Điểm đặc biệt trong kiến trúc là căn phòng dành cho đàn ông trong nhà nhỏ, nhưng phòng dành cho phụ nữ lại lớn hơn, bởi người phụ nữ ở đây cai quản những việc quan trọng trong nhà.
Đây cũng là ngôi nhà có phong thủy được quan niệm là thế nhà của các học giả Hàn Quốc. Là nơi sống thiên thời địa lợi nhân hoà, tiếp nhận những linh khí tốt lành. Trong nhà không cần trồng nhiều cây vì người Hàn Quốc quan niệm, nhà hướng ra núi, có thể ngắm nhìn những cây thông lớn, như vậy cũng đã là sở hữu của mình và ngắm nhìn từ xa mới cảm thấy trân quý hơn.
Nơi đây nổi tiếng với mặt nạ Hahoe. Tại đây, các du khách Việt Nam đã được trải nghiệm trang trí mặt nạ.
Bạn Minh Trang cho biết, từ những chiếc mặt nạ màu trắng và các hạt xốp gel đủ màu sắc, không mùi, không dính bẩn ra tay, Trang và các bạn của mình đã tự tay sáng tạo ra những chiếc mặt nạ cho riêng mình. Anh Như Phúc - một du khách Việt từng sống ở Hàn Quốc 4 năm kể, được trải nghiệm làm mặt nạ khiến anh có cảm giác được trở lại những ngày tháng thanh xuân từng sống tại đây.
Còn anh Văn Phương thì thêm hiểu và yêu văn hóa Hàn Quốc.
Khách tham quan còn có cơ hội đi thăm Bảo tàng mặt nạ Hahoe. Nơi đây trưng bày bộ sưu tập đồ sộ các kiểu dáng mặt nạ của Hàn Quốc và các quốc gia khác trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Mặt nạ Việt Nam được trưng bày tại Bảo tàng mặt nạ Hahoe.
“Mặt nạ Hahoe đại diện cho Andong là di sản văn hóa quý báu, được coi là quốc bảo của đất nước Hàn Quốc”, ông Choi Hyung - Seok, Giám đốc Marketing của Cục Du lịch Gyeongsangbuk-do cho biết.
Loại hình múa mặt nạ Hahoe do chính những nghệ nhân trong làng tham gia trình diễn. Thông qua lời nói, những điệu múa, động tác uyển chuyển, gần gũi, vượt qua ý nghĩa giải trí thông thường, múa mặt nạ chứa đựng trong đó lời nguyện cầu thần linh mang đến sức khỏe cho người dân.
Ngày nay, người dân ở làng nói riêng và thành phố Andong nói chung vẫn thường xuyên biểu diễn múa mặt nạ và tổ chức lễ hội múa mặt nạ quốc tế hàng năm, với sự tham gia của nhiều quốc gia và thu hút du khách từ khắp nơi trên thế giới đến xem.
Tiếp đoàn Việt Nam sang tham quan tại Gyeongsangbuk-do, ông Lee Cheol-Woo, Tỉnh trưởng tỉnh Gyeongsangbuk-do chia sẻ: “Gyeongsangbuk-do là nơi xuất phát phong trào giữ gìn và phát huy văn hóa truyền thống ở Hàn Quốc và có nhiều nét tương đồng với chương trình nông thôn mới ở Việt Nam. Năm ngoái, chúng tôi có tổ chức Lễ hội văn hóa thế giới TP.HCM - Gyeongju 2017 với chủ đề "Sự phồn vinh của cộng đồng châu Á thông qua giao lưu văn hóa" tại TP.HCM. Chúng tôi hi vọng, trong tương lai, sẽ có thêm nhiều người Việt đến với Gyeongsangbuk-do và lưu lại những kỉ niệm thật đẹp tại đây”.
Ông Phạm Tiến Dũng, Giám đốc Golden Tour nhận định: “Gyeongsangbuk-do có thể phát triển đa dạng các loại hình: Du lịch văn hóa lịch sử, du lịch công nghiệp, du lịch trao đổi kinh nghiệm, du lịch hành hương. Chúng tôi rất ấn tượng với phong cách làm việc chuyên nghiệp của Cục Du lịch Gyeongsangbuk-do. Trong tương lai chúng tôi sẽ kết hợp để mở các tour tuyến đến đây để du khách Việt có thêm cơ hội được chiêm ngưỡng và cảm nhận cảnh đẹp và văn hóa nơi đây”.
“Gyeongsangbuk-do có một nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, được bảo tồn rất tốt, cảnh vật đẹp, con người thân thiện, văn hóa ẩm thực đa dạng”, anh Diêm Tuấn Anh - du khách đến từ Việt Nam chia sẻ cảm nhận.
Hahoe về chiều. Những ngọn đồi thấp kéo dài cùng với những rừng cây um tùm mọc trên vách núi cao tạo nên cảnh quan hùng vĩ.
Bên bờ sông, một con đường đi bộ phủ kín hai hàng cây hoa anh đào trơ trụi lá khi mùa đông đang đến tạo nên một khung cảnh vừa kỳ vĩ lại vừa mang vẻ cô liêu. Khung cảnh tuyệt sắc như một bức tranh sơn thủy. Vào mùa xuân sắc hoa anh đào sẽ phủ trắng làm nao lòng người.
Mùa hè ngôi làng mở cửa đón du khách từ 09:00 - 18:00, mùa đông từ 09:00 - 17:00.
Ngắm hoàng hôn dần buông ở Hahoe là một trải nghiệm khó quên.