Việt Nam hiện đã có 08 di sản được Unesco công nhận bao gồm 05 di sản văn hóa, 02 di sản thiên nhiên và 01 di sản hỗn hợp.
1.Cố đô Huế
Tháng 12 năm 1993, Quần thể di tích Cố đô Huế trở thành Di sản đầu tiên của Việt Nam được Unesco công nhận. Trên trang web Unesco có lời giới thiệu về quần thể di tích cố đô Huế: “di sản này là biểu trưng cho sự nổi bật về uy quyền của một đế chế phong kiến từng tồn tại tại Việt Nam và là một điển hình nổi bật của kinh đô phong kiến phương Đông”.
Quần thể di tích Cố đô Huế gồm toàn bộ những di tích lịch sử - văn hoá do triều Nguyễn chủ trương xây dựng trong khoảng thời gian từ đầu thế kỷ 19 đến nửa đầu thế kỷ 20 trên địa bàn kinh đô Huế xưa với diện tích hơn 500ha và được giới hạn bởi ba vòng thành theo thứ tự ngoài lớn, trong nhỏ: Kinh Thành, Hoàng Thành và Tử Cấm Thành.
Bên cạnh những thành quách, cung điện vàng son, những đền đài miếu vũ lộng lẫy, những lăng tẩm uy nghiêm, những danh lam cổ tự trầm tư u tịch, những thắng tích do thiên nhiên khéo tạo, Cố đô Huế ngày nay vẫn còn lưu giữ trong lòng những di sản văn hoá vật thể và phi vật thể chứa đựng nhiều giá trị biểu trưng cho trí tuệ và tâm hồn của dân tộc Việt Nam.
2.Vịnh Hạ Long
Được công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới tháng 12 năm 1994, Vịnh Hạ Long trở thành di sản thứ 2 tại Việt Nam được Unesco công nhận. Với khoảng gần 1.970 hòn đảo lớn nhỏ, trong đó 989 đảo có tên và 980 đảo chưa được đặt tên.
Vịnh Hạ Long là một di sản độc đáo vì nó chứa đựng những dấu tích quan trọng trong quá trình hình thành và phát triển lịch sử trái đất, là cái nôi cư trú của người Việt cổ, đồng thời là tác phẩm nghệ thuật tạo hình vĩ đại của thiên nhiên với sự hiện diện của hàng nghìn đảo đá muôn hình vạn trạng; nhiều hang động kỳ thú quần tụ thành một thế giới vừa sinh động vừa huyền bí. Không chỉ là một di sản thế giới được công nhận 02 lần, Vịnh Hạ Long còn được bình chọn là một trong bảy kỳ quan thế giới mới, là một trong mười kỳ quan nước của thế giới và luôn nằm trong danh sách những bờ vịnh đẹp nhất trên toàn thế giới cho đến nay. Có lẽ sẽ không quá lời khi nói rằng, Vịnh Hạ Long là danh thắng, kỳ quan của Việt Nam được biết đến nhiều nhất trên thế giới.
3.Phố cổ Hội An
Là một thành phố du lịch hấp dẫn, đặc biệt thu hút bởi dáng vẻ hoài cổ và không gian tĩnh lặng, yên bình. Phố cổ Hội An trở thành Di sản văn hóa thế giới năm 1999. Đô thị cổ này được hình thành trong khoảng thế kỷ 15-16, thời kỳ hưng thịnh nhất là thế kỷ 17-18.
Từ cuối thế kỷ 19, do chịu sự tác động của nhiều yếu tố bất lợi, “cảng thị thuyền buồm” Hội An suy thoái dần và mất hẳn, nhường vai trò lịch sử của mình cho "cảng thị cơ khí trẻ" ớ Ðà Nẵng. Nhưng cũng nhờ đó, Hội An đã tránh khỏi được sự biến dạng của một thành thị trung - cận đại dưới tác động của đô thị hóa hiện đại để bảo tồn cho đến ngày nay một quần thể kiến trúc đô thị cổ tương đối nguyên vẹn và hết sức độc đáo, tuyệt vời. Đó là hệ thống di tích của phố cổ, nhà ở, hội quán, đình chùa, miếu mạo, giếng cầu, nhà thờ tộc, bến cảng, chợ…Không chỉ có kiến trúc đẹp với quy hoạch hài hòa, Hội An còn nổi tiếng bởi nét văn hóa bản địa đặc trưng, phong phú được duy trì và tiếp nối hàng trăm năm qua.
4.Thánh địa Mỹ Sơn
Thánh địa Mỹ Sơn hay còn gọi là Khu đền tháp Mỹ Sơn nằm trong một thung lũng có đường kính khoảng 2km thuộc địa bàn xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam.
Khu đền tháp này được phát hiện vào năm 1898 bởi một học giả người Pháp tên là M.C Paris. Sau đó, các nhà khoa học đã đến nghiên cứu các bia ký và công trình kiến trúc, điêu khắc ở Mỹ Sơn và cũng chính họ đã vén lên bức màn bí mật về khu đền tháp này. Khu đền tháp Mỹ Sơn được xây dựng liên tục trong suốt 1000 năm (khởi công từ thế kỷ 4 bởi vị vua Bhadravarman và kết thúc vào cuối thế kỷ thứ 13, đầu thế kỷ 14 dưới triều vua Jaya Simhavarman III). Nghệ thuật và kiến trúc của hơn 70 đền tháp mang ảnh hưởng lớn của phong cách Ấn Độ. Tuy nhiên, trải qua nhiều biến cố lịch sử, sự tác động của thời tiết, khí hậu, hiện nay trong khu đền tháp chỉ còn lưu giữ được khoảng 20 công trình lớn nhỏ. Mặc dù vậy, tại những công trình di tích này, nghệ thuật điêu khắc vẫn được thể hiện rõ nét qua từng giai đoạn lịch sử của vương quốc Chămpa.
5.Phong Nha – Kẻ Bàng
Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng nằm trong một khu vực núi đá vôi rộng khoảng 200.000ha, khu vực tiếp giáp vườn quốc gia cũng có diện tích núi đá vôi khoảng hơn 200.000 ha. Tính riêng diện tích vùng lõi của vườn quốc gia đã lên tới 85.754 ha và một vùng đệm rộng 195.400 ha. Tại di sản này, các nhà khoa học đã tìm thấy khoảng 300 hang động với hệ thống sông ngầm dài nhất thế giới.
Tháng 4 năm 2009, đoàn thám hiểm thuộc Hiệp hội Hang động Hoàng gia Anh đã phát hiện và công bố hang Sơn Đoòng là hang động có kích thước lớn nhất thế giới. Hang Sơn Đoòng cao 200m và rộng 150m, lớn hơn nhiều lần những hang trước động lớn trên thế giới như hang Deer ở Vườn quốc gia Gunung Mulu, Malaysia và lớn gấp gần 5 lần so với Phong Nha. Không chỉ là một khu vực có nhiều hạng động, vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng còn có hệ thống thực vật đa dạng trong số đó có nhiều loài quý hiếm nằm trong Sách đỏ Việt Nam và Sách đỏ thế giới.
6.Hoàng Thành Thăng Long
Trong niềm hân hoan của cả nước nhân dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội năm 2010. Khu di tích Hoàng Thành Thăng Long đã được Unesco công nhận là Di sản văn hóa thế giới và trở thành di sản thế giới thứ 6 của Việt Nam được thế giới công nhận.
Hoàng thành Thăng Long là quần thể di tích gắn với lịch sử kinh thành Thăng Long - Hà Nội bắt đầu từ thời kỳ từ tiền Thăng Long (An Nam đô hộ phủ thế kỷ VII) qua thời Đinh – Tiền Lê, phát triển mạnh dưới thời Lý, Trần, Lê và thành Hà Nội dưới triều Nguyễn. Đây là công trình kiến trúc đồ sộ, được các triều vua xây dựng trong nhiều giai đoạn lịch sử và trở thành di tích quan trọng bậc nhất trong hệ thống các di tích Việt Nam.
Song hành cùng lịch sử dân tộc trong suốt 10 thế kỷ qua, Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội đã trải qua khá nhiều thay đổi, nhưng trung tâm của Hoàng thành, đặc biệt là Tử Cấm Thành thì gần như không thay đổi. Chỉ có kiến trúc bên trong là đã qua nhiều lần xây dựng, tu sửa. Chính đặc điểm này giải thích tại sao trên khu khảo cổ 18 Hoàng Diệu, các lớp di tích kiến trúc và di vật nằm chồng lên nhau qua các thời kỳ lịch sử. Các di tích đó có mối quan hệ và sự liên kết lẫn nhau, tạo thành một tổng thể liên hoàn rất phức tạp nhưng phong phú và hấp dẫn, phản ánh rõ mối quan hệ về qui hoạch đô thị và không gian kiến trúc, cũng như sự tiếp nối giữa các triều đại trong lịch sử xây dựng kinh đô Thăng Long.
7.Thành nhà Hồ
Ngay sau việc công nhận Hoàng thành Thăng Long, một tòa thành khác của Việt Nam tiếp tục được Unesco công nhận là Di sản văn hóa thế giới đó là Thành Nhà Hồ.
Thành Nhà Hồ là tên thường gọi của tòa thành bằng đá độc đáo còn khá nguyên vẹn giữa vùng đồng bằng lưu vực sông Mã và sông Bưởi, thuộc địa phận các thôn Tây Giai, Xuân Giai (xã Vĩnh Tiến), Đông Môn (xã Vĩnh Long), huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Theo sự đánh giá của các chuyên gia quốc tế thì Thành Nhà Hồ là hiện tượng có tính đột khởi về kỹ thuật khai thác, chế tác và xây dựng một đại công trình với nguyên liệu cơ bản là các tảng đá lớn. Không phải công trình duy nhất trong nước và khu vực có lối kiến trúc bằng đá, nhưng Thành Nhà Hồ vẫn là minh chứng “vô tiền khoáng hậu” về kỹ thuật xây dựng khác biệt, độc đáo.
Được xây dựng và gắn chặt với một giai đoạn đầy biến động của xã hội Việt Nam, với những cải cách của vương triều Hồ và tư tưởng chủ động bảo vệ nền độc lập dân tộc, Thành Nhà Hồ trở thành một công trình mang giá trị nổi bật toàn cầu với kiến trúc kiểu kinh thành phương Đông, vừa là trung tâm quyền lực, vừa là một pháo đài quân sự, thể hiện sự gắn kết tài tình giữa công trình kiến trúc với cảnh quan văn hóa và thiên nhiên.
8.Danh thắng Tràng An
Là di sản đầu tiên của Việt Nam được Unesco công nhận xếp trong danh sách di sản hỗn hợp. Quần thể danh thắng Tràng An là một khu vực tổng hợp các di sản văn hóa và danh thắng thiên nhiên tại tỉnh Ninh Bình, Việt Nam. Trong quần thể danh thắng này có nhiều di tích đã được Chính phủ xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt như: Khu du lịch sinh thái Tràng An; Khu du lịch Tam Cốc – Bích Động; Chùa Bái Đính; Cố đô Hoa Lư…Không chỉ có vậy, Tràng An nổi tiếng với cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, non nước, mây trời hòa quyện. Tràng An có tới 31 hồ, đầm nước được nối thông bởi 48 hang động, trong đó có những hang xuyên thủy dài hơn 2 km như: hang Địa Linh, hang Sinh Dược, hang Mây….
Theo đánh giá của Unesco về Tràng An thì: Di sản này là một khu vực kết hợp giữa thiên nhiên vă văn hóa một cách hài hòa, thống nhất. Có thể nói Tràng An là một cảnh quan thiên nhiên kỳ vĩ, ngoạn múc với hệ thống núi đã vôi kết hợp với hang động và sông nước. Có một số hang động ngập nước được bao quanh bởi những vách đá thẳng đứng, cheo leo. Bên cạnh đó quần thể danh thắng này còn có những địa điểm quan trọng về văn hóa khác như: Cố đô Hoa Lư của Việt Nam; các đền, chùa, làng cùng với cảnh quan ruộng lúa vô cùng ấn tượng.
Cinet