Rời thị trấn Bắc Hà (Lào Cai) sau khi đã ghé qua dinh thự vua Mèo Hoàng A Tưởng, xe chúng tôi cắn đuôi nhau chạy xuyên qua những cánh rừng sa mộc tràn trề nắng, điểm đến là cửa khẩu biên giới Việt - Trung Xín Mần (Hà Giang) vẫn còn rất xa...
|
Đường lên cửa khẩu Xín Mần |
Chúng tôi dừng lại ở ngã ba Lử Thẩn: đã sắp lạc sang đất Simacai. Bên trái là con đường đi Tả Van Chư, cũng là đường đi về Bản Phố, nơi chúng tôi đã bàng hoàng trước hoa mận mùa xuân.
Huyện Xín Mần (Hà Giang) nối với huyện Bắc Hà (Lào Cai) bằng con đường độc đạo Lùng Cải - Bản Già - Nàn Ma. Với dân “phượt”, đường Bắc Hà - Xín Mần vẫn được coi là một cung đường rất khó đi. Trung bình phải mất khoảng ba giờ cho 40km đường. |
Ngay đầu con dốc rẽ đi Lùng Cải - Nàn Ma, một cái tên cắm bên đường khiến chúng tôi chú ý: xã Tả Củ Tỷ. Có lẽ những cái tên xã, tên bản của miền biên ải này khi phát âm nghe trúc trắc bao nhiêu thì đường đi tới đó, qua đó càng khó khăn bấy nhiêu. Cho đến bây giờ Tả Củ Tỷ với tôi vẫn chỉ là một cái tên vang lên trong giấc mơ.
40km đường cấp phối nối Bắc Hà với Xín Mần chỉ toàn đá và đá, với những rãnh sâu hoắm xiên xẹo cắt ngang đường, đôi chỗ đường dốc lên tới 12-15 độ, đôi chỗ đáy của đoạn đường chữ V là một đoạn suối nhỏ vắt ngang.
Đường đang được đầu tư nâng cấp cải tạo theo từng đoạn, chúng tôi phải dừng lại vài lần chờ xe ủi san đất cho xe qua. Thi thoảng mới gặp vài người dân tộc chạy xe Win ngược chiều. Thi thoảng mới thấy vài chiếc váy Mông thấp thoáng sau lùm cây. Nhà cửa thưa thớt. May mà thời tiết nắng ráo, nếu trời mưa hẳn cung đường sẽ trở thành một tai họa khôn lường!
|
Thung lũng Nàn Ma |
|
Sông Chảy dưới chân cầu Cốc Pài |
Vượt qua một đỉnh dốc, thung lũng Nàn Ma xanh mê mải ùa vào tầm mắt, bên kia sông Chảy là con đường chạy ngoằn ngoèo dưới chân dãy núi cao ngất, cứ dài mãi, cong mãi rồi chìm vào cuối chân trời. Chúng tôi dừng xe để được duỗi chân nằm dài trên bãi cỏ bên đường. Ai đó trong các bạn tôi hẳn đã thiếp đi sau một chặng đường căng thẳng vì ghì siết tay ga và tay thắng.
Bất chợt, vang lên sau lưng tiếng lao xao của những người phụ nữ Mông đi chợ về ngang, gùi trĩu trên vai. Họ cười tủm tỉm khi thấy ống kính máy ảnh dõi theo bước chân mình rồi cười rộn ràng hơn khi nhìn thấy chính mình trong máy ảnh. Những bước chân lại vội vàng hối hả. Trên đỉnh con dốc, những chiếc váy sặc sỡ xòe tung theo từng nhịp bước chân. Nhịp xòe uyển chuyển ấy khiến trái tim tôi dường như đập nhanh hơn trong lồng ngực. Cuộc sống giản dị mà bình yên.
|
Nụ cười sơn cước |
Chúng tôi dừng xe một lần nữa khi qua trung tâm xã Nàn Ma. Bọn trẻ con đang chơi trên những mỏm đá tai mèo bên đường ù té trốn vào giữa đám cỏ khi thấy nhóm khách lạ cầm máy ảnh. Đứng sát mép vực nhìn về phía núi, những khoảng không gian xanh vô tận và khoáng đạt đến rợp người.
Chúng tôi đến thị trấn Cốc Pài (huyện Xín Mần) khi chiều dần buông. Thị trấn đang trở mình trong nhịp sống hiện đại với những tòa nhà cao tầng mái tôn đỏ sậm nổi bật trong lòng thung lũng và bóng dáng của một nhà máy thủy điện ở phía xa xa. Ruộng bậc thang san sát chồng lên nhau, cao vút tới tận đỉnh trời. Nhiều thửa đã chín vàng rực trong nắng chiều.
Chúng tôi lại mải miết lên đường. Cách thị trấn chừng 30km về phía Hoàng Su Phì là lối rẽ lên con đường đi cửa khẩu Xín Mần. Con đường hùng vĩ, quanh co như thể đi lên trời với những khúc cua và độ cao tăng nhanh đến chóng mặt. Càng đi lên càng thấy sông Chảy dưới kia óng ánh và hư ảo, mỏng như một sợi chỉ màu bạc mắc giữa màu xanh của núi rừng. Ba chiếc xe hối hả lao đi như chạy đua với những tia nắng cuối cùng đang vắt qua núi.
25km đi về phía biên giới, qua đồn biên phòng Xín Mần nằm ở độ cao hơn 1.600m, nhìn xuống một thung lũng màu xanh miên man, nơi có những bản làng nằm ở tận cùng của đường biên. Và ở cuối con đường, cạnh cột mốc số 5, có một bức tường đá do quân Tưởng Giới Thạch xây từ những năm 1940 để ngăn xâm lược Nhật, bên kia là đất Trung Quốc. Có một phiên chợ chung cho người dân hai bên họp vào thứ sáu và chủ nhật. Chợ chiều không một bóng người.
“Chiều biên giới em ơi”, văng vẳng tiếng nhạc từ chiếc điện thoại vang lên da diết...
Nguồn : Tuổi trẻ