Rót cho tôi bát rượu đầy, trong ánh lửa hồng rực của than củi, cụ già người Mông bảo rằng: Bắc Hà vốn có 3 thứ "đặc sản" không đâu sánh bằng: chợ phiên, rượu ngô Bản Phố và xòe Tà Chải. Đã lên tới Bắc Hà, dù chưa đến Tà Chải xem múa xòe, cũng nên ra chợ uống rượu với thắng cố.
Đêm ấy, khi đã uống cạn bát rượu đầy, tôi mới hiểu vì sao người dân Bắc Hà (Lào Cai) nấu được loại rượu nặng tới 60 độ có thể châm lửa đốt nướng thịt thú rừng.
Buổi sớm, Bắc Hà chìm trong biển sương lạnh giá, cái lạnh của vùng cao trên một ngàn mét so với mặt biển. Những đêm mùa đông, người dân ở đây chỉ có thể ngồi trong nhà đốt lửa sưởi, uống rượu và nghe các cụ già tâm tình, kể chuyện. Vậy mà người dân ở Bản Liền hay Xi Ma Cai vẫn thức dậy từ gà gáy để về chợ vào ngày chủ nhật. Chợ Bắc Hà được xây dựng vài năm gần đây nhưng hình thức chợ phiên thì đã có từ rất lâu rồi.
Từ lâu đài cổ Hoàng A Tưởng, chúng tôi hòa vào dòng người áo quần sặc sỡ đang đổ dồn về chợ từ khắp các ngả đường. Người dân ở Mường Khương hay Xín Mần (Hà Giang) thường phải về chợ từ chiều hôm trước, họ buộc ngựa trong bãi và nghỉ qua đêm ở nhà người quen, mà không sợ ngựa bỏ đi hay bị mất. Về chợ, các cô gái ăn mặc thật hẹp, như những cánh hoa rừng đua sắc trong khi những chàng trai áo quần giản dị như mầu sắc núi rừng. Trên đường vắng hay dưới thung sâu kín đáo các cô dừng lại trang điểm, thay váy mới; chàng trai vô tình đi qua, lấy kèn lá, đàn môi ra nhờ lời ca nói hộ lòng mình:
... Mình không có vợ mình lên đường đi tìm
Mình không có vợ mình cất bước đi kiếm
Bố mẹ mình làm bữa cơm thật sớm
Thế là mình đi chơi chợ
Mình len ngay vào đám đông
Tìm xem cô nào chưa chồng...
Nghe thấy tiếng đàn, các cô gái thẹn thùng nép vào lùm cây bên đường làm duyên. Thỉnh thoảng vài chàng trai quất ngựa phi lên trước, ngựa hí vang một vùng rừng.
Thấy mấy chàng trai xách lồng chim đi vào chợ, tôi hỏi:
- Có bán không?
- Bán chứ?
- Bao nhiêu tiền?
- Năm mươi nghìn!
Năm mươi nghìn một con chim họa mi! Số tiền chỉ đủ để chàng trai mời bạn vào quán thắng cố uống vài bát rượu hay mua tặng người yêu một chiếc khăn tay. Họ chỉ mong có vậy, chỉ cần có vậy thôi. Đi chợ là để chơi, gặp bạn bè, uống rượu, xem phim... rồi hẹn đến... phiên sau. Nhiều lứa đôi nên duyên từ phiên chợ này. Ở vùng cao, người Mông, Dao, Hà Nhì cấm kết hôn cùng dòng họ, nhiều chàng trai, cô gái phải trèo đèo, lội suối hàng chục cây số về chợ hẹn hò. Đến chợ tìm người yêu hẳn là một nét văn hóa độc đáo. Người Việt có câu: "Kén vợ giữa buổi chợ đông", không phải chợ đông có nhiều cô gái xinh đẹp mà vì chợ đông thì biết ngay cô nào đảm đang tháo vát.
Chợ Bắc Hà từ lâu đã gắn với những hình thức sinh hoạt văn hóa truyền thống, tiêu biểu cho một vùng đất, vùng văn hóa đặc sắc. Người dân đi chợ được thưởng thức và tham gia các hoạt động văn hóa dân gian; đua ngựa, bắn nỏ, hát giao duyên; được cùng nhau bên chảo thắng cố tâm tình... Tôi vẫn còn nhớ hôm ấy, anh Davis, thư ký, người Hà Lan cùng đi chợ với chúng tôi đã thốt lên rằng: "Bắc Hà thật đẹp, người dân ở đây rất thật, rất đẹp", theo anh "sức hút của chợ Bắc Hà là sức hút của văn hóa"...
Trong chợ, hàng hóa tràn ngập. Những bộ trang phục của người Mông, Dao, những túi vải Tày, Nùng thêu hoa văn sặc sỡ, chỗ này bán cải nương, rau rừng, chỗ kia mộc nhĩ, nấm hương; chỗ kia là chợ lợn. Có lẽ đi chợ là một nhu cầu của người vùng cao. Họ đi chợ không hẳn để mua bán, mà còn vì để thỏa mãn tinh thần... Người dân Bản Liền cách chợ 28 km, phải đi chợ từ 2 giờ sáng chỉ để gặp người quen hay mua vài thứ lặt vặt kim chỉ, dầu, muối... rồi lại đi bộ 6 tiếng nữa mới về đến nhà. Mấy cô bé Mông 15, 16 tuổi lặn lội từ Xi Ma Cai về chợ chỉ để gặp bạn, dù chợ Xi Ma Cai rất đẹp. Đến chợ Bắc Hà hôm nay còn có nhiều khách du lịch người nước ngoài. Họ rất thích xem các chàng trai múa khèn và thích mua những sản phẩm thêu, dệt thổ cẩm của địa phương.
Chợ Bắc Hà vẫn còn những sản phẩm nổi tiếng dệt lanh của người Mông, rèn đúc của người Dao và rượu ngô Bản Phố. Những thứ này có khi được làm ngay tại chợ bằng đôi tay khéo léo của nghệ nhân. Chiếc túi vải thêu hoa văn, người phụ nữ Nùng có tên là Xuân ở Hoàn Thu Phố phải làm mất 3 ngày. Chị bảo, bản chị ai cũng biết thêu.
Ngồi bên chảo thắng cố của 3 anh em họ Sùng (người Phù Lá), tôi hiểu đây là văn hóa ẩm thực độc đáo chỉ có ở những phiên chợ vùng cao Mường Khương, Bắc Hà... Đã ăn thắng cố cũng nên uống bát rượu ngô Bản Phố. Loại rượu này chỉ nấu được trên cao nguyên Bắc Hà nhờ thứ men lá làm bằng hạt hồng mi rất công phu. Ngước nhìn dãy núi cao trước mặt, bất chợt anh Vàng Seo Tà, cán bộ thông tin lưu động hát cho tôi nghe bài hát cô gái Mông năm nào đã hát ở chợ: "Anh và tôi đã gặp nhau buổi sáng nay - Chiều tôi về nhà, lòng còn bên anh - Nửa đêm tỉnh giấc tôi càng nhớ anh - Nhớ lời tâm sự ở phiên chợ ấy - Mong nên vợ nên chồng..."
Mong rằng phiên chợ Bắc Hà mãi mãi vẫn là ngày hội đầy ý nghĩa của người vùng cao.
Nguồn : Văn hoá - Văn nghệ