Chỉ rẽ phải một cây số tính từ đường 6 giữa thị trấn Chúc Sơn (Chương Mỹ, Hà Nội) là du khách đã phảng phất một cảm giác xưa cũ...Con đường nhỏ cuốn vòng theo chân quả núi thấp (người dân trong vùng gọi là núi Con Phượng), đưa ta đến dãy núi đá vôi trổ lừng lững và uyển chuyển giữa một vùng đất phẳng: Núi Tử Trầm, còn gọi là núi Con Rồng.
Nhìn từ xa đến gần, từ các hướng khác nhau vào các thời điểm trong ngày, "con rồng" đều có những hình thù và ánh sắc kỳ lạ. Gióng sang từ núi Phượng, núi Rồng là núi Lân, núi Rùa, hợp hình thế tạo nên một vùng sơn thanh cảnh tú của vùng Phụng Châu, Chương Mỹ. Chỉ cách trung tâm thủ đô chừng hai chục cây số mà màu xanh và cảnh quan nơi đây đã xua tan những mệt nhọc.
Phong cảnh sơn thủy hữu tình ở Tử Trầm Sơn |
Núi Tử Trầm có chùa Trầm xây dựng từ thế kỷ 16, hài hoà bên đá lớn hoang sơ, có đình văn bia, đền mẫu, hang Long Tiên tối thẳm, mát lạnh, có hệ thống tượng cổ phong phú và "đường lên trời" le lói sáng. Gióng sang một chút ở phía Bắc, một núi đá nhỏ um tùm cây lá đứng đơn lẻ, theo bậc đá xoắn ốc lên đỉnh là Vô Vi - ngôi chùa rất nhỏ, tương truyền có từ thế kỷ X. Bên vách chùa, chênh vênh gần ngọn núi là đình Nghinh Phong vi vút gió.
Xuống núi theo đường nhỏ đi giữa cỏ cây và nước trong bến Long Châu ở thôn Long Châu, người đi sẽ lại hoà vào một đời sống êm lặng, có hơi thở xa xưa. Rải rác trong làng, chỗ này là ban thờ đá còn nguyên cặp voi đá, khuất đằng kia, sau chùa Long Tiên là giếng đá cổ nước trong vắt. Gần đấy, đình cổ trên nền đất cao có nhiều mảng đắp hình voi, ngựa, rồng và nghê gắn sứ trên mái hết sức uyển chuyển, sinh động. Một giếng cổ nhỏ nữa chạm hoa văn trên miệng ở cuối đoạn đường này, ngay phía trước một chiếc cổng đá rất đẹp.
Từ chốn "thâm sơn" này, lại có những con đường đưa người ham chơi sang chùa Trăm Gian, đi nữa lại đến được động Hoàng Xá giữa thị trấn Quốc Oai, rồi tiện đường mà sang chùa Thầy huyền thoại, ở trong cả một xứ Đoài với hàng trăm chùa chiền, đình đền văn hiến...
Nguồn : Dân Việt