Chỉ 3 năm sau thời điểm đại phá quân Thanh, Hoàng đế Quang Trung đột ngột băng hà vào mùa Thu năm 1792.
Để tưởng nhớ đến nghĩa quân Tây Sơn, người anh hùng dân tộc Quang Trung - Nguyễn Huệ, ngày nay, tại Hà Nội có nhiều nhân vật lịch sử liên quan đến cuộc khởi nghĩa này đã được đặt cho nhiều tên phố ở Thủ đô như: phố Quang Trung, phố Ngô Thì Nhậm... Đặc biệt ở chùa Bộc hiện nay, còn có một pho tượng thờ Quang Trung rất độc đáo.
Cùng với 13 gò chôn xác quân Thanh như: gò Đống Đa, gò Trung Liệt, gò Đống Thiêng, gò Đầu Lâu, núi Cây Cờ, chùa Đồng Quang, Thanh Miếu... Chùa Bộc là một di tích lịch sử ghi dấu chiến công oanh liệt của nghĩa quân Tây Sơn đánh bại quân xâm lược Mãn Thanh vào Tết Kỷ Dậu 1789.
Chùa Bộc - nơi ghi dấu trận đánh oanh liệt năm xưa
|
Xưa, chùa Bộc thuộc trại Khương Thượng, huyện Quảng Đức, phủ Phụng Thiên. Nay, chùa tọa lạc tại phố Chùa Bộc, quận Đống Đa, Hà Nội. Chùa còn có tên gọi là Thiên Phúc Tự hay Sùng Phúc Tự. Theo truyền thuyết, chùa Bộc được xây dựng từ rất lâu đời. Nhưng do nằm ở vùng xảy ra trận Đống Đa lịch sử năm 1789, nên trong trận “Xuân lửa Đống Đa” tiêu diệt 29 vạn quân Thanh, chùa Bộc khi đó đã bị thiêu hủy hoàn toàn.
Tấm bia “Tái tạo Sùng Phúc Tự, Phật tượng các tòa bi ký” dựng tháng Giêng năm Nhâm Tý - niên hiệu Quang Trung thứ 4 (1792) cho biết chùa được xây dựng và làm lại tượng Phật do Thiền sư trụ trì là Tăng thống Lê Đình Lượng tự Đức Trường và vị sắc mục là Vũ Viết Hoa cùng nhân dân bản trại Khương Thượng phát tâm tu sửa.
Theo Thượng tọa Thích Bảo Nghiêm: “Chùa Bộc còn lưu giữ được nhiều hiện vật phong phú, trong đó có hệ thống tượng thờ... đặc biệt phải kể đến 3 pho tượng đặt thờ ở bên phải Tiền đường là tượng Đức Ông và hai thị giả của Ngài. Ngày 22-4-1962, một số nhà nghiên cứu đã tiến hành nghiên cứu kỹ pho tượng giữa và phát hiện ở phía sau bệ gỗ, đặt áp sát vào tường có dòng chữ khắc: “Bính Ngọ tạo Quang Trung tượng” nên cho rằng pho tượng Đức Ông tại chùa Bộc chính là tượng vua Quang Trung - Nguyễn Huệ... Tượng được dựng và tôn thờ dưới dạng tượng Đức Ông để tránh sự trả thù của triều Nguyễn với nhà Tây Sơn. Pho tượng được tạc năm Bính Ngọ (1846) trong tư thế tự nhiên như đang ngồi làm việc với 2 viên quan ngồi sát ở bậc dưới, tượng mặc áo hoàng bào, thêu rồng hóa trong mây, thắt lưng đai nạm ngọc, đầu đội mũ có hai dải kim tuyến thả xuống hai bên mang tai trông rất oai nghiêm”.
Có nhà nghiên cứu cho rằng: “Chính ông Nguyễn Kiên - một võ tướng cai quản đội tượng binh của Tây Sơn, sau trở thành nhà sư, tu ở chùa Bộc, là người cho tạc tượng Quang Trung”. Năm 1964, chùa Bộc đã được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa Quốc gia. Hiện, chùa Bộc còn có nhà trưng bày giới thiệu những chiến công oanh liệt của Hoàng đế Quang Trung và quân Tây Sơn như: Hịch của Quang Trung khi đem quân ra Bắc đánh đuổi giặc Thanh, sa bàn trận Đống Đa, các vũ khí thời Tây Sơn...
Mặc dù chỉ đến mảnh đất Thăng Long 3 lần và ở lại trong một thời gian ngắn, nhưng tên tuổi, hình ảnh của Hoàng đế Quang Trung - Nguyễn Huệ đã ghi dấu trong lòng nhân dân qua hai câu thơ của Hoàng hậu Lê Ngọc Hân - người vợ được Hoàng đế Quang Trung hết mực yêu quý, kính trọng:
“Mà nay áo vải cờ đào
Giúp dân dựng nước xiết bao công trình”.
Nguồn : báo Đại Đoàn Kết