Chùa Láng, còn gọi là chùa Chiêu Thiền, nằm trên đất làng Láng cũ, nay thuộc phường Láng Thượng, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội, cách trung tâm Thủ đô hơn 6 km về phía Tây. Chùa được xây dựng vào thế kỷ XII thời vua Lý Anh Tông (trị vì 1138-1175). Chùa thờ Phật, thờ vua Lý Thần Tông (trị vì 1128-1138) và thờ Thiền sư Từ Đạo Hạnh - một thiền sư nổi tiếng thời Lý.
Tương truyền, nhà sư Từ Đạo Hạnh tu đắc đạo, pháp thuật cao, hóa kiếp tại chùa Thầy, được Đại Điện giúp đầu thai làm con trai Sùng Hiền Hầu (em ruột Lý Nhân Tông). Vua Lý Nhân Tông không có con trai nên khi về già lập con trai của Sùng Hiền Hầu làm thái tử, sau này là vua Lý Thần Tông. Khi cha mất, Lý Anh Tông (con Lý Thần Tông) đã xây chùa Chiêu Thiền để thờ vua cha.
Sân trước chùa Láng trong quang cảnh xanh mát của những hàng cây cổ thụ.
|
Điện tám mái đặt giữa sân chùa.
|
Những bức tượng La Hán được đặt dưới dãy nhà ngang của chùa Láng.
|
Điện thờ chính trong ngôi chùa Láng cổ.
|
Chùa Láng là một quần thể kiến trúc rộng lớn, hài hòa, cân xứng với không gian thoáng đãng, được xây dựng theo kiểu "nội công ngoại quốc", tính vừa đủ 100 gian. Chùa Láng đã từng được coi là đệ nhất tùng lâm ở phía Tây kinh thành Thăng Long xưa.
Trong chùa có ba lớp tam quan, đường gạch lớn, nhà bát giác, hai dãy dải vũ, chùa chính (tiền đường, trung đường, thiệu hương, thượng điện), nhà chuông, nhà khách, nhà thờ tổ, thờ mẫu và vườn tháp mộ. Hai bên bậc thềm dẫn lên tiền đường có đôi rồng đá uốn khúc độc đáo. Trên tấm bia đá lập năm 1656 có chạm nổi hình hai tiên nữ đang dang đôi cánh bay lên trời.
Chùa còn gìn giữ được nhiều di vật quý giá có giá trị lịch sử và nghệ thuật như tấm bia "Tạo lệ" dựng năm Thịnh Đức thứ 4 (1656) cao 1,4m, rộng 0,8m, hoa văn tinh xảo, bia Phúc Điền cùng 13 tấm bia khác từ thời Tự Đức đến thời Bảo Đại. Chùa Láng hiện còn lưu giữ các đạo sắc phong của các triều Lê, triều Tây Sơn, triều Nguyễn, 30 bức hoành phi, 31 đôi câu đối, một "đại hồng chung" và một khánh lớn bằng đồng đúc năm Thiên vận Mậu Ngọ (1738). Đặc biệt, trong hậu cung chùa còn có pho tượng Đức Từ Đạo Hạnh theo truyền thuyết được làm bằng mây rút, phủ sơn son thếp vàng. Theo khảo sát, căn cứ vào đường nét tạo hình và các lớp sơn quan sát được tại các điểm vỡ trên thân tượng thì tượng có niên đại vào đời Lê. Theo nhận xét của một nhà nghiên cứu thuộc Trung tâm Nghiên cứu tiền sử Đông Nam Á thì hai lớp vải bồi tượng có niên đại cách nhau khoảng vài trăm năm, loại đồng quấn trong cốt tượng là loại đồng sớm. Bên trong tâm tượng còn phát hiện được 7 đồng tiền cổ có các dòng chữ "Đại Thuận Thông Bảo" và một gương đồng cổ. Theo GS-TS Đỗ Văn Ninh, đây là loại tiền được đúc vào khoảng năm 1644-1646. Phát hiện này phù hợp với ghi chép trong tấm bia "Về việc trông coi chùa Chiêu Thiền (chùa Láng)".
Hàng năm, vào ngày mồng 7 tháng ba âm lịch (là ngày sinh của Thiền sư Từ Đạo Hạnh), hội chùa Láng được tổ chức. Hình thức hội Láng nằm trong hệ thống các phong tục hội hè mang đậm nét văn hóa của kinh thành Thăng Long xưa. Trải qua nhiều đời, nó đã góp vào quá trình sinh hoạt văn hóa dân gian chốn cố đô một tổng thể lễ tiết phong phú và độc đáo.
Nguồn : VNP