Chùa Ông Bổn còn có tên gọi là chùa A Côn, hay Hòa An hội quán, có tuổi đời trên 130 năm, tọa lạc tại số 9 đường Nguyễn Văn Trỗi, khóm 1, phường 1, thành phố Sóc Trăng.
Hương án trong gian giữa chính điện chùa Ông Bổn.
Đây là một di tích nghệ thuật kiến trúc - điêu khắc độc đáo của cộng đồng người Hoa ở Sóc Trăng nói riêng và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long nói chung.
Theo tài liệu của ban quản trị chùa thì vào năm 1875, chùa Ông Bổn được xây dựng tại làng Khánh Hưng, tổng Nhiêu Khánh, tỉnh Sóc Trăng. Đến năm 1911 được trùng tu lần thứ nhất và đổi tên là Hòa An hội quán cho đến nay. Qua bảy lần trùng tu vào các năm 1953, 1969, 1987, 1990, 1994, 1999 có kiến tạo gia cố thêm nhưng vẫn đảm bảo được nguyên dạng xưa. Do chùa nằm ngay trung tâm thành phố nên rất thuận tiện cho nhân dân địa phương và du khách đến tham quan, chiêm bái.
Chùa được cất theo hình chữ Phu - tượng trưng cho sự ấm no, phú quý. Chùa cất tuy không cao nhưng thoáng đãng, mang đậm màu sắc kiến trúc Trung Hoa. Mái chùa lợp ngói ống phủ lớp rêu phong. Trên nóc có tượng lưỡng long chầu nguyệt - cách trang trí truyền thống trong các ngôi chùa Hoa. Trên các gờ mái cũng có tượng rồng, kỳ lân nằm trải dài. Phía trước mái hiên chùa có treo một dãy đèn lồng đỏ.
Chùa Ông Bổn được xây dựng hoàn toàn bằng đá và gỗ quý từ Trung Quốc chở qua. Ngôi chùa có chính diện quay về hướng nam, hai bên tả hữu tô đá rửa được nghệ nhân đắp nổi bằng xi măng rộng khoảng một thước là hai đại tự Tăng Phước - ngụ ý chúc bà con bá tánh hưởng thêm nhiều phước lộc, tạo thêm vẻ bề thế cho ngôi chùa. Ngoài ra, ở bên hữu khuôn viên chùa còn có ngôi miếu nhỏ thờ thần hoàng bổn cảnh của địa phương.
Quan sát từ đỉnh hương lớn đặt giữa khuôn viên khá rộng của ngôi chùa, tổng thể kiến trúc di tích này có toàn bộ phần chân cột, đá xanh viền nền tam cấp trong khu vực nội thất đến khung cửa chính của ngôi chùa… đều được các nghệ nhân người Hoa đời trước tạc bằng đá tảng của Trung Quốc. Ngôi chùa được thợ xây dựng theo dạng phân kim tam cấp qua thước Lỗ Ban - theo hình chữ Phu - theo quan niệm của người Hoa.
Vào bên trong ngôi chùa, du khách sẽ choáng ngợp trước một “rừng” hoành phi câu đối bằng chữ Hán được treo và ốp cột từ gian tiền điện đến gian chính điện, với nội dung ca ngợi công đức của các vị thần. Phía bên trái (nhìn từ ngoài vào) là bàn thờ Bạch Hổ uy nghi, bên phải là bàn thờ của Thanh Long hùng dũng - đây vừa là yếu tố phong thủy, lại vừa là vật linh nhằm để trấn giữ tà ma, xua đi những điều xui xẻo, không hên.
Tòa chính điện gồm ba gian. Gian chính giữa thờ Trịnh Ân, tức Cảm thiên đại đế là vị phúc thần trong tâm thức của bà con người Hoa nơi đây. Tương truyền, Trịnh Ân là vị khai quốc công thần, văn võ song toàn, sống vào triều đại nhà Tống bên Trung Quốc. Ông có nhiều công lớn trong việc dạy dân bền chí làm ăn để khẩn hoang, lập ấp và khuyên mọi người phải biết giữ lễ nghĩa, giữ vẹn thuần phong mỹ tục.
Do bị gian thần hãm hại nên ông bị triều đình khép vào tội chết. Lúc xử trảm ông, đất trời cảm động trút cơn mưa, điểm vần sắc hồng. Dân chúng thấy điềm trời như thế nên càng tỏ lòng thương tiếc và lập miếu thờ ông làm vị phúc thần. Chuyện này lan đến triều đình, làm vua tỉnh ngộ, thương cảm và phong sắc cho ông là Cảm thiên đại đế, tức lòng trung cảm động đến trời.
Mặt trước chùa Ông Bổn.
Bên trái chính điện là hương án thờ Phúc đức chính thần, bên phải là trang thờ của Thiên Hậu thánh mẫu. Trước gian chính điện còn có hai hàng bát bửu hai bên. Đặc biệt nét điêu khắc trong chùa hết sức điêu luyện, tinh xảo, thể hiện nét tài hoa của các nghệ nhân Trung Quốc đời trước. Tiêu biểu, các bức điêu khắc gỗ, hoành phi chạm trổ ba lớp, tượng thờ bằng gỗ, câu đối bằng gỗ quý, các tượng gỗ chạm trổ các linh vật: long, lân, quy, phụng, nai, hạc… đều thể hiện các điển tích mà các vua chúa ngày xưa thường dùng trang trí trong cung đình, như lân hóa rồng, rồng hóa long dây lá, Bá Ngư chầu hoàng, Bá Ngư Điểu Chích… tất cả đều là các tác phẩm điêu khắc, hội họa đặc biệt quý hiếm thể hiện đúng theo khuôn mẫu bên Trung Quốc.
Ngoài ra, trong chùa còn có nhiều cổ vật quý hiếm khác là tượng gỗ thờ Ông Bổn, Ông Phước Đức, Bà Thiên Hậu, sơn son thiếp vàng rực rỡ; bộ lư quỳ cổ hình thái tuế, ba bộ lư vuông, cặp hạc rùa ngậm hoa sen bằng kim loại màu… các bộ bàn thờ (quý tự) bằng gỗ quý đều được các nghệ nhân chạm khắc ba lớp và dát vàng rất tinh xảo.
Chùa Ông Bổn ở Sóc Trăng không chỉ là nơi sinh hoạt tín ngưỡng của cộng đồng người Hoa ở đây, mà còn là nơi thu hút đông đảo bà con người Kinh, người Khmer cũng như khách thập phương đến đây tham quan cúng bái trong các dịp rằm, lễ tết, ngày vía Ông… Bên cạnh đó, chùa Ông Bổn còn là nơi tổ chức các hoạt động văn hóa, lễ hội đặc sắc của bà con người Hoa và thông qua đó đã tập hợp, đoàn kết mọi người cùng nhau đóng góp, gây quỹ làm công tác từ thiện… thể hiện truyền thống đoàn kết lâu đời của bà con người Hoa và các dân tộc Kinh, Khmer anh em.
Nguồn : SGT