Nằm lưng chừng núi Tiêu quanh năm cây cối u tịch, phía dưới chân núi là dấu tích dòng sông Tiêu Tương cổ thơ mộng, chùa Tiêu có tên chữ là “Thiên tâm tự” thuộc xã Tương Giang, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, từ lâu nổi tiếng là danh lam cổ tự
Căn cứ vào sử sách cổ và truyền thuyết dân gian thì chùa Tiêu đã có từ lâu đời. Đến thời Lý là một trung tâm Phật giáo lớn, nơi trụ trì của Quốc sư Lý Vạn Hạnh. Tại ngôi chùa này, Thiền sư Lý Vạn Hạnh có công nuôi dạy Lý Công Uẩn lớn khôn, để sau trở thành bậc Minh Vương có công khai lập vương triều nhà Lý và nền văn minh Đại Việt.
Hiện chùa Tiêu là kiến trúc của nhiều lần trùng tu tôn tạo. Chùa gồm các tòa: Tam bảo, nhà tổ, nhà bia và các công trình phụ trợ. Tại nhà tổ có pho tượng cổ Thiền sư Lý Vạn Hạnh và ngai bài vị ghi rõ “Lý triều nhập nội Tể tướng Lý Vạn Hạnh Thiền sư thần vị”. Đặc biệt, chùa còn bảo lưu được một bia đá, có tên “Lý Gia Linh Thạch”, niên đại “Cảnh Thịnh nguyên niên” (1793), ghi chép sự tích về Lý Công Uẩn.
Chùa Tiêu, cùng với những cổ vật quý giá trên, còn đầy ắp những truyền thuyết, giai thoại kể những trang tuổi thơ huyền bí của Lý Công Uẩn và đã được một số thư tịch sử sách cổ ghi chép lại.
Các sách cổ như: Việt sử lược, Đại Việt sử ký toàn thư, Đại Nam nhất thống chí, Lịch triều hiến chương loại chí đều có ghi chép về chùa Tiêu và truyền thuyết về Lý Công Uẩn. Sách “Việt sử lược” cho biết: “Thái tổ họ Nguyễn (Lý). Người châu Cổ Pháp Lộ Bắc Giang. Mẹ là Phạm Thị, ngày 12 tháng 2 năm thứ 5 niên hiệu Thái Bình (974) sinh ra vua. Vua khi bé đã thông minh, khí độ, rộng rãi, du học ở chùa Lục Tổ, sư Vạn Hạnh trông thấy vua lấy làm lạ nói rằng: đây là người phi thường sau này lớn lên tất có thể cứu nước, yên dân làm chúa thiên hạ”.
Cũng về chùa này, sách “Đại Việt sử ký toàn thư” ghi lại như sau: “Trước đây ở viện Cảm Tuyền chùa Ứng Thiên Tâm châu Cổ Pháp, có con chó đẻ con sắc trắng có đốm đen thành hai chữ “Thiên tử”. Kẻ thức giả nói đó là người sinh vào năm Tuất sẽ là Thiên tử. Đến đây vua sinh năm Giáp Tuất làm Thiên tử, quả nhiên ứng nghiệm”.
Sách “Lịch triều hiến chương loại chí” ghi chép khá rõ về chùa này như sau: “Tiêu Sơn ở xã Tiêu Sơn, trên núi có chùa Trường Liêu là chỗ trụ trì của sư Vạn Hạnh… Lý Thái Tổ đầu thai ở đây”.
Chùa Tiêu là di tích đặc biệt còn bảo lưu được rất nhiều tài liệu cổ vật và những truyền thuyết, giai thoại phản ánh sống động về sự tích lai lịch, công trạng của Lý Công Uẩn. Nơi đây, Quốc sư Lý Vạn Hạnh trụ trì và đã có công nuôi dưỡng giáo dục Lý Công Uẩn từ thơ ấu cho tới lớn khôn trưởng thành, sau trở thành bậc Minh Vương có công khai lập vương triều Lý và nền văn minh Đại Việt.
Nguồn: Báo Bắc Ninh