Đa Mi nằm giữa Đà Lạt và Phan Thiết, cách thị xã Bảo Lộc gần 60 km. Băng qua những con đường đèo ngoằn nghèo, bắt gặp 2 hồ nước nhân tạo tuyệt đẹp giữa núi rừng trùng điệp là hồ Hàm Thuận và hồ Đa Mi.
Hai hồ nước được hình thành nhờ công trình thủy điện Hàm Thuận - Đa Mi. Hồ Hàm Thuận nằm trên sông La Ngà, một nhánh của hệ thống sông Đồng Nai. Giữa hồ có 8 đảo lớn nhỏ, đủ hình dạng đan xen, cây cối phủ xanh mướt như những hòn non bộ khổng lồ. Theo lời người dân Đa Mi, hồ có rất nhiều cá lớn và đây là điểm câu yêu thích của dân chuyên nghiệp. Bạn có thể mua các loại cá do dân địa phương đánh bắt từ lòng hồ và lai rai vài ly rượu trong không khí mát rượi giữa thiên nhiên yên tĩnh.
|
Đường vào Đa Mi loanh quanh đèo đèo dốc dốc. |
Khác với hồ Hàm Thuận (2.500 ha), hồ Đa Mi (700 ha) chỉ là một hồ chứa giữ nước, không có dòng sông chảy bên dưới nên mặt hồ gần như phẳng lặng. Đứng từ sân bãi đáp trực thăng nhìn xuống, lòng hồ như một tấm gương màu ngọc bích, bao bọc xung quanh bởi những dãy núi nhấp nhô, vài cơn gió nhẹ thổi qua, bạn sẽ cảm thấy không gian và thời gian như ngừng lại.
Vào sáng tinh mơ, khi mặt trời vừa ló rạng, sương trắng bay lững lờ vắt ngang qua đỉnh núi, in bóng xuống lòng hồ, ẩn hiện sau những rặng cây.
|
Giữa núi giữa rừng là hai hồ nước nhân tạo tuyệt đẹp. |
Ngoài hai hồ nhân tạo còn có nhiều ngọn thác gần đấy: thác 3 tầng, thác 9 tầng, thác Sương mù, thác Tazun, thác Đaguri. Nhưng đẹp và hùng vĩ nhất là thác 9 tầng và thác Sương mù.
Hiện nay, Hàm Thuận – Đa Mi có điều kiện thích hợp để nuôi cá tầm và đã được một số công ty du lịch khai thác nhưng du lịch thì chưa phát triển. Tương lai không xa, "nàng công chúa ngủ trong rừng" Đa Mi sẽ trở thành điểm du lịch hấp dẫn cho du khách đến tham quan và nghỉ dưỡng.
|
Nuôi cá trong lòng hồ. |
Nguồn : Vnexpress