Cách trung tâm Thủ đô Hà Nội 46km về phía tây theo quốc lộ 32, di tích quốc gia làng cổ Đường Lâm ở xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây (Hà Nội) được nhiều người biết đến vì có nhiều di tích lịch sử-văn hóa độc đáo, đặc trưng “xứ Đoài”. Trong số hàng chục di tích nổi tiếng ở Đường Lâm, có lẽ chùa Mía là di tích cổ nhất, đẹp nhất, tạo ấn tượng sâu đậm nhất trong lòng khách thập phương. Chẳng thế mà người Đường Lâm xưa đã tự hào có câu ca:
Nổi danh chùa Mía làng ta
Có pho Tống tử Phật bà Quan Âm
Chùa Mía có tên hiệu là Sùng Nghiêm Tự, được xây dựng từ đầu thế kỷ 17, tọa lạc trên triền đồi đá ong ở giữa thôn Đông Sàng. Cấu trúc của chùa theo kiểu “Nội công ngoại quốc”, gồm tòa tam quan, chính điện, thượng điện, nhà tổ. Ngay cổng chùa có cây đa đại thụ tán lá xum xuê và tòa bảo tháp “Cửu phẩm liên hoa” lộng lẫy. Chùa Mía có 287 pho tượng cổ mang tính nghệ thuật rất cao, mỗi pho tượng là một điển tích, một câu chuyện ngợi ca những đức tính tốt đẹp và sự tài trí của người Việt Nam. Đặc biệt, trong chùa có rất nhiều động Phật, trong đó động Phật Thích Ca và tượng Phật bà Quan Âm được làm rất tinh xảo, đẹp hiếm thấy.
Chùa Mía không chỉ nổi tiếng vì cổ kính, có nhiều tượng Phật nhất trong số các chùa ở nước ta mà còn nổi tiếng là nơi thâm nghiêm, thanh tịnh. Nằm trong khuôn viên làng Việt cổ xứ Đoài, khách đến vãn cảnh chùa được sống trong cảnh thôn quê gần như nguyên vẹn nét xưa. Vào những ngày tuần rằm, các cụ bà mặc áo tứ thân, đầu vấn khăn mỏ quạ đi từng đoàn vào lễ chùa. Nghe tiếng mõ rộn đều, hòa vào lời cầu kinh khi trầm khi bổng, du khách như được gội rửa hết những vướng bận đời thường, lòng vô cùng thánh thiện.
Chùa Mía là một điểm văn hóa tâm linh, là một nốt nhấn trong khu di tích Quốc gia làng Việt cổ Đường Lâm.
Theo Báo Du Lịch