LĐO - Nằm phía Đông Nam Kinh Thành Huế, con đường Chi Lăng thuộc khu phố cổ Gia Hội là nơi tập trung nhiều hội quán người Hoa.
Hội quán Quảng Đông ở Huế. Ảnh: Nguyễn Văn Toàn
Đến với nơi đây cũng sẽ giống như đến với phố cổ Hội An ở Quảng Nam, du khách sẽ tìm lại được sự thanh thản, sự tĩnh lặng cần thiết để quên đi phần nào những xô bồ của cuộc sống hiện đại.
Về mặt lịch sử, từ thế kỷ XVII, nhiều người Hoa gốc Hán ở Trung Quốc không chịu sống dưới chế độ ngoại tộc Mãn Thanh cai trị đã di trú sang nước ta, xin chính quyền sở tại cho xây dựng những làng “Minh hương” và con cháu họ dần dần được “Việt hóa”, trở thành những thần dân của nước Việt. Họ cũng có công khai phá những vùng đất mới như Hà Tiên, xin thần phục triều đình nước Nam.
Đến đầu thế kỷ XIX, khi Huế trở thành kinh đô của nước Việt thống nhất dưới thời Nguyễn, người Hoa kiều đã tập trung đến khu phố Đông Kinh thành làm ăn sinh sống rất đông. Người Hoa rất giỏi kinh doanh buôn bán, lại có nguồn hàng trao đổi phong phú từ Trung Quốc; cộng thêm chính sách “bế quan tỏa cảng” (cấm buôn bán với phương Tây của triều Nguyễn nhưng lại ưu tiên buôn bán với Trung Quốc) nên số thương nhân Hoa kiều đến Huế ngày một đông.
Cho đến ngày nay, mặc dù có giảm sút vì nhiều lý do lịch sử, các dòng họ có gốc gác người Hoa vẫn còn khá nhiều ở các tuyến phố như Trần Hưng Đạo, Phan Đăng Lưu, Chi Lăng... Đặc biệt, từ sớm người Hoa kiều cũng đã xây dựng những hội quán để phục vụ cho tín ngưỡng và làm nơi tụ họp với sự cho phép của triều đình Huế.
Đó là Hội quán của người Hải Nam thờ Bà Mã Châu, nằm ở góc đường Hồ Xuân Hương và đường Chi Lăng. Lúc mới đến Thuận Hóa, người Minh Hương làm chùa Bà (Thiên Hậu Cung) tại làng Minh Hương, xã Hương Vinh, huyện Huơng Trà. Sau lên khu phố cổ Gia Hội, người Minh Hương làm ăn phát đạt làm thêm hội quán này.
Đó cũng là Hội quán Triều Châu ở đường Chi Lăng, nơi thờ những vong linh xiêu bạt của Bang Triều Châu. Đây là ngôi hội quán lớn nhất và giàu có nhất so với các hội quán khác ở khu phố cổ Gia Hội.
Tiếp đó là Hội quán Quảng Đông của bang Quảng Đông ở đường Chi Lăng, ra đời từ cuối thế kỷ XIX, thờ Quan Công và Hội quán Phúc Kiến xây dựng vào năm Tự Đức thứ 7 (1854), thờ “Tam vị, ngũ vị”. Bên cạnh đó, cách đây mấy năm, gần Hội quán Quảng Đông, Hội quán Quảng Triệu cũng được xây dựng, có mở lớp dạy Hoa ngữ.
Ở đường Chi Lăng còn có Chiêu Ứng Từ, nằm đối diện chợ Cồn Phú Cát hiện nay. Ngôi đền do Hoa thương phố Gia Hội xưa quyên góp sửa ngôi chùa cổ đã sụp đổ vào năm 1887. Năm 1908, ngôi đền được trùng tu và có tầm vóc như ngày nay.
Các hội quán người Hoa ở Huế được bảo tồn rất tốt nên vẫn giữ được vẻ đẹp như xưa. Đến tham quan những hội quán người Hoa trên con đường Chi Lăng, du khách sẽ có một cảm giác thú vị đến lạ lùng.
Đáng tiếc là ngành du lịch Huế vẫn chưa tiếp cận được cụm địa điểm văn hóa độc đáo này để xây dựng tour du lịch nên khu phố cổ Gia Hội vẫn thua rất xa phố cổ Hội An về mặt bảo tồn và lượng du khách đến tham quan và du lịch. Tuy nhiên, do nhu cầu thị hiếu, nhiều du khách nước ngoài vẫn tự mình đi bộ hoặc đi xe máy đến tham quan.
Tất nhiên, du khách chỉ tiếp cận được “vòng ngoài” vì không có hướng dẫn viên du lịch người Việt và có một tour du lịch hẳn hoi thì khó có thể vào bên trong các Hội quán để biết hết được giá trị văn hóa - lịch sử.
NGUYỄN VĂN TOÀN