Nằm bên suối thác, Phù Dung cổ trấn là điểm du lịch văn hóa nổi tiếng ở tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc.
Phù Dung là một thị trấn cổ được xây dựng hơn 2.000 năm trước tại huyện Vĩnh Thuận, thuộc châu tự trị của người Thổ Gia và Miêu. Trước đây, thị trấn có tên là Vương Thôn, nơi ở của vua Thổ Gia, tuy nhiên đã được đổi thành Phù Dung trấn, sau khi bộ phim cùng tên của đạo diễn Tạ Tấn nổi tiếng năm 1986.
Phù Dung trấn tọa lạc tại khu vực miền núi tỉnh Hồ Nam, cách thành phố Trương Gia Giới khoảng 100 km. Được bao quanh bởi những ngọn núi và suối nước, trấn cổ Phù Dung là nơi lưu giữ những kiến trúc và văn hóa dân tộc lâu đời của người Thổ Gia.
Dưới chế độ cai trị của Thổ Vương (kết thúc cách đây khoảng 300 năm) nhà ở, đường sá, hành lang và cầu ở Phù Dung trấn đều được xây dựng hoàn toàn bằng gỗ và không sử dụng đinh sắt. Cách xây dựng này cho phép người Thổ Gia có thể tháo rời các thanh gỗ để chuyển đi khi cần thiết. Trải qua những biến động của thời gian, các ngôi nhà ở trấn cổ đã được tu sửa và xây mới, kiến trúc lâu năm nhất còn sót lại là nhà Thổ Vương với hơn 300 năm lịch sử.
Người Thổ Gia coi màu vàng là biểu tượng của vượng khí, vì vậy trước cửa mỗi ngôi nhà sẽ treo bí ngô để cầu chúc mùa màng tươi tốt.
Ngoài những con đường đá rêu phong và nhà cổ, Phù Dung trấn còn nổi tiếng với các thắng cảnh như Trâu khê đồng trụ, Bái thủ đường, Thổ tư hành cung và cầu Vương Kiều. Khoảng sân trước Bái thủ đường là nơi tổ chức lễ hội của người dân. Để giới thiệu văn hóa địa phương với du khách, đoàn ca múa kịch sẽ có những tiết mục biểu diễn vào cả ngày thường.
Hiện nay, Phù Dung trấn có khoảng 17.000 người sinh sống, trong đó chủ yếu là người Thổ Gia. Đây là một dân tộc thiểu số lâu đời của Trung Quốc, chủ yếu sinh sống tại các vùng Hồ Nam, Hồ Bắc, Trùng Khánh và Quý Châu.
Ngoài du lịch, người dân địa phương còn phát triển một số làng nghề khác như chế tác sừng, làm mì và thịt hun khói.
Từ xa xưa, người Thổ Gia đã nghĩ ra cách bảo quản thịt bằng cách ướp muối rồi phơi nắng hoặc treo gác bếp. Vì vậy, thịt hun khói từ lâu đã trở thành một món ăn truyền thống và đặc sản của khu vực này.
Du khách sẽ thấy có nhiều đầu trâu và các vật dụng được chế tác từ sừng như lược, thìa, trâm cài tóc. Trước kia, vào thời Ngũ Đại Thập Quốc (thế kỷ 10), người Miêu đã hợp sức cùng người Thổ Gia khi giao tranh với người Hán (dân tộc đông dân nhất của Trung Quốc). Vua tộc Miêu lúc bấy giờ thường đội một chiếc mũ sừng trâu, từ đó người Thổ Gia bắt đầu yêu mến và tôn sùng con vật này.
Người dân ở đây cũng có thói quen dùng đồ bạc. Không chỉ làm trang sức, bạc còn được chế tác thành bát ăn, thìa, đũa, đồ cạo gió hoặc khóa cửa. Trong mỗi gia đình người Thổ Gia đều có ít nhất một vật dụng được làm từ bạc nguyên chất. Để bảo vệ sức khỏe, họ sẽ uống nước ấm ngâm bạc để loại bỏ chất độc hại và vi khuẩn.