Sau 25 phút bay chuyển tiếp từ sân bay Tân Sơn Nhất, Côn Đảo hiện ra dưới mắt khách phương xa với nắng, gió và nước biển xanh ngăn ngắt.
Bây giờ mới tháng 3 chưa phải mùa đi lễ và nghỉ dưỡng, Côn Đảo thường đón khoảng 2 chuyến bay/ngày, còn vào mùa hè và những dịp cuối năm hoặc áp tháng 7 ta, khách đổ bộ xuống đảo có thể lên tới 6-7 chuyến bay. Họ đến du lịch nghỉ dưỡng hoặc đi lễ tâm linh.
Côn Đảo thực ra là một quần đảo gồm mười sáu hòn đảo với tổng diện tích đất nổi là 76 km².
Trên bản đồ, Côn Đảo có hình như một con gấu đang vươn ra biển. Nhà tù Côn Đảo hiện vẫn lưu giữ khá nhiều chứng tích năm xưa. Một chút lắng lại và hồi tưởng qua cuốn phim tư liệu về những lời kể của cựu tù, khách phương xa được cảm nhận sự khắc nghiệt từng hiện hữu trong những ngôi nhà lạnh lẽo u ám này.
Đầu hạ chớm nắng rát, vậy mà bước giữa lối đi hai bên phòng chuồng cọp thấp thoáng, những tấm bê tông lạnh lẽo vẫn còn móc gông xiềng, thấy ớn lạnh như vẫn phảng phất đâu đây những oan hồn ...
Hình ảnh về một “địa ngục trần gian” với những ai lần đầu đặt chân đến chốn này được tái hiện trong những chuồng cọp, chuồng bò, cầu Ma Thiên Lãnh với cảnh những thân thể gày gò bị cùm xích, những tấm lưng còng gồng mình chịu ngón đòn tra tấn.
Thêm một chứng tích hiển hiện, hàng trăm ngôi mộ lớn nhỏ nằm giữa Nghĩa trang Liệt sỹ Hàng Dương, nơi thác về của những chiến sỹ cách mạng đã bị tù đày, bị tử hình hoặc hành hạ vì lao khổ đập đá xây trại tù đến chết.
Ngoài ngôi mộ của bậc tiền bối những năm Pháp thuộc như các cụ Nguyễn An Ninh, Lê Hồng Phong, còn có những cái tên đi qua thời chống Mỹ. Ngôi mộ của liệt nữ Võ Thị Sáu, người con gái từng đi vào thơ ca (Kìa hoa lêkima nở đẹp thêm quê miền đất đỏ/ Nơi đó sáng mãi tên người anh hùng) nằm phía ngoài tay trái nghĩa trang vốn lúc nào cũng tấp nập người đến lễ.
Trời vừa nhá nhem tối, hai ngọn đèn năng lượng mặt trời đặt bên mộ Cô Sáu bật toả ánh sáng mềm. Trước mộ Cô là vô số gương lược thật của nhiều người dâng quện với mùi hai cây hoa hoàng lan trắng mới được ai đó dâng khiến không gian tinh khiết lạ.
Chuyện về mộ Cô Sáu có nhiều giai thoại. Ngoài chuyện Cô rất thiêng và những ai đi lễ muốn khấn cô phải xin vào lúc nửa đêm, nhắc đến sau này vẫn là chuyến đi tâm linh của nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng.
Nghe nói Cô đã “lên” và rất nhiều thành viên trong đoàn cảm nhận thấy điều này, nhất là khi mấy nữ sinh trong đoàn “bị nhập” cất lên tiếng hát toàn những bài ca cách mạng tự thưở nào chưa từng nghe, từng biết…
Huyện đảo Côn Đảo hình thành sau 1975. Hiện đảo có khoảng 7.000 cư dân sinh sống trong đó chiếm hơn phân nửa là gia đình công an, bộ đội. Thành phần dân cư Côn Đảo hình thành chủ yếu là vợ con cán bộ ra tiếp quản Côn Đảo và ở lại cùng một số gia đình viên chức chính quyền cũ.
Trong căn phòng làm việc tại tầng hai trụ sở UBND huyện Côn Đảo, nơi khách có thể hướng ánh nhìn ra tít xa ngó những chấm tàu cá di động trên biển, Phó chủ tịch UBND huyện đảo Côn Đảo- ông Lê Xá - nhấn nhá: Để thêm sức hấp dẫn và quyến rũ cho hòn đảo, được sự đồng ý và cho phép của Chính phủ, theo đó, Côn Đảo đã có cơ chế chính sách riêng được tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu trình Bộ kế hoạch và đầu tư.
Trong tương lai không xa, Côn Đảo sẽ mở rộng về hạ tầng, mở đường ven núi, nới thêm đường băng sân bay nhằm đáp ứng nhu cầu tăng chuyến, đón khách. Đến giờ, chủ trương của huyện và tỉnh đã xác định rõ sẽ phát triển kinh tế theo hướng lấy du lịch làm mũi nhọn.
Tuy nhiên, có làm được hay không, ông Xá thừa nhận: Vẫn phải trông nhiều vào sự quyết đoán ở trên cũng như thu hút giới đầu tư. “Du lịch Côn Đảo được nhắc đến nhiều về vẻ hoang sơ, trong lành và tâm linh. Lãnh đạo huyện đã chủ trương là giữ môi trường trong lành, yêu cầu tất cả các khách sạn và nhà nghỉ phải hoàn trả lại cho thiên nhiên đúng như những gì mà quá trình xây dựng đã lấy mất đặc biệt là mảng xanh”- ông Xá lưu ý.
Ngoài ra, theo ông huyện đảo đang tính mở rộng nuôi yến. “Yến ở đây rất đặc biệt, giá lên tới 210 triệu đồng/kg, đắt gấp gần chục lần so với sản phẩm vẫn bán trên thị trường. Tháng 4 hàng năm là thời gian khai thác. Giờ này, những người kinh doanh yến ở Côn Đảo đã “chen chân” đăng ký mua hết rồi. Về lý do đắt cũng bởi yến Côn Đảo ngon và chất hơn yến các nơi khác...”.
|
Chuẩn bị dâng hương trước mộ Cụ Nguyễn An Ninh. |
Trên con đường từ sân bay vào trung tâm huyện đảo, chúng tôi bắt gặp khu nghỉ dưỡng Six Senses, nơi cặp nam nữ minh tinh nổi tiếng Angelina Jolie và Brat Pitt đã làm xôn xao dư luận khi vào cuối năm 2011, họ cùng 6 đứa con thuê trọn 3 căn nằm phía nam, trong đó có cả villa để nghỉ ngơi và nhà hàng tại chỗ. Nhìn từ trên cao xuống, khu nghỉ dưỡng mang vẻ như độc lập và hoang sơ, gợi cảm giác rất thanh bình.
Nhích thêm chừng 2 km vào phía sâu hòn đảo, hiện ra trong không gian sóng biển ầm ì là một dự án du lịch đang dang dở: Khu nghỉ dưỡng khách sạn 5 sao dự kiến tổng mức đầu tư khoảng 800 tỷ đồng.
Dẫn khách xen qua những gò cát và đất đá của khu khách sạn 5 tầng mới hoàn tất phần thô, anh Ngô Quang Trung, Trợ lý Tổng giám đốc công ty, kể: Biết quy hoạch của Chính phủ muốn xây dựng Côn Đảo thành huyện đảo du lịch quốc tế nên Cty Việt Nga đã mạnh dạn đầu tư thành khách sạn 5 sao mặc dù dự kiến ban đầu chỉ làm 3 sao.
Mục tiêu dự án nhắm tới: Đón khách nước ngoài, chủ yếu là Nga vì ông chủ Cty vốn là người Việt sống quá lâu trên đất nước Nga. Bên cạnh đó là đón khách trong nước đến Côn Đảo du lịch tâm linh, du lịch chính trị (ý nói thăm lại nhà tù ) và thứ ba là tạo ra khu vui chơi giải trí cho dân địa phương.
Hai ngày lưu lại trên đảo, gặp và trò chuyện với những con người đã gắn với nơi đây, mới thấy tình yêu họ dành cho mảnh đất này thân thiết lạ. Trang trại của anh Nguyễn Khắc Cường, một người lính kiêm kinh tế hộ gia đình nằm tít sâu gần núi.
Đón khách bằng những đặc sản thuần Côn Đảo “made in” nhà tự chế (từ chai rượu nho được ngâm ủ bằng nho nhà trồng, rượu nhà cất lấy ngọt lịm nơi đầu luỡi tới chén rượu sâm được đào trên núi cứ luẩn quất mùi thơm), gia chủ phấn khởi kể: “Tôi vốn khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng; sau bao năm lao động quần quật mới có cơ ngơi nghỉ dưỡng xanh mướt rau quả, lợn béo hàng đàn, cá quẫy dưới ao này”.
Vợ anh, chị Lan, dù hơn chồng tới 4 tuổi nhưng vẫn giữ được sự mềm mại của người phụ nữ ở nhà chăm nom vườn tược. Chị kể, khoảnh đất gần chục hécta này được hai vợ chồng khai phá sau đợt chị ốm thập tử nhất sinh vì nghi ung thư.
“Khi chúng tôi vào đây, khu đất hoang sơ toàn núi đồi. Rồi cứ lần hồi mà thành cơ nghiệp. Vừa rồi, có một đại gia bay từ Hà Nội vào đến gặp và đặt vấn đề muốn mua lại toàn bộ để kết hợp thêm khoảnh bên cạnh nhằm làm khu du lịch nhưng vợ chồng tôi từ chối. 20 năm nay gắn bó với Côn Đảo, cả nhà đều rất “yêu” và bảo dù đắt thế nào cũng không bán”- Anh Cường bày tỏ.
Hiện trước mộ cô Sáu còn một tấm bia bằng đá trắng do chúa đảo tên là Tăng Tư dựng năm 1964 với hàng chữ: Liệt nữ Võ Thị Sáu. Sinh năm 1933 tại Bà Rịa. Từ trần ngày 23-12-1952. Câu chuyện về tấm bia, sau này được cặp vợ chồng trong số 36 “chúa đảo” thời đó kể lại trong bộ phim tư liệu về Côn Đảo. Bà vợ từng kể, “khi đào đất lên để lấy chỗ dựng bia, không hiểu sao thấy cô linh lắm. Tôi bật lửa để thắp nhang mấy lần không được, phải khấn xin Cô phù hộ cho tôi hoàn thành tâm nguyện mới xong”.
Nguồn : Zing