Sông An Cựu, Thừa Thiên Huế không chỉ nổi tiếng với câu ca: “Núi Ngự Bình trước tròn sau mé/ Sông An Cựu nắng đục mưa trong” mà còn được biết đến với hệ thống phủ đệ nằm san sát dọc hai bên bờ sông. Có lẽ khung cảnh nên thơ, lãng mạn nơi đây đã thu hút các hoàng tử, công chúa tề tựu.
Theo tục lệ nhà Nguyễn, các hoàng tử, công chúa đến tuổi trưởng thành phải rời Tử Cấm Thành ra ngoài lập phủ đệ riêng. “Phủ” là tên gọi tắt của vương phủ, nơi ở của các hoàng tử. “Đệ” chỉ nơi ở của các công chúa. Các vương phủ nằm rải rác trên nhiều tuyến đường cả bờ Nam và bờ Bắc sông Hương như Phan Đình Phùng, Nguyễn Sinh Cung, Kim Long, Chi Lăng, Bạch Đằng… nhưng có lẽ tập trung nhiều nhất là bên cạnh dòng sông An Cựu hiền hòa “nắng đục mưa trong”.
Đường Phan Đình Phùng nối dài từ chợ An Cựu đến chợ Bến Ngự chưa đầy 2 km nhưng có đến hàng chục phủ đệ, nhà vườn. Vương phủ có tuổi thọ lâu đời nhất là Phương Thôn Thảo Đường của Tùng Thiện Vương Miên Thẩm, con trai thứ mười của vua Minh Mạng. Sinh thời, ông nổi tiếng với tài văn thơ xuất chúng, vua Tự Đức từng khen ông và người em cùng cha khác mẹ với ông là Tuy Lý Vương Miên Trinh: “Thi đáo Tùng, Tuy bất Thịnh Đường”. Có nghĩa là thơ văn giỏi như Tùng Thiện Vương, Tuy Lý Vương thì thơ thời Thịnh Đường không còn nghĩa lý gì cả. Phủ còn tương đối nguyên vẹn nhưng đã bị sửa lại hơi mới.
Phủ Tùng Thiện Vương |
Ở địa chỉ 179 Phan Đình Phùng là vương phủ của Kiên Thái Vương Hồng Cai, con trai thứ hai mươi sáu của vua Thiệu Trị. Ngôi nhà này được biết đến với câu ca:
“Một nhà sinh đặng ba vua
Vua còn, vua mất, vua thua chạy dài”.
Bức bình phong trước phủ Kiên Thái Vương |
Kiên Thái Vương là thân phụ của ba hoàng đế: Kiến Phúc, Hàm Nghi và Đồng Khánh. Trong ba vị vua, chỉ có hoàng đế Đồng Khánh tại vị ở ngai vàng cho đến suốt đời và được thờ ở Thế Miếu. Kiến Phúc làm vua được tám tháng, ông mất lúc mới mười lăm tuổi. Vua Hàm Nghi phát động phong trào Cần Vương chống Pháp nhưng thất bại nên bị đầy sang Angiêri. Vua Bảo Đại, chắt nội của Kiên Thái Vương, cũng được thờ ở đây. Hiện nay phủ Kiên Thái Vương tuy còn đứng vững nhưng đã hư hỏng phần nào.
Bên cạnh phủ Kiên Thái Vương là vương phủ đẹp nhất có tên Cung An Định. Cung này do hoàng tử Phụng Hóa Bửu Đảo (sau này là vua Khải Định) xây dựng năm 1902 theo kiểu kiến trúc kết hợp Đông Tây kim cổ. Từ năm 1922, An Định trở thành cung riêng của hoàng thái tử Vĩnh Thụy, tức vua Bảo Đại sau này. Sau khi Bảo Đại thoái vị năm 1945, thân mẫu nhà vua, hoàng thái hậu Từ Cung, đã chuyển về sống ở đây. Hiện nay các công trình kiến trúc chính của cung là lầu Khải Tường, nhà Bát Giác và cổng chính vẫn còn nguyên vẹn. Một số kiến trúc khác của cung như nhà hát Cửu Tư Đài, nhà ngang, chuồng thú, hồ nước, vườn và cổng hậu đã không còn nữa. Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đang dành ra một khoản kinh phí rất lớn để phục hồi cung An Định cho đúng với tầm cỡ xưa.
Cổng vào Cung An Định |
Ngoài ra, trên con đường này còn có nhiều phủ đệ ít nổi danh hơn như dinh phủ của An Hóa Công Bửu Tửng, con trai vua Đồng Khánh; nhà ở của Bái Ân Công Chúa Nguyễn Phúc Lương Trinh, con gái vua Minh Mạng; dinh thờ của Ngọc Lâm công chúa Nguyễn Phúc Hỷ Duyệt, trưởng nữ của vua Đồng Khánh.
Bên cạnh phủ đệ của các ông hoàng bà chúa, nơi đây còn có nhiều nhà vườn, dinh thự của những người danh giá trong hoàng tộc triều Nguyễn như Lạc Tịnh Viên do Đông Các Đại Học Sĩ Hồng Khẳng, con trai Tùng Thiện Vương xây dựng năm 1889. Số 147 Phan Đình Phùng là biệt thự của Đoan Huy Hoàng Thái Hậu Từ Cung, nơi bà từng sống những năm cuối đời. Đến nay, nhiều kỷ vật và nếp sống của vị hoàng thái hậu cuối cùng của triều Nguyễn vẫn còn lưu giữ. Kế cận cung An Định là ngoại từ thờ phượng tiên tổ của Khôn Nghi Hoàng Thái Hậu Tiên Cung và biệt thự riêng của Hoàng Tùng Đệ Vĩnh Cẩn, em họ thân tín nhất của vua Bảo Đại.
Theo thời gian, nhiều phủ đệ đã bị hư hại, một số tồn tại trong tình trạng tương đối. Phủ đệ là một nét riêng rất Huế, đặc trưng của vùng đất Cố đô; những di sản văn hóa này cần được bảo tồn và gìn giữ cho thế hệ con cháu mai sau.
Nguồn : Khám phá Huế