Cái cổng làng, nơi mẹ đã đứng cũng là nơi hò hẹn của bao cặp trai gái trong làng. Là nơi chứng kiến bao mối tình đằm thắm của những chàng trai, cô gái quê tôi. Bước qua cái cổng làng là trở về với bình yên, với ngôi nhà thân thương của mình.
Con đê ngoằn ngoèo bên bờ sông Hồng đưa tôi trở về với ngôi nhà thân yêu. Lâu lắm rồi tôi không về quê, nơi có những cánh cò chao nghiêng, có dòng nước sông trong văn vắt tôi đã ngụp lặn cả tuổi thơ.
Thả bộ ven dọc triền đê, ngắm nhìn những bãi ngô xanh rì đang mùa trổ cờ lá xanh mướt, tôi hít căng lồng ngực cái mùi thân thuộc của quê hương, của hương đồng gió nội, của phù sa sông Hồng. Từng vạt cỏ may, găm đầy dưới ống quần rằm rặm. Chẳng mấy chốc con đường quen thuộc đã đưa tôi về đến đầu làng. Kia rồi, cái cổng làng thân quen, nơi ngày xưa mẹ đã tiễn những người thân yêu của mình đi xa.
Đó là cha tôi, trong những ngày ông đi kháng chiến. Hồi đó tôi còn bé tí như cái kẹo cũng biết lũn cũn chạy theo mẹ ra đến cổng làng, nơi chiếc xe ô tô sẽ chở cha cùng những người đồng đội, đồng chí của cha vào chiến trường. Đó là anh tôi, người mà mấy năm sau đó cũng theo gót cha ra trận. Chiến tranh là khốc liệt, nhưng hồi đó, trong tiềm thức của tôi, đứa con nít mới 5, 6 tuổi làm sao biết được nó khốc liệt đến nhường nào.
Cổng làng Đường Lâm
|
Các chị tôi lần lượt đi lấy chồng, cái cổng làng giống như bức tường rào ngăn cách. Chị lấy chồng làng bên, mỗi lần trở về, đi qua cổng làng, không biết chị có thổn thức, có nhớ lại những ngày anh chị hẹn hò dưới gốc cây. Chị rồi cũng trở thành những vị khách như bao người khách khác. Mỗi lần bước chân vào ngồi làng nhỏ bé xinh xinh nhưng lưu giữ đầy những kỉ niệm thân thương của mình, chắc chị phải xốn xang lắm.
Rồi cũng đến lượt tôi, đứa con út ít bé bỏng của mẹ, của các chị cũng lên đường sang nước bạn học tập. Ngày tiễn tôi đi, mẹ cũng chỉ ra đến cổng làng, và bà đứng đó lau vội những dòng nước mắt. Tôi làm sao quên dược dáng mẹ gầy gò, lủi thủi đi về trong bóng chiều…
Dường như, trong tiềm thức của mẹ, cổng làng là nơi chia xa tất cả những người thân thương của mình, nhưng chính nó cũng là nơi gặp gỡ đầu tiên của ngày hội ngộ. Và cũng như mẹ tôi, không biết có bao nhiêu người bà, người mẹ, người chị, cứ chiều chiều khi màn đêm nhập nhoạng buông xuống đã ra đầu làng, đúng nơi họ đã tiễn người thân yêu của mình ra đi để mong chờ ngày họ trở về.
Tôi làm sao quên được hình ảnh mẹ, trong ngày nhận được giấy báo tử của cha. Mẹ đã khóc ngất trên vai tôi, mẹ không tin đó là sự thật. Liệu có khi nào là nhầm chăng? Và chiều chiều, mẹ lại ra cổng làng, ánh mắt mẹ dõi heo hút, xa xăm, mong ngóng hình dáng thân thuộc của cha. Mẹ chờ, chờ mãi, mà cha không về…
Đã bao lần tôi dắt trâu về muộn, đã bao lần tôi gặp dáng mẹ lầm lũi xiên xiên đi phía trước khi bóng đêm đang dần ập xuống. Đã bao lần, tôi nhớ dáng người gầy gò, tần tảo của mẹ. Đã bao lần…
Cổng làng Thổ Hà
|
Cái cổng làng, nơi mẹ đã đứng, cũng là nơi hò hẹn của bao cặp trai gái trong làng. Là nơi đã chứng kiến bao mối tình đằm thắm của những chàng trai, cô gái quê tôi. Bước qua cái cổng làng, là trở về với bình yên, trở về với ngôi nhà thân thương của mình. Những lũy tre làng, những vết chân trâu, nơi hằn in tuổi thơ một thời lam lũ.
Cây gạo già vẫn đứng đó, cằn cỗi và hiên ngang, những lớp vỏ xù xì, sần sùi như nếp nhăn năm tháng. Đã qua bao nhiêu năm nó vẫn đứng đó, sừng sừng cùng thời gian.
Tôi đứng lặng trong ánh chiều đang buông. Những ánh nắng yếu ớt cuối ngày đang tắt dần, chỉ còn lại những vệt sáng, đậu nhẹ trên mái vòm, nơi có những cành ruối xanh rì đang cố vươn lên mãi để trùm cả lấy mái vòm cong. Một cảm giác lạ trào về trong tôi. Mỗi lần qua đây, tôi lại như thấy quanh quất đâu đây hình dáng mẹ. Giật mình, tôi gọi “Mẹ ơi”…
Nguồn : VNN