“Hà Nội vẫn còn đấy những nét chất phác, đôn hậu của một làng quê Bắc Bộ. Đâu đây bên cạnh cuộc sống xô bồ và vội vã, sau những chiếc cổng làng rêu phong là một cuộc sống giản dị thắm tình làng nghĩa xóm” - Nhà văn Vũ Kiêm Ninh - tác giả cuốn sách “Cổng làng Hà Nội” nói về những chiếc cổng làng Hà Nội sau 10 năm đạp xe khắp hang cùng ngõ hẻm để tìm chúng.
Ông Vũ Kiêm Ninh cho biết: “Từ thời khởi thuỷ, Hà Nội cổ chỉ là một làng quê cổ nằm ven sông Tô Lịch có cái tên huyền thoại là Long Đỗ. Cũng theo lịch sử, đến thế kỉ thứ 5, khu làng gốc của đất Hà Nội cổ phát triển thành một huyện, một quận tên là Tống Bình vào thời nhà Tuỳ. Đến năm Giáp Tý (544) Lý Nam Đế, sau khi đánh đuổi Thứ sử nhà Lương, lên ngôi vua đổi tên nước thành Vạn Xuân, đóng đô ở Ô Diễm, Hạ Mỗ (huyện Đan Phượng ngày nay) và dùng thành luỹ bằng tre gỗ ở cửa sông Tô Lịch thông ra sông Nhĩ Hà là đất phường Giang Khẩu hay Hà Khẩu (là phố Chợ Gạo, Hoàn Kiếm ngày nay).
Nhưng khi người ta viết về Hà Nội cổ, lại chỉ tập trung vào Hà Nội 36 phố phường với những ngôi nhà cổ, mà không mấy khi nhắc đến Hà Nội cổ nhất là những tên làng, ngõ xóm thân thương. Và trong những ngôi làng cổ ấy, đẹp nhất phải nói đến những chiếc cổng làng – một hình ảnh đặc trưng trong kiến trúc làng Việt Nam, mà cụ thể là vùng đồng bằng Bắc Bộ”.
Nhiều làng ở Hà Nội đã lên phố từ rất lâu rồi, nhưng đâu đó trong cuộc sống xô bồ, bóng dáng quen thuộc của những chiếc cổng làng vẫn hiện lên như lạ, như quen. Sau những chiếc cổng làng, một cuộc sống thân thương, mang nét đặc trưng của vùng đồng bằng Bắc Bộ đang diễn ra. Bà con ngồi cùng nhau trò chuyện, các ông già chung vui đánh cờ, lũ trẻ xôn xao nô đùa… Chiếc cổng làng có đôi chút rêu phong trong lòng phố là một biểu tượng, là niềm tự hào của mỗi con người sống trong làng xóm ấy.
Nhưng điều này không còn dễ kiếm tìm. Bởi nét nổi bật về nơi những chiếc cổng làng hiện diện trong lòng Hà Nội thường là những phiên… họp chợ. Cái ồn ào của tiếng người mặc cả, sự xô bồ của hàng cá, hàng rau … khiến những ai hay suy tưởng có quyền nghĩ rằng, ngày nay, dường như chỉ có cổng làng là mãi trầm ngâm, suy tư về những thời khắc cũ…! Vì thế mà nó đẹp hơn!
Cùng với sông Hồng đỏ nặng phù sa, những cánh đồng lúa bát ngát và những ngôi chùa, mái đình cong cong, những chiếc cổng làng ở Hà Nội như nhắc ta về một thời kỷ niệm, nhắc người viễn xứ hãy nhớ về Hà Nội như một người con cưng của miền Bắc Bộ.
Mặc cho thời gian có phủ trôi đi bao nét xưa cũ của xóm làng, những chiếc cổng vẫn đứng sừng sững đầy oai nghi. Dù đồng ruộng đã trở thành khu nhà khang trang, nhà ngói đã lên nhà cao tầng, dù nhiều làng nghề của Hà Nội đã bị mai một như cốm làng Vòng, chả nhái Khương Thượng…, thì cổng làng vẫn giữ được vẻ đẹp vốn có của mình.
Cổng làng La Phù-Hoài Đức-Hà Nội
|
Trong hàng trăm bức ảnh của nhà văn – nghệ sĩ Vũ Kiêm Ninh, những chiếc cổng làng mang nhiều dáng vẻ khác nhau nhưng đều ẩn chứa nét mộc mạc khó kiếm tìm trong khái niệm Hà Nội ngày nay. Có chiếc suy tư, trầm mặc với con đường dài sâu hun hút bên trong, có chiếc rêu phong đổ bóng trong chiều bên dòng người ồn ã, xô bồ, có chiếc cổng mà “lưỡi dao thời gian khoét sâu vào từng viên gạch, trơ mòn, trũng lõm sâu hút như hốc mắt người già. Đôi chỗ, nước mưa ngấm lâu ngày, gạch chảy dài từng vệt đỏ như huyết ngỡ như lệ xót thương nhỏ thành máu”, có chiếc lại chỉ là những khung sắt giản đơn – minh chứng cho một sự tàn phá ghê gớm của thời gian và quá trình đô thị hoá…
Nhưng dù mang hình hài nào đi chăng nữa, theo nhà văn Kiêm Ninh, mỗi chiếc cổng làng đều chứa đựng một kho chuyện kể về vô số những biến đổi và những thời khắc lịch sử của làng.
Từ khi làng còn là “làng” theo đúng nghĩa, cho đến khi cơn gió đô thị hoá tràn đến, làng lên phố và thay da đổi thịt, cổng làng hiểu rõ nhất con người “cũ” và “mới” sống và suy nghĩ ra sao? Người của “làng cũ” và người của “phố” có lối sống khác nhau như thế nào? Ai còn giữ lại phong thái thôn dã, ai không?...
Phác họa một Hà Nội "rất Bắc Bộ"
Khi tuổi đã xế chiều, mái tóc đã bạc thì cũng là lúc ông Vũ Kiêm Ninh có được niềm vui chứng kiến “tình yêu” của mình “đơm hoa kết trái”. Tác phẩm “Cổng làng Hà Nội” với những bức ảnh cổng làng Hà Nội từ vùng Thanh Trì đến Nhật Tân, từ Hà Đông đến Đông Anh… và thông tin chi tiết về tên tuổi, tuổi đời… đã ra mắt công chúng, như là món quà ông dâng tặng cho Hà Nội ngàn năm văn hiến
“Bộ sưu tập” ảnh cổng làng Hà Nội của nghệ sĩ nhiếp ảnh nghiệp dư Vũ Kiêm Ninh đã cho ta thấy ý nghĩa đặc biệt của những chiếc cổng làng trong phố: tạo nên một Hà Nội rất Bắc Bộ, dù dáng dấp kiến trúc điển hình của Bắc Bộ đã phần nào bị xoá nhoà.
Nhớ lại quãng thời gian 10 năm theo đuổi ý tưởng, nhà văn Kiêm Ninh không khỏi xúc động. Trong 10 năm ấy, chiếc xe đạp cà tàng luôn cùng ông đồng hành, cùng ông ròng rã từ làng này sang làng khác, có ngày đi hết 50 cây số. Những vật dụng “bất ly thân” trong chuyến hành trình của ông là chiếc bánh mì khô và chai nước lọc lủng lẳng trên ghi đông, và sau lưng là cuốn sổ, chiếc bút và chiếc máy ảnh.
Cổng làng Đông Ngạc-Từ Liêm
|
Với vài thứ “đồ nghề” đơn sơ ấy, những chiếc cổng làng Hà Nội còn sót lại đã lần lượt “đi” vào trong ống kính của ông. Chiếc cổng làng vô danh, vốn lặng lẽ và ẩn mình, “suýt” bị quên lãng bỗng dưng có tên, có tuổi, được biết đến với hình dáng và lịch sử rõ ràng. Trong đó, nhiều chiếc sau khi ông ‘chộp” được đã bị phá đi, và tấm ảnh của ông thành kỷ niệm, thành thứ tài sản vô giá cho kho lưu trữ văn hoá của ngôi làng sở hữu chiếc cổng ấy. Và của Hà Nội.
Ông Vũ Kiêm Ninh tâm sự: “Ở vùng đồng bằng Bắc Bộ, đi đâu chẳng thấy làng, thấy cây đa, bến nước, con đò. Và thấy cổng làng. Hà Nội cũng là một người con của Bắc Bộ, chỉ có điều Hà Nội được may mắn vươn xa tầm vóc, hơn “các anh chị em trong nhà”. Thế nhưng không vì thế mà Hà Nội đánh mất đi “bản chất” của nền văn minh lúa nước. Những chiếc cổng làng Hà Nội là minh chứng cho tấm lòng thuỷ chung ấy. Vẫn là một tam quan xây gạch, trên có đôi câu đối chữ Hán. Hiền lắm mà cũng thân thương lắm”.
Nguồn : Chinhphu.vn