Có một khúc đoạn Tây Bắc ít người biết đến, so với tuyến đường truyền thống mà bấy lâu nay khách lữ hành đã đi qua. Đó là hành trình bắt đầu từ Yên Bái, cửa ngõ vào miền Tây Bắc đồng thời là điểm nối giữa Đông Bắc, Tây Bắc và đồng bằng Bắc Bộ.
Với nhiều người, vòng cung Tây Bắc gợi nhớ biết bao điều kỳ thú: những con đường đèo ngoằn ngoèo, cheo leo bên bản làng người H’mông sống giữa mây mù và gió lạnh; những đồng cỏ, đồi chè xanh thẫm trải rộng ngút tầm mắt trên thảo nguyên Mộc Châu; những di tích lừng danh đã góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ huyền thoại...
Và còn nữa, thị xã Mường Lay nơi hội tụ của 3 con sông Nậm Lay, Đà Giang, Nâm Na mang trong mình vẻ đẹp hoang sơ, thơ mộng như bao lâu nay vẫn thế.
|
Đêm ở Mường Lò – Nghĩa Lộ không gì bằng đi múa xòe Thái |
Thế nhưng, còn một khúc đoạn Tây Bắc ít người biết đến, so với tuyến đường truyền thống mà bấy lâu nay khách lữ hành đã đi qua. Đó là hành trình bắt đầu từ Yên Bái, cửa ngõ vào miền Tây Bắc đồng thời là điểm nối giữa Đông Bắc, Tây Bắc và đồng bằng Bắc Bộ.
Xã Suối Giàng huyện Văn Chấn nằm lưng chừng trời, trên ngọn núi cùng tên thuộc dãy Hoàng Liên Sơn ở độ cao 1.371 mét so với mặt biển. Địa danh này còn nổi tiếng với giống chè Shan tuyết cổ thụ.
Phải chăng nhờ “trời cho” khí hậu bốn mùa se lạnh, thổ nhưỡng đặc biệt, mây mù giăng kín, mà hàng ngày chè được ngậm sương nên sau khi hái về, chế biến theo phương pháp thủ công lâu đời của người dân tộc H’mông, búp trắng xám như có một lớp lông tơ trắng (gọi là chè bám tuyết) đã cho hương vị chè khác biệt và ngon hơn hẳn loại chè nơi khác.
Người ta nói ngày xưa dân bản địa để cây chè phát triển tự nhiên, đến lúc thân cây quá cao, quá nguy hiểm, phải bỏ công huấn luyện khỉ thay người trèo hái lộc. Ngày nay, ngoài mục đích kìm hãm độ cao, người Mông còn kích thích cây chè cho nhiều búp non bằng cách dùng đá vôi cấy vào thân, hốc cây mới lớn. Theo thời gian, thân cây tách ra nhiều cành, nhiều nhánh thành tán lá rộng rãi.
|
Ruộng bậc thang “đặc sản” vùng Mù Cang Chải - Yên Bái |
Đến đây vào mùa thu có lẽ thú vị nhất là mỗi buổi sáng, được ngắm nhìn những đám mây chùng thấp la đà xuống vườn chè cố thụ xanh um, cũng là lúc từng nhóm phụ nữ H’mông xúng xính trong chiếc váy thổ cẩm leo trèo trên những cây chè xù xì, trắng mốc với vòng gốc to cả người ôm chưa kín như minh chứng cho sự già cỗi qua hàng trăm năm tuổi, rồi thoăn thoắt chuyền sang tán cây rậm rạp, đứng vắt vẻo hái từng búp lá còn đọng sương mai.
Buổi tối ở thị xã Nghĩa Lộ khá yên tĩnh và thời gian trôi đi bằng tiết tấu chậm chạp. Lúc này không gì bằng đi múa xòe Thái, một trong những nét sinh hoạt đặc sắc tại Mường Lò, vùng đất vốn được xem là ngọn nguồn của cộng đồng dân tộc Thái Tây Bắc.
Thông thường, trong phần nghi thức đêm hội xòe, không thể thiếu tiết mục “Khăm khăn nơi lảu” do các cô thiếu nữ dân tộc Thái trẻ trung, duyên dáng vừa múa vừa nâng khăn mời rượu thể hiện lòng hiếu khách, với sự phụ họa của khèn, đàn tính tẩu, tiếng chiêng, tiếng trống nhịp nhàng, rộn rã.
Kế tiếp là những điệu xòe mô phỏng con người khai phá đất đai, làm nương và tình yêu đôi lứa... Bất ngờ tiếng chiêng nổi dồn dập, nhịp trống chuyển qua điệu “Khăm khen”.
Chỉ chờ có thế, mọi người không ai bảo ai, tay trong tay nhảy múa vòng tròn quanh đống lửa. “Khăm khen” là điệu múa mang tính tập thể nên động tác khá đơn giản, song biểu hiện tình cảm đoàn kết anh em giống như lời ca tha thiết mời gọi: “Xòe đi anh, cầm tay múa. Xòe cùng em, chén rượu thơm dâng đầy...”.
Rời Nghĩa Lộ, du khách theo quốc lộ 32 lần lượt lướt qua những cánh đồng thơm mùi nếp Tan Lả dưới thung lũng Tú Lệ rồi đèo Khau Phạ nổi tiếng là một trong “Tứ đại đỉnh đèo” bởi chiều dài, mức độ hiểm trở xếp loại bậc nhất Việt Nam trước khi đến Mù Cang Chải - quê hương của ruộng bậc thang uốn khúc gối lên nhau từng lớp, rồi từng lớp nọ gối tiếp lớp kia tựa chiếc cầu thang nối trần gian với cõi thiên đình.
Nhiều người cho rằng Mù Cang Chải mùa nào cũng đẹp: vào mùa xuân lúa bắt đầu mướt xanh, mỗi lần gió núi thổi qua, nó dập dờn như sóng biển tràn lên sườn núi... Bước sang mùa thu, cả một vùng núi non trùng điệp đều rực rỡ trong sắc màu vàng ươm của lúa chín.
|
Những cô gái H’mông hoa đi chợ phiên Sìn Hồ - Lai Châu |
Đường lên cao nguyên Sìn Hồ tỉnh Lai Châu đầy sắc màu sơn cước mạn Tây Bắc, có cánh rừng nguyên sinh đầy hoa rừng, có dãy núi đá vôi tạo hình kỳ dị và hang động Pu Sam Cát nổi tiếng, có cả những thác nước ven đường là nơi dừng chân của trai gái người H’mông, Mán tắm mát mỗi lần đi rừng về.
Thị trấn Sìn Hồ, nơi cuối trời Tây Bắc hiện ra quá nhỏ bé, nó như bị cô lập giữa những cánh đồng lúa tỏa rộng đến tận dãy núi trùng điệp.
Theo tiếng dân tộc Dao, Sìn Hồ có nghĩa la nơi nhiều con suối. Trải qua nhiều cuộc bể dâu, ngày nay Sìn Hồ chỉ còn ba con suối lớn là Hồng Hồ, Hoàng Hồ và Sìn Hồ len lỏi dưới thung lũng.
Nằm trên độ cao trung bình 1.500m so với mặt biển nên thời tiết huyện lỵ Sìn Hồ luôn mát lạnh, tinh khiết chẳng khác vùng cao nguyên Sa Pa (Lào Cai) hay Đà Lạt ở Tây nguyên.
|
Những cô gái H’mông đỏ, hình ảnh thường thấy trên cao nguyên Sìn Hồ |
Sìn Hồ sở hữu nhiều cảnh đẹp hấp dẫn, ai cũng có thể cảm nhận. Từ những con đường ngoằn ngoèo trong thung lũng toàn ruộng bậc thang cho đến bản làng Tà Ghềnh, Hoàng Hồ, Tả Phìn, Phăng Xô Lin của người Mông, Dao yên bình mộc mạc bên vách núi.
Và nếu dành thời gian đi dạo, thăm viếng, sẽ khám phá nhiều điều kỳ lạ. Rồi cổng trời, núi Tiên Ông, núi Ô Đá gắn liền biết bao truyền thuyết lý thú.
Những bản người Dao, H’mông đỏ sống vây quanh thị trấn Sìn Hồ khá thưa thớt. Mỗi tuần vào ngày thứ bảy dân bản địa mang gà qué, nông sản, cây thuốc xuống chợ họp phiên.
Qua sáng chủ nhật chợ đông vui hơn bởi sự góp mặt của người H’mông, Hà Nhì vùng Chăn Lưa, làng Mô hay người Lự, Dao ở Phăng Xô Lin, người H’mông Hoa, Phú Lá tận xã Pu Sam Cát cách Sìn Hồ một ngày đường.
Tất cả tạo nên buổi chợ phiên xôn xao, tràn ngập làn sóng hoa văn thổ cẩm muôn màu.
Nguồn : Vietnamnet