Tìm hiểu về rừng ngập mặn, làm hàng rào khoanh nuôi rừng mắm, trải nghiệm cuộc sống người dân bản địa chỉ vỏn vẹn trong 2 ngày cuối tuần.
Tôi vừa có một chuyến trải nghiệm đến điểm cực nam tổ quốc cùng những người bạn hoàn toàn xa lạ. Không giống những chuyến du lịch nghỉ dưỡng và chụp ảnh đẹp trước đây, đến đất mũi Cà Mau, tôi mong muốn nhìn thấy và đóng góp sức lực trong việc gây rừng ngập mặn.
Check-in tại kilomet thứ 2.436 của đường Hồ Chí Minh là một điều ai cũng nên trải qua khi đến với Đất Mũi.
Ngày 1: Trải nghiệm gây rừng, sống như người bản địa
Khởi hành từ Sài Gòn, sau 8 tiếng đi xe đêm, nhóm chúng tôi có mặt ở Cà Mau lúc 5h. Sau khi nghỉ ngơi, xe trung chuyển đưa chúng tôi vào vườn Quốc gia Mũi Cà Mau vào lúc 8h.
Nhóm bạn lần đầu tiên gặp mặt có cùng niềm đam mê bào vệ thiên nhiên.
Tại đây, chúng tôi được gặp các cán bộ, nghe kể câu chuyện về cây mắm và tìm hiểu rừng ngập mặn trên ca-nô. Đến 10h, chúng tôi đến vùng khoanh nuôi rừng. 50 ha bãi bồi tại vùng lõi Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau, thuộc Khu Dự Trữ Sinh Quyển thế Giới Cà Mau đã được khoanh nuôi, xúc tiến tái sinh tự nhiên để chuyển hóa thành rừng.
Ở đây, chúng tôi trải nghiệm gây rừng ngập mặn, do Gaia Nature Conservation tổ chức. Hoạt động góp phần tăng diện tích rừng, ứng phó với biến đổi khí hậu, chống xâm nhập mặn và cải thiện các giá trị kinh tế, sinh thái của rừng. Đặc biệt, đây sẽ là nơi cư trú của nhiều loài động vật hoang dã quý hiếm.
Chúng tôi được trực tiếp làm hàng rào, trong hệ thống giữ hạt mắm trắng. Hệ thống có chiều dài 2.900 m, được làm từ hơn 11.000 cọc tràm và 2.900 m lưới được thiết lập. Hàng rào giữ lại quả mắm rụng từ cây mẹ, để phát triển thành cây mắm con và phát triển thành rừng ngập mặn, sau 6 năm.
Khu rừng được theo dõi, giám sát và chăm sóc bởi ban quản lý vườn Quốc gia trong vòng 6 năm, để đảm bảo rừng phát triển ổn định. Mục tiêu sẽ có ít nhất 185.000 cây mắm sinh trưởng khoẻ mạnh.
Sau khi hoàn thành 20 m hàng rào, chúng tôi phải di chuyển vì nước lên. Đường trở về homesstay là hành trình khám phá những ngóc ngách bí hiểm của rừng ngập mặn, nơi có những tán đước trên 50 tuổi mọc um tùm, xanh ngắt.
Đến homestay Ba Sú, tọa lạc ngay tại vườn Quốc gia, chúng tôi có cơ hội tìm hiểu về đời sống và trải nghiệm cuộc sống sông nước của người dân Cà Mau. Homestay được thiết kế theo dạng nhà sàn ngay trên mặt nước, có 2 gian nhà khách, 1 gian nhà ăn, 1 nhà bếp và 4 phòng lớn, chuyên dành cho những nhóm khách du lịch số lượng từ 8 người trở lên. Bao quanh là một màu xanh ngắt của rừng đước.
Homestay nằm gọn giữa khoảng trời mây nước.
Sau khi ăn trưa với các món ăn đặc trưng của địa phương, chúng tôi được đi trên vỏ lãi (một loại xuồng), thử thách đặt lợp bắt cua. Chiều tối, chúng tôi bắt ba khía và thưởng ngoạn bầu trời sao, ngay trên con sông dài 1 km mà homestay toạ lạc.
18h, chúng tôi quây quần bên nhóm lửa tí tách, cùng nhau tận hưởng không khí yên ắng miền quê, trong những câu chuyện thân tình, bên cạnh cái ấm nóng của than bùn gỗ đước và mùi khoai, bắp nướng đượm vị miền tây.
Ngày 2: Check-in điểm cực Nam Tổ quốc
Sáng sớm, chúng tôi được đánh thức bởi tiếng của những loài chim di cư. Không khí tại mảnh đất tận cùng đất nước, mang đến một cảm giác khoan khoái, trong lành.
Mọi người có thời gian riêng vào buổi sáng để đi thăm vườn tược, trò chuyện cùng người dân địa phương. Người dân có thể sinh sống tại vườn Quốc gia nhưng phải có nghĩa vụ gìn giữ, bảo vệ rừng.
Chị Diễm (1992), chủ homestay cho hay: "Tỷ lệ rừng và mặt nước phải luôn được duy trì ở mức 70-30. Ngoài làm vuông nuôi tôm, hào, những năm gần đây khi du lịch phát triển, chúng tôi còn kinh doanh thêm các dịch vụ ăn theo như homestay, tour trải nghiệm đời sống dân bản địa. Homestay được tạo từ ngôi nhà hơn 90 năm từ thời bà ngoại tôi."
Du khách được tự do hái hoa đậu biếc để nấu trà.
Sau khi trò chuyện với Diễm về đời sống của người dân, chúng tôi hái hoa đậu biếc, nấu trà nóng đầu ngày để chuẩn bị check-out homestay, tiếp tục cuộc hành trình.
Đã đến với Đất Mũi, không thể không ghé qua cột mốc số 0. Tại khu Du lịch Quốc gia Mũi Cà Mau, chúng tôi được nghe kể về đất biết đi, về hành trình "nở" ra hàng ngày của mảnh đất này.
Chị Tú, hướng dẫn viên của khu du lịch đưa chúng tôi tham quan Cột mốc Tọa độ quốc gia GPS0001, biểu tượng tiểu cảnh panô hình tượng chiếc thuyền căng đầy gió luôn hướng ra biển khơi, Công trình Điểm cuối đường Hồ Chí Minh. Ngoài ra là đền thờ Lạc Long Quân, tượng mẹ Âu Cơ, bờ kè chắn sóng, công trình Cột cờ Hà Nội. Chúng tôi được ngắm toàn cảnh điểm giáp nhau giữa biển Đông, biển Tây và thưởng thức các đặc sản tươi ngon.
Cột cờ Hà Nội ở Cà Mau.
Cột cờ có 10 tầng. Trong đó tầng 1, tầng 2 trưng bày quá trình hình thành diễn thế tự nhiên của vùng Đất Mũi. Bao gồm hơn 180 hình ảnh các loại và 2 mô hình về hệ sinh thái rừng ngập mặn, rừng ngập lợ Cà Mau. Tầng 3 có chủ đề di sản văn hóa tiêu biểu Thăng Long - Hà Nội, giới thiệu các giá trị di sản văn hóa cốt lõi mảnh đất nghìn năm văn hiến, với 16 di tích quốc gia đặc biệt, 12 hiện vật. Nhóm hiện vật là bảo vật quốc gia, 3 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO công nhận, ghi danh vào di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Tại những tầng cao của cột cờ, chúng tôi được nhìn ngắm toàn cảnh rừng ngặp mặn Cà Mau, biển Đông rộng lớn và cụm đảo Hòn Khoai đẹp nên thơ.
Thanh Hằng
Ảnh: Gaia Nature Conservation, Thanh Hằng