Ở trước Hiển Lâm Các - đối diện với Thế Miếu trong Đại Nội Huế có 9 cái đỉnh đồng lớn, gọi là 9 đỉnh Triều đại. Dân gian thường gọi là Cửu Đỉnh. Mỗi cái nặng trên dưới 2 tấn, được khởi đúc từ cuối năm 1835, hoàn thiện xong tháng 6-1837.
Cửu đỉnh Huế
Theo sử sách nhà Nguyễn, ý tưởng thiết kế Cửu Đỉnh là của vua Minh Mạng. Ông là một người tinh thông văn võ, là kiến trúc sư về ý tưởng cho việc xây dựng Kinh đô Huế, sau này là Di sản Văn hóa Thế giới. Vua dụ rằng “Trẫm xem xét đời xưa, đúc đỉnh theo hình các vật, nhưng đồ cổ còn ít, những người biên chép ghi lại có chỗ không đúng, chép ra toàn là của vạc nấu ăn, còn như đỉnh cao lớn và nặng, thì không những gần đây không có mà đến đời Tam đại cũng ít nghe thấy.
Nay bắt chước người xưa mà lấy ý thêm bớt, đúc thành chín đỉnh to, sừng sững đứng cao, nguy nga kiên cố, không chút sứt mẻ, đáng làm của báu, con con cháu cháu, giữ mãi không bao giờ hết”. Vua trực tiếp chọn các hình ảnh và giao cho Bộ Công chỉ đạo hàng trăm thợ đúc đồng Phường Đúc Huế và thợ giỏi khắp nước về thực hiện.
Chỉ dụ của Vua đặt tên cho từng Đỉnh theo thứ tự : Đỉnh lớn ở giữa là Cao Đỉnh, đỉnh cao 2,02m, đường kính 1,61m; Nhơn Đỉnh cao 1,9m, đường kính 1,62m; Chương Đỉnh: 1,88m và 1,6m; Anh Đỉnh 1,875m và 1,61m; Nghị Đỉnh: 2,08m và 1,63m; Thuần Đỉnh: cao 1,88m và 1,60m; Tuyên Đỉnh: 1,98m - 1,60m; Dụ Đỉnh; Huyền Đỉnh: cao 1,88m và 1,61m. Về ý nghĩa các đỉnh theo ý tưởng của vua Minh Mạng, mở đầu là Cao, tức người khởi dựng, tượng trưng cho sự Vĩ Đại; Nhân (Nhơn) là lòng tốt, tượng trưng đức, Chương là sự gương mẫu, là ánh sáng; Anh là tài giỏi vinh hạnh, hiển đạt; Nghị là ý chí kiên cường, cương nghị; Thuần là sự hoàn thiện, phong phú; Tuyên là sự hài hòa, tinh thông; và Dụ là nền tảng sự thịnh vượng; Huyền, ứng với nơi sâu thẳm. Chính bởi vậy, mà những đôi chữ trên mỗi đỉnh được khắc nổi thành khối vuông vức, nét chữ vừa sắc khỏe vừa mềm mại. Từng đôi chữ tên đỉnh đẹp sâu sắc, có thể coi như một bức tranh chữ vậy.
Có ý kiến cho rằng, “Cửu đỉnh” mỗi đỉnh tượng trưng cho một vị vua Triều Nguyễn, nhưng theo chúng tôi, vua Minh Mạng cho đúc 9 cái đỉnh vì số 9 luôn được coi như là biểu trưng của sự quyền uy và sức mạnh: Ngai vua thường đặt trên 9 bậc. Trong dân gian số 9 được gắn cho sự hoàn thiện tuyệt đối: voi 9 ngà, gà 9 cựa, ngựa 9 hồng mao. Số 9 được tượng trưng cho Trời, ngày sinh của Trời là ngày 9 tháng giêng, số 9 được ghép cho ngôi vị Hoàng đế. Tất cả các đồ dùng trong cung đình cùng dùng số 9 để đặt tên như Cửu Long Bôi (9 cốc rồng), Cửu Đào Hồ (ấm 9 quả đào), Cửu Long Trụ (cột 9 rồng)...
Cũng chưa ai giải thích vì sao chiều cao, đường kính và khối lượng của các đỉnh sau Cao Đỉnh lại khác nhau và không theo một trật tự ưu tiên nào. Như về khối lượng, Cao đỉnh, đỉnh lớn nhất nặng 2.603 kg, còn Anh đỉnh, đỉnh thứ tư lại nặng 2.757 kg? Những sự lạ ấy dành cho các nhà khoa học lịch sử. Vua xuống chiếu: “Trên các đỉnh phải khắc các hình núi, sông, người và động vật. Không chỉ phải khắc cho đủ mà còn phải chạm rõ ràng đúng vị trí để ghi nhớ tài liệu và cho rõ là của ai”.
Ngoài tên đỉnh bằng chữ Hán, trên Cửu Đỉnh có 17 mô típ (nhóm hình ảnh) vừa cụ thể vừa tượng trưng nhằm kỷ niệm năm Minh Mạng thứ 17. Các nhóm hình ảnh gồm có trời, đất, núi sông, sản vật, vũ khí... Trời trên Cửu đỉnh gồm các hình tượng mặt trời, mặt trăng, gió, mây, sấm, sét, các sao kim, mộc, thủy, hỏa, thổ. Đối diện với Trời là Đất gồm các hình ảnh Sông (Tiền Giang, Hậu Giang, sông Mã, sông Hồng, Bạch Đằng, sông Hương...), Núi (Hồng Lĩnh, Tản Viên, Đèo Ngang, núi Đại Lãnh, Hải Vân...). Sau sông núi là các loại gỗ quý, cây ăn quả, cây thực phẩm, muông thú trong rừng, chim chóc trên cây, tôm cá dưới nước, hoa cảnh, vật nuôi, cây thuốc, thuyền buồm... Nhóm hình ảnh thứ 17 là vũ khí gồm kiếm, cung, giáo, súng thần công...
|
Họa tiết trên Cửu Đỉnh
|
Tổng số các hình ảnh trong 17 nhóm trên là 153 hình ảnh (cộng lại thành 9 nút!) chạm khắc nổi với hàng ngàn đường viền, đường lượn, hoa văn vô cùng tinh xảo. Trên Cửu Đỉnh có núi sông, sản vật, hoa chim, muông thú Việt Nam khắp ba miền Bắc -Trung - Nam, từ Móng Cái địa đầu Tổ quốc đến đồng bằng sông Cửu Long. Trên Cửu Đỉnh cũng có những hình ảnh sản vật liên quan đến thời cam go của Nhà Nguyễn như cây Nam trân mà người dân Quảng Nam gọi là cây lòn bon.
Thời Nguyễn Ánh (sau này là vua Gia Long) và tùy tùng bị quân Tây Sơn truy đuổi phải trốn vào rừng, nhờ trái cây lòn bon mà khỏi chết đói. Cây lòn bon được chạm nổi, đặc tả từ thân cây, cành lá và chùm quả. Đáng chú ý là vua Minh Mạng cho khắc cây và quả lòn bon ngay trên Nhân đỉnh là một trong đỉnh làm biểu tượng của chính mình. Có lẽ đây là một hình ảnh để tưởng nhớ vua cha.
Để làm được 9 đỉnh này, phải huy động hàng trăm nghệ nhân đúc đồng nổi tiếng khắp nước về Kinh đô làm việc trong suốt hơn năm trời. Tổng số đồng để đúc 9 đỉnh là 22.473kg. Mỗi đỉnh người thợ phải hiệp 60 lò nấu đồng lại, mỗi lò chỉ nấu chảy được 30 - 40 cân đồng. Khuôn đúc lật ngược và người thợ rót nước đồng nóng chảy vào chân đỉnh. Đúc xong đỉnh mới gắn quai và các hình chạm nổi. Nhà nghiên cứu người Pháp P. Chovet nhận xét: “Nhìn chung toàn bộ giống hệt hình thu gọn hệ thống hiện đại của lò đúc sắt hiện nay ở Pháp (1914)... Cách làm của các thợ chạm An Nam không khác biệt các phương pháp áp dụng của thợ chạm Châu Âu. Có một chi tiết khá thú vị là các đũa và dao chạm đều do thợ tự làm bằng tay một cách thô sơ bằng cách dùng búa tán!”.
Cửu Đỉnh là cụm tượng đồng đạt đến trình độ tinh xảo nhất của nghệ thuật đúc đồng Việt Nam thế kỷ XIX. Bằng tất cả sự khéo léo tài nghệ, thợ đúc đồng Huế đã đúc nên tuyệt tác Cửu Đỉnh làm cho người Châu Âu phải kinh ngạc thán phục suốt gần 200 năm qua!
Cửu Đỉnh là tượng đài Độc Lập, tượng trưng cho sự trường tồn của Vương quốc Đại Việt và uy quyền của Vương triều Nguyễn. Cửu Đỉnh là một cụm tượng đài hoành tráng nhất, là “bách khoa thư” về nước Việt Nam đầu thế kỷ XIX, là công trình văn hóa lớn nhất, để đời của Vua Minh Mạng.
Nguồn : Báo CAĐN