Là vùng đất giàu truyền thống lịch sử văn hóa, xã Đại Thắng (Vụ Bản) hiện còn lưu giữ nhiều môn thể thao, trò chơi dân gian như múa rồng, kỳ lân, rùa, phượng...
Các hoạt động múa rồng, lân, rùa, phượng ở Đại Thắng có từ rất lâu, bắt nguồn từ làng Thi Liệu (gồm các xóm Thanh Ý, Đồng Hòa, Thái Hưng và xóm Tiên) nơi có đình, chùa thờ tướng quân Phạm Bạch Hổ - một võ tướng nổi tiếng có nhiều công trạng dưới triều Ngô, Đinh. Vào ngày 16-11 âm lịch hàng năm, làng Thi Liệu tổ chức hội làng có sới vật và các trò chơi dân gian, trong đó có múa rồng, kỳ lân…
Từ làng Thi Liệu, đến nay múa linh vật đã phát triển. Ở 12/17 xóm của xã có đội kỳ lân, trong đó xóm Thanh Ý thuộc làng Thi Liệu xưa phát triển mạnh nhất với đầy đủ các con vật “tứ linh” trong tín ngưỡng dân gian: rồng, kỳ lân, rùa, phượng. Đội múa linh vật các xóm thu hút nhiều người, từ công chức nghỉ hưu, những người nông dân quanh năm chân lấm tay bùn, nhất là thanh niên trong xóm. Hàng năm, vào ngày mùng 4 Tết Nguyên đán, khi xã tổ chức mừng thọ người cao tuổi, múa linh vật được tổ chức.
Ngay từ sáng sớm mùng 4 Tết, đội múa rồng, kỳ lân đến từng gia đình trong xã có cụ được mừng thọ để chúc mừng. Buổi chiều, đội rồng, kỳ lân lại rước các cụ lên trụ sở UBND xã dự lễ mừng thọ. Ngoài ra, trong các ngày hội làng Thi Liệu, Thiện An, Thượng Linh, Đông Linh…, hình ảnh kỳ lân múa vờn quả cầu đi trước kiệu thờ Thành Hoàng làng đã để lại nhiều ấn tượng sâu đậm với người dân nơi đây. Hoạt động múa linh vật đông vui nhất vẫn là trong dịp xã tổ chức Tết Trung thu cho thiếu niên, nhi đồng.
Vào dịp này, các xóm đều tổ chức các đội múa linh vật tham gia lễ dâng hương tưởng nhớ công lao các liệt sỹ trong nghĩa trang liệt sỹ của xã, sau đó, biểu diễn phục vụ nhân dân. Hoạt động này không chỉ góp vui mà còn giáo dục thế hệ trẻ biết nâng niu giá trị văn hóa nghệ thuật truyền thống của cha ông. Phong trào múa “linh vật” mạnh nhất của xã Đại Thắng là Hội tứ linh xóm Thanh Ý. Được thành lập từ năm 1990 với lúc đầu chỉ có múa rồng, kỳ lân, đến năm 1998 thì Hội tứ linh xóm có đủ bộ “tứ linh” gồm rồng, kỳ lân, rùa, phượng với 28 hội viên thường xuyên tham gia sinh hoạt. Con rồng của hội gồm 9 khúc, dài gần 30m, với 18 người múa, trong đó riêng phần đầu rồng có 2-3 người tham gia.
Để làm nên con rồng này, các hội viên của Hội đi học hỏi kinh nghiệm của các nghệ nhân khắp nơi và các bậc cao tuổi trong xóm sao cho thể hiện được nét thần uy của con vật đứng đầu tứ linh trong tín ngưỡng dân gian. Các linh vật khác như kỳ lân, rùa và phượng dù chế tạo đơn giản hơn nhưng mang nét đẹp đặc sắc riêng. Ông Nguyễn Hữu Cẩn, người đã gắn bó lâu dài với Hội tứ linh xóm Thanh Ý cho biết, mỗi năm Hội tứ linh tổ chức biểu diễn khoảng 15 lần trong các dịp: Lễ mừng thọ, khánh thành nhà thờ các dòng họ, hội làng, lễ hội chùa Bi (Nam Giang), chùa Yên Tiến (Ý Yên)… Hội tứ linh của xóm cũng vinh dự được góp mặt trong các sự kiện lớn của tỉnh, huyện như Đại hội TDTT toàn tỉnh lần thứ I, Đại hội TDTT huyện, lễ hội Phủ Dầy hàng năm…
Hoạt động múa linh vật ở xã Đại Thắng không chỉ thể hiện khát khao của người dân về một cuộc sống thịnh vượng, phát đạt, hạnh phúc... mà góp phần bảo tồn và phát triển các trò chơi dân gian mang đậm nét đẹp văn hoá dân tộc./.
Nguồn : Báo Nam Định