Trên địa bàn thành phố Hà Nội còn một số phường rối đang hoạt động nhưng chủ yếu là rối nước. Duy nhất làng Tế Tiêu, thị trấn Đại Nghĩa (huyện Mỹ Đức) có loại hình nghệ thuật rối cạn đặc sắc, được người dân bảo lưu và phát triển, đặc biệt có rối tuồng là loại hình diễn xướng độc đáo không nơi nào có được.
Anh Phạm Công Bằng là Nghệ nhân ưu tú duy nhất của phường rối Tế Tiêu giới thiệu về các nhân vật, tích trò trong múa rối
Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
Theo Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, trên địa bàn thành phố hiện có 6 di sản múa rối thì 5 di sản rối nước: Rối nước làng Đào Thục (xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh), rối nước Sài Sơn (xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai); rối nước làng Ra (xã Bình Phú), rối nước làng Yên, xã Thạch Xá và rối nước làng Chàng Sơn, xã Chàng Sơn (cùng ở huyện Thạch Thất). Duy nhất có phường rối Tế Tiêu (thị trấn Đại Nghĩa, huyện Mỹ Đức) có cả rối cạn và rối nước. Năm 2020, rối cạn Tế Tiêu đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Theo các cụ cao niên ở làng truyền lại, rối cạn Tế Tiêu ra đời cách nay khoảng 400 năm. Trải qua nhiều thời kỳ gián đoạn, loại hình sân khấu dân gian này đã được hồi sinh những năm đầu của thế kỷ XX. Rối cạn Tế Tiêu chuyên diễn các tích tuồng cổ, kết hợp trò leo dây và ảo thuật nên trong thời gian dài đã được nhân dân khắp vùng mến mộ. Sau năm 1954, rối cạn Tế Tiêu được ông Phạm Văn Bể tiếp nối, tiếp tục truyền nghề cho con cháu cho đến hôm nay. Ngoài rối cạn, để đáp ứng nhu cầu nhân dân làng xã, phường rối Tế Tiêu học hỏi thêm rối nước nên biểu diễn được cả hai loại hình nghệ thuật đặc sắc này.
Hiện nay, rối Tế Tiêu trở thành hoạt động văn hóa tinh thần của cộng đồng cư dân, đặc biệt trong các dịp hội hè, lễ, tết... Theo giới thiệu của Nghệ nhân ưu tú Phạm Công Bằng, Trưởng phường rối Tế Tiêu - con trai út của ông Phạm Văn Bể, dù là rối cạn hay rối nước thì phương thức trình diễn cũng như kỹ thuật đều mang đặc trưng cơ bản như: Nghệ thuật xếp trò, nghệ thuật tạo hình con rối, kỹ thuật điều khiển con rối sao cho sinh động...
Các nhân vật trong rối cạn Tế Tiêu
Để làm ra những con rối, người thợ Tế Tiêu thường chọn gỗ xoan, gỗ sung. Đây là loại gỗ nhẹ, thuận tiện khi biểu diễn cầm tay. Gỗ sung, xoan cũng không bị nứt nẻ, rất dễ kiếm ở nông thôn. Riêng với rối nước, do đặc thù ngâm nước nhiều nên độ bền không cao, bởi vậy, ở Tế Tiêu, phường rối cứ “diễn đến đâu lại đẽo trò đến đấy”. Đời trước truyền dạy cho đời sau nghệ thuật đẽo trò. Phường rối Tế Tiêu hiện có nghệ nhân ưu tú Phạm Công Bằng, cụ Nguyễn Văn Thuyết, anh Phạm Tiến Dũng là những người có tài tạo hình con rối.
Rối cạn Tế Tiêu là sự kết hợp hài hòa và tinh tế của sân khấu, quân rối, trò, tích trò, kỹ thuật điều khiển, nghệ thuật trình diễn, âm nhạc, văn học, hát thoại… Đặc biệt, phường rối Tế Tiêu có rối tuồng (diễn các tích tuồng cổ) - sự khác biệt rõ nét so với các phường rối cạn khác chuyên diễn các tích chèo cổ. Theo Nghệ nhân ưu tú Phạm Công Bằng, rối tuồng là loại hình diễn xướng rất khó. Khó từ tạo hình con trò đến vũ đạo và hát. Nghệ thuật tuồng đề cao yếu tố vũ đạo. Các động tác của mỗi nhân vật lại có đặc trưng riêng. Muốn diễn thành thục phải mất nhiều năm luyện tập.
Hiện nay, phường rối Tế Tiêu lưu giữ hơn 100 tích trò và hàng nghìn con rối rất sinh động... Trong đó, có hơn 20 tích trò là rối tuồng cha ông để lại như: Chém tá trích trong vở tuồng Sơn Hậu, Thoát Hoan chui ống đồng, Thạch Sanh chém trăn tinh, Thánh Gióng đánh giặc Ân... Ngoài rối tuồng, phường rối Tế Tiêu cũng biểu diễn cả rối chèo, bài vè, ví, kịch; các tác phẩm đương đại, phản ánh hiện thực đời sống xã hội hiện nay. Các tiết mục thường mang tính vui tươi, dí dỏm, trữ tình, tạo nên sức lôi cuốn đối với người xem.
Giữ gìn cho muôn đời sau
Dù rất đặc sắc, nhưng cũng giống như nhiều môn nghệ thuật truyền thống khác, đất diễn của rối hiện nay không nhiều. Mặt khác, thù lao từ nghề múa rối gần như không có nên không kích thích được nhiều người tham gia. Theo Nghệ nhân ưu tú Phạm Công Bằng, phường rối Tế Tiêu hiện có 18 thành viên. Người lớn tuổi nhất cũng đã ở tuổi “cổ lai hy”, người trẻ nhất cũng ngoài 30. Để ổn định cuộc sống, mỗi người đều có một nghề riêng để mưu sinh và “nuôi rối”. Hằng năm, phường rối Tế Tiêu đều mở các lớp dạy nghề, truyền nghề hay đơn giản hơn là các lớp trải nghiệm múa rối cho học sinh trên địa bàn để tìm người kế cận giữ nghề cho đời sau.
Phường rối Tế Tiêu đã được chính quyền địa phương hỗ trợ xây dựng thủy đình và gian nhà nhỏ là nơi sinh hoạt, trưng bày, quảng bá và biểu diễn
Đồng hành với phường rối, chính quyền địa phương cũng đặc biệt quan tâm, hỗ trợ bảo tồn và phát triển nghệ thuật múa rối của quê hương. Theo Chủ tịch UBND thị trấn Đại Nghĩa Nguyễn Văn Ninh, những năm gần đây, chính quyền địa phương đặc biệt quan tâm hỗ trợ bảo tồn và phát triển di sản múa rối. Những năm 2017, 2018, Nhà nước đã hỗ trợ kinh phí trùng tu, xây dựng thủy đình và ngôi nhà nhỏ làm nơi sinh hoạt, tập luyện cho phường rối. Hằng năm, thị trấn cũng hỗ trợ một phần kinh phí để phường rối hoạt động.
Mới đây, thị trấn Đại Nghĩa cũng đã bố trí thêm 700m² đất liền kề khu thủy đình và nhà truyền thống múa rối để tới đây xây dựng khu trưng bày, quảng bá, biểu diễn rối Tế Tiêu. “Phường rối Tế Tiêu đã tạo được “danh” rồi, giờ cần tạo đất diễn để có thể hoạt động tốt hơn, lan tỏa hơn. Chính vì vậy, trong các sự kiện văn hóa, văn nghệ, hội nghị do thị trấn và huyện tổ chức, thường mời phường đến biểu diễn”, Chủ tịch UBND thị trấn Đại Nghĩa Nguyễn Văn Ninh nói.
Về hướng phát triển, Chủ tịch UBND thị trấn Nguyễn Văn Ninh cho biết, địa phương sẽ quy hoạch bài bản khu trưng bày, quảng bá, biểu diễn rối Tế Tiêu để kết nối các điểm đến du lịch trong huyện như Khu di tích thắng cảnh Hương Sơn, hồ Quan Sơn, hồ Tuy Lai để đón khách du lịch tham quan, trải nghiệm xem múa rối.
Chúng tôi cũng đề xuất huyện Mỹ Đức xây dựng chương trình giáo dục ngoại khóa trong các tháng hè cho học sinh. Theo đó, các trường học trên địa bàn sẽ đưa học sinh tới phường rối Tế Tiêu để tham quan, trải nghiệm, qua đó giáo dục truyền thống lịch sử văn hóa của quê hương. Khi có khách tham quan, phường rối có thể làm nhiều các con trò để tạo ra sản phẩm lưu niệm phục vụ du khách để có thêm nguồn thu… Thị trấn mong muốn huyện Mỹ Đức xem xét có phụ cấp hỗ trợ hằng tháng cho Ban lãnh đạo phường rối để động viên anh chị em nỗ lực gìn giữ, bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Theo Hanoimoi