Từ lâu, trong ngày hội VH-TT tổ chức vào dịp Quốc khánh 2-9 hằng năm của huyện Hải Hậu, Nam Định luôn có sự tham gia của các hội trống cà rùng trong huyện.
Cùng với những âm thanh của các đội kèn đồng, tiếng trống hùng tráng, rền vang từ các hội trống cà rùng như nhân lên lòng tự hào của nhân dân trong huyện với truyền thống văn hóa đặc sắc ở miền quê biển.
Ở Hải Hậu hiện chỉ còn Thị trấn Yên Định và xã Hải Phương duy trì được các hội trống cà rùng, riêng xã Hải Phương có 4 hội trống. Mỗi hội trống có sự tham gia của 50-70 người, trong đó một người đánh trống cái, 30-50 người đánh trống con, 10 người đánh cồng, 10 người chơi lá bạc, 10 người múa gậy, phụ họa, thổi còi nhịp, đẩy trống cái. Do số lượng trống nhiều nên mỗi khi đội trống hòa tấu thì âm thanh vang vọng và có sức cổ vũ lớn. Từ nhiều năm qua, tiếng trống cà rùng đã vượt khỏi khuôn viên trong sinh hoạt tại các nhà thờ Công giáo để tham gia vào các hoạt động văn hóa, chính trị của các địa phương. Ông Nguyễn Văn Bình, trùm giáo họ An Cường, xã Hải Phương cho biết: Hội trống cà rùng giáo họ từng vinh dự biểu diễn trong lễ khánh thành cầu Đò Quan và nhiều sự kiện chính trị - văn hóa khác của tỉnh. Còn hội trống cà rùng Thị trấn Yên Định được thành lập từ rất lâu, nhưng cũng phải sau khi thị trấn thành lập năm 1986 mới được khôi phục, phát triển và được nhiều người biết đến. Năm 2000, Hội trống cà rùng thị trấn vinh dự được mời biểu diễn tại lễ mít tinh chào mừng kỷ niệm 990 năm Thăng Long - Hà Nội...
Tìm hiểu quá trình hình thành, khôi phục và phát triển của các hội trống cà rùng huyện Hải Hậu mới thấy được sự say mê, tâm huyết của người dân nơi đây trong việc chế tạo, bảo quản và gìn giữ một nét văn hóa đặc trưng này. Ở hội trống nào cũng vậy, riêng trống cái có đường kính trên 2m, cao khoảng 1,2m; các trống con đều có đường kính từ 60-80cm, 10 chiếc cồng, 10 chiếc lá bạc bằng đồng. Đồng chí Lưu Văn Tuệ, Bí thư chi bộ 6, Thị trấn Yên Định từng là thành viên hội trống cà rùng cho biết: Để làm các trống này, các hội viên phải cất công lên làng nghề trống Đọi Tam, huyện Duy Tiên (Hà Nam) để đặt với tiêu chuẩn “bền, đẹp, tiếng no tròn”. Bộ da làm trống phải là da trâu đực vừa độ, không quá béo, không có một vết xước. Tang trống được làm bằng gỗ mít có tuổi đời cao bởi đặc tính nhẹ, xoắn thớ, ít bị đàn hồi, không bị nứt khi đóng đinh chốt. Riêng trống cái Thị trấn Yên Định, phải mất gần một năm các nghệ nhân ở làng trống mới tìm được bộ da trâu ưng ý. Các dụng cụ khác như cồng, lá bạc… cũng được đặt tại những nơi nổi tiếng chế tạo tinh xảo, âm vang. Bộ trống của Hội trống cà rùng giáo họ An Cường, xã Hải Phương được chế tạo bởi các nghệ nhân làm trống ở huyện Ý Yên. Phải đi khắp các địa phương trong tỉnh, các nghệ nhân mới tìm được hàng chục tấm da trâu ưng ý để đủ làm bộ trống này. Kinh phí để chế tạo mỗi bộ trống cà rùng lên đến hàng trăm triệu đồng, trong đó riêng trống cái đã hàng chục triệu đồng. Với nhân dân địa phương, được trở thành hội viên của hội trống cà rùng là niềm tự hào. 4 năm một lần, các hội trống lại tổ chức tuyển chọn “tay trống”. Người được chọn không chỉ đòi hỏi khả năng thẩm âm mà còn phải có sức khỏe có thể hoàn thành 5 bài đánh cơ bản, mỗi bài khoảng 35 phút. Người cầm dùi đánh trống cái phải thật to, khỏe mới cầm được chiếc dùi dài 80cm, đường kính 10cm để đánh trống có đường kính hơn 2m.
Sự phát triển của các hội trống cà rùng huyện Hải Hậu hôm nay như một thanh âm ngân vang hòa cùng vào dòng chảy truyền thống văn hóa đặc sắc của vùng quê biển Hải Hậu./.
Nguồn : Báo Nam Định