Sự chân chất, thật thà của người dân Cồn Sơn từ lâu nay vẫn hiện diện đã
làm xiêu lòng du khách ngay từ lần gặp gỡ đầu tiên. Đến Cồn Sơn, du
khách nhận được sự nhiệt tình của một người thân, sự vui vẻ của một
người bạn và cả sự chu đáo đến bất ngờ. Cái hay của du lịch Cồn Sơn là
mang đến cho du khách cảm giác như theo bạn về thăm nhà người thân ở
vùng quê đậm chất Nam Bộ.
Ngồi đò khoảng 15 phút từ bến đò Cô Bắc (quận Bình
Thủy, thành phố Cần Thơ), du khách được đưa ra giữa sông, bắt đầu hành
trình trên đất cồn. Lái đò là chị Bé, người nhỏ nhắn, tháo vát và hoạt
bát. Thấy đoàn có trẻ nhỏ, thỉnh thoảng chị lại nhắc nhở cha mẹ không để
trẻ đưa tay, đưa đầu ra khỏi ghe, rất nguy hiểm. Trước khi đò cập bờ,
chị nhắc cả đoàn đừng để tay lên thành ghe, tránh bị thương với lời lẽ
nhẹ nhàng và thân thiết. Người khách cuối cùng lên bờ an toàn, chị mới
chào tạm biệt và quay đầu ghe đón đoàn khác từ bờ kia sông.
Đường trên cồn được tráng bê tông, khá nhỏ, chỉ có
thể chạy xe gắn máy, xe đạp hoặc đi bộ. Nhà cửa hai bên đường ẩn mình
trong vườn trái cây xum xuê. Không có nhiều hàng quán. Thỉnh thoảng thấy
biển chỉ dẫn hoặc bảng hiệu ghi tên nhà vườn là biết nhà đó làm du
lịch, có thể là vườn trái cây, phục vụ món ăn hoặc tổ chức cho du khách
làm bánh… Anh hướng dẫn đi trước vừa trao đổi, thuyết minh cho đoàn;
thỉnh thoảng vẫy tay chào chủ nhà, í ới với người đi đường. Kiểu như anh
đang dẫn bạn bè về thăm quê. Ai nấy đều cảm thấy thân thiện và dung dị
đúng bản chất Nam bộ.
Mùa này, trái cây đầy vườn. Du khách thỏa sức hái và
có thể ăn tại vườn. Thích mang về thì mua lại của chủ vườn. Giá cả bằng
hoặc rẻ hơn giá chợ nhưng được cái là tận tay hái trái tươi, tiện thể
đứng hóng chuyện với chủ vườn về mùa vụ, đời sống trên đất cồn. Dạo một
vòng vừa đủ mỏi chân, đoàn được đưa vào nhà làm bánh. Hôm đó, chủ nhà
làm bột bánh kẹp. Khách vào được chủ nhà tận tình mời bánh. Ai thích làm
thì lên bếp, chị chủ nhà thoăn thoắt khuấy bột và hướng dẫn khách cách
làm bánh sao cho giòn, thơm; đổ bột sao cho không bị tràn khỏi khuôn…
Những loại bánh chị làm không thiếu ở các chợ nhưng được tận tay làm,
bánh có vẻ hấp dẫn hơn nhiều. Anh chủ nhà vừa mang mớ rau và trái cây từ
vườn vào, thấy khách tới chơi thì nhiệt tình chào hỏi và nhanh nhảu lấy
nước sâm lạnh mời khách. Những khuôn bánh vừa ra lò, chị hối khách dùng
cho nóng; chờ khách ăn xong, hỏi khách vừa miệng không! Những cái bánh
kẹp thơm phưng phức, đưa vào miệng nhai, vị béo của bánh để lại ở đầu
lưỡi làm cho du khách phải xuýt xoa mãi.
Cái hay của du lịch Cồn Sơn là sự đoàn kết, chia sẻ
lẫn nhau giữa các nhà vườn, hoàn toàn không có tình trạng chèo kéo khách
hay chặt chém. Khách thong dong bước trên đường, không bị hàng rong
quấy rầy. Vào vườn trái cây, chỗ ăn uống cũng không bị nhìn mặt tính
tiền. Nói là quán chứ đó là sân, hiên hoặc dưới tán cây vườn nhà. Bàn
ghế và đồ ăn được bày ra như bữa cơm gia đình. Nhà này bán cơm dân dã
Nam Bộ. Nhà kia chuyên phục vụ bánh xèo. Nhà khác chuyên lẩu mắm. Khách
ăn cơm nhà này, muốn thêm món bánh xèo thì đặt nhà kia mang lại. Nhiệt
tình và chu đáo. Khẩu vị đúng là rặt miền Tây sông nước, vừa đậm đà lại
không quá cầu kỳ, không bị mang mùi vị của quán xá cứ na ná nhau. Bởi
thế, món ăn ở đây luôn hấp dẫn du khách bên cạnh sự ân cần và thân
thiện. Hôm đó, đoàn ăn cơm Nam bộ. Thấy món rau luộc ngon quá nên hỏi
chị chủ nhà cho thêm một dĩa nữa. Chị "dạ" một tiếng rõ to rồi đạp xe
chạy riết ra vườn nhà gần đó. Mọi người chưa hết ngơ ngác thì chị đã về
tới với bó rau xanh rờn để trong rổ xe. Lát sau, đã có dĩa rau luộc ngon
xanh trên bàn. Chị giải thích, đồ ăn ở đây phải đặt trước mới chuẩn bị
chứ trữ sẵn trong nhà hổng có ngon. Để có cá lòng tong kho phục vụ
khách, người nhà chị xuống sông giăng lưới. Ăn thêm ớt thì cứ thò tay bẻ
trên cây. Ớt trồng đầy ngõ… Hèn chi, đồ ăn ở đây ăn "bắt" quá chừng!
Cồn Sơn chưa có nhiều dịch vụ du lịch nhưng cũng đủ
cho du khách một buổi trải nghiệm đúng nghĩa về sự dân dã của người miền
Tây sông nước. Không màu mè, không chiêu thức nhưng vẫn hấp dẫn khách
bởi tính thiệt thà, chân chất vốn có của người dân. Nó khác xa với những
thương hiệu du lịch lớn- phải thuê người tái hiện lại sinh hoạt dân dã
của người dân nhưng làm một cách máy móc và vô hồn. Bởi thế, Cồn Sơn ra
đời như một "hiện tượng", cung cấp đúng cái du khách đang cần - khung
cảnh, món ăn, cảm tình gần gũi, thường ngày, và đong đầy tình người miền
sông nước.
Nguồn Báo điện tử Cần Thơ
Bài, ảnh: THÀNH NGUYỄN
Ảnh: FB Nguyễn Trung Kiên