Người M’nông làm rẫy là chính, ruộng nước chỉ có vùng ven hồ, đầm, sông. Những con vật nuôi thông thường ở trong các gia đình là trâu, chó, dê, lợn, gà và một số nhà nuôi cả voi.
Người M’nông ở Bản Đôn có nghề săn và thuần dưỡng voi nổi tiếng. Nghề thủ công của người M’nông có dệt vải sợi bông do phụ nữ đảm nhiệm và đan lát các dụng cụ như gùi, giỏ, mùng do đàn ông làm.
Người M’nông có cả nhà sàn và nhà trệt. Mỗi làng thường có vài chục nóc nhà, ông trưởng làng đóng vai trò quan trọng trong dân làng. Mọi người sống theo kinh nghiệm và tập tục truyền lại từ nhiều đời. Nam, nữ, trẻ, già ai cũng thích rượu cần và thuốc lá cuốn.
Đàn ông thường đóng khố, ở trần. Đàn bà mặc váy quấn bông dài trên mắt cá chân. Thanh niên nam, nữ thường mặc áo chui đầu. Khố, váy, áo màu chàm thẫm trang trí hoa văn đỏ đẹp mắt.
Người M’nông theo chế độ mẫu hệ, con cái mang họ mẹ, trong gia đình người vợ giữ vai vị trí chính, nhưng người đàn ông không bị phân biệt đối xử, họ sống tôn trọng nhau. Cha mẹ về già thường ở với con gái út.
Theo nếp cũ, đến tuổi trưởng thành, người M’nông phải cà răng mới được yêu đương lấy vợ lấy chồng. Phong tục cưới xin gồm 3 bước chính là dạm hỏi, lễ đính hôn, lễ cưới. Sau khi cưới, chàng rể thường về nhà vợ. Nhưng cũng có nơi đôi vợ chồng trẻ ở phía nào tùy thỏa thuận gữa hai gia đình.
Người M’nông tin có rất nhiều thần linh liên quan đến cuộc sống của mình, trong đó thần lúa giữ vị trí đặc biệt, hàng năm cùng với việc canh tác, người M’Nông thực hiện những nghi thức nhằm giữ gìn thần lúa, cầu mong mùa màng bội thu.
Lễ hội dâng trâu là hoạt động tín ngưỡng, do thế không thể thiểu của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, tiêu biểu là dân tộc M’nông. Đây là dịp để cộng đồng, gia đình đâm trâu tế thần, làm lễ mừng thắng lợi, lễ trả ơn thần, mong thần linh ban cho nhân khang vật thịnh, mùa màng sinh sôi, cuộc sống no đủ, người người hạnh phúc.
Để làm lễ Tâm Nghết - dâng trâu mừng được mùa, điều cần thiết và đầu tiên là phải làm cây nêu và dựng cây nêu, có con trâu và buộc con trâu vào cây nêu; lễ được thể hiện hết sức công phu và nhiều tiết mục, từ việc tiến hành cúng trâu, cúng cây nêu, cúng ché rượu, hát múa, đánh chiêng gọi thần lúa, hát khóc trâu, già làng tuyên bố chém trâu cho dân làng, nấu nếp ống, nướng con lợn, dọn ăn mời khách, uống rượu ăn đầu trâu và tiễn khách ra về.
Người M’nông có tục N’giáp Bon có nghĩa là đoàn kết trong buôn làng, gặp mặt đoàn kết với các buôn làng bạn, kết thân, kết bạn. Đây là tục lệ mang tính nhân văn nhân bản, một nghi thức không thể thiếu được trong hệ thống lễ hội vòng đời con người.
Tục dựng cây nêu được coi là thiêng liêng, làm cây nêu rất công phu, trang trí và vẽ cầu kì hàng tháng trời. Cúng dâng lễ một con heo, một ché rượu, trước sự chứng kiến của thần linh và chứng kiến của cộng đồng. Cây nêu được hướng thẳng về phía trời xanh.
Dựng xong cây nêu, buôn làng nổi chiêng múa vòng quanh rồi dắt trâu tế đến buộc. Chủ lễ cúng nghi thức buộc trâu vào cột cây nêu rồi làm lễ khóc trâu. Mặt trời lên cũng là lúc các vị thần thức dậy, sau bài múa, lời khấn lời khóc, chiêng trống nổi lên các tráng sĩ M’nông khiên giáo uy nghiêm múa vòng quanh cột nêu rồi đột ngột chặt đứt hai khuỷu chân, đâm trúng tim con trâu tế.
Già làng đặt lên lưng trâu bầu rượu, bát gạo, cái chiêng để cúng thần cầu cho buôn làng mình và các buôn làng bầu bạn đoàn kết một lòng, không ai làm điều ác, không đi theo kẻ xấu. Các nghệ nhân cùng dàn cồng chiêng múa những vòng tròn từ giã con trâu về xứ thần linh.
Sau nghi thức tế trâu là các trò chơi dân gian mang tính thi tài trong cộng đồng: thi giã gạo, nướng cơm lam, kéo co, bắt cá trê trong chum, thi đan gùi, lảy bắp… các cuộc thi vui kéo dài đến khi cỗ được bày ra trên lá rừng, ché rượu cần ngậm đầy nước mát. Cộng đồng mời nhau đánh chiêng, uống rượu, ăn thịt trâu cho đến trọn ngày.
Làng M’nông được gọi là bon, mỗi làng chừng mười đến hai mươi nóc nhà. Xưa kia là nhà dài của gia đình lớn, nay chia thành gia đình nhỏ các bon M’nông có thể đến bốn, năm mươi nóc nhà. Các nhà trong bon thường có quan hệ nhân tính theo dòng họ nữ.
Hiện nay, làng M’nông bao gồm những thành viên của nhiều dòng họ, là những thành phần ngoại buôn. Tên riêng của cá nhân đều đứng trước và gắn với họ mẹ. Trong làng người cùng dòng họ có quan hệ gần gũi, có khu vực nghĩa địa riêng để phân biệt.
Người M’nông có kho tàng văn hóa dân gian phong phú bao gồm sử thi, cồng chiêng, múa snang, dân ca, dân nhạc các hình thức kể chuyện gia phả, kể chuyện gia huấn gia phong, nghệ thuật thêu dệt hoa văn trên vải, đồ đan mây tre truyền thống.
Đồng bào M’nông đã đóng góp công sức, xương máu trong kháng chiến giữ nước và xây dựng đất nước. Trong thời kỳ đổi mới vùng cư trú của đồng bào đã có nhiều đổi thay kì diệu, cuộc sống no ấm, bình đẳng, đoàn kết chan hòa trong mọi bon làng cùng với bảo tồn phát triển văn hóa dân tộc./.
Nguồn : LangvietOnline