Cảnh đẹp nên thơ của Ghềnh Ráng ở Bình Định ngày càng thu hút khách du lịch trong và ngoài nuớc. Nó là niềm tự hào của nguời dân đất võ. Ghềnh Ráng càng nổi danh hơn bởi đây là nơi an táng thi sĩ Hàn Mặc Tử.
Từ đỉnh Ghềnh Ráng có thể phóng tầm mắt nhìn rộng cả bốn bề. Phía nam như một bức tranh sơn thủy hữu tình với những dãy núi xanh dựng thành từng lớp, nơi cao, nơi thấp chạy dọc ven biển đến tận Quy Hòa. Về phương bắc, lướt qua dải cát vàng mịn óng, thành phố Quy Nhơn hiện lên với những đường phố dọc ngang; xa xa là khu kinh tế Nhơn Hội, niềm tự hào của người dân Bình Ðịnh thời kỳ đổi mới. Còn xoay lưng vào động cát phía tây, quay mặt ra hướng đông là biển cả bao la, xanh biếc một mầu. Chếch về hướng đông - bắc là bán đảo Phương Mai án ngữ cửa biển Thị Nại như tấm bình phong khổng lồ. Xa xa về phía đông - nam, là một đảo lớn, tục gọi Cù Lao Xanh. Từ xa xưa những người dân biển coi hòn đảo này như một tiêu mốc để định hướng đi. Sau này ngọn hải đăng đã được xây dựng trên đảo Cù Lao Xanh.
Ði dọc con đường đất uốn lượn theo triền núi, du khách có dịp chiêm ngưỡng những tác phẩm nghệ thuật điêu khắc kỳ dị mà tạo hóa đã tạo ra cho Ghềnh Ráng. Trên một phiến đá lớn có một bức phù điêu hình mặt người. Lại có khối sơn thạch được mưa gió và thời gian mài gọt trông tựa đầu một con sư tử lớn đang chồm ra Biển Ðông, có trụ đá hình dáng như người vợ ngóng chồng được mệnh danh là đá Vọng Phu. Ðặc biệt, ở đây có hai khối đá lớn chồng xếp lên nhau trông rất chênh vênh được gọi là Hòn Chồng.
Thoạt nhìn khối đá lớn như thể muốn rơi, vậy mà trải qua năm tháng dãi dầu nó vẫn "trơ gan cùng tuế nguyệt", đứng vững vàng nghìn đời nay bất chấp phong ba bão tố. Từ Hòn Chồng đi về hướng bắc dọc theo ven biển sẽ gặp những hang động hiểm hùng, kỳ bí do đá nằm chồng chất lên nhau tạo thành. Ði thêm chút nữa là một bãi rộng chừng hơn 100m2 la liệt đá xanh hình tròn, mặt nhẵn như những quả trứng. Vì vậy mà bãi đá này có tên gọi là Bãi Ðá Trứng. Phía trên bãi có một mạch nước ngầm từ khe núi chảy ra, tạo thành hai giếng nước ngọt hình lòng chảo nằm kề nhau, đường kính miệng rộng hơn một mét. Phía ngoài giếng có một tảng đá lớn đột ngột nhô cao trên mặt nước, án ngữ những con sóng lớn từ ngoài khơi đổ vào bờ...
Bãi Tiên Sa
Cảnh đẹp nên thơ của Ghềnh Ráng từ lâu đã là ngưồn cảm hứng của thi ca, như người dân địa phương truyền tụng: Gió Cầu Tấn trưa chiều thổi mát - Bãi Quy Nhơn mịn cát dễ đi - Phương Mai - Ghềnh Ráng tương tri - Ngâm câu thủy tú sơn kỳ thảnh thơi... Trong tâm thức dân gian, cảnh đẹp huyền ảo bao giờ cũng là nơi có bóng dáng thần tiên. Cũng bởi lẽ đó mà Ghềnh Ráng là nơi có truyền thuyết nàng tiên xuất hiện. Bên cạnh tên gọi dân dã thân quen, vùng này còn được gắn với một sự tích. Chuyện kể rằng, ngày xưa có một gia đình nông dân nghèo, sinh được một cô con gái nết na, xinh đẹp. Khi lớn lên, cô gái đã có một mối tình trong trắng với một chàng trai cùng làng. Nhưng tiếng đồn về nhan sắc của nàng đã lọt đến tai một viên quan hám sắc và độc ác. Y rắp tâm ép nàng làm vợ. Bằng thủ đoạn gian xảo và ỷ thế quyền lực, y bắt người con trai đi lính rồi đưa chàng tới tận nơi biên ải xa xôi đồng thời ra lệnh buộc nàng phải nộp đủ mười cân yến sào trong vòng một tháng, không đúng hạn sẽ phải lấy y. Giữ trọn mối tình chung thủy với người yêu, người con gái không quản hiểm nguy quyết chí vượt biển ra đảo tìm tổ yến. Ðúng lúc đó người con trai trở về, tìm lại người yêu. Vì hạnh phúc lứa đôi và thương người con gái liễu yếu đào tơ, chàng không quản khó khăn nguy hiểm, quyết tâm thay nàng ra đảo.
Nàng trao cho chàng chiếc nón Gò Găng, kỷ vật chung tình của người ở lại, rồi nàng trở về sống trong mong đợi và lo âu. Ðến thời hạn nộp yến mà bóng chàng vẫn biền biệt. Sợ quá nàng đành bỏ trốn. Hay chuyện, viên quan cho lính đuổi theo. Bị truy đuổi gắt gao, người con gái chạy đến Ghềnh Ráng, ẩn vào núi Vũng Chua. Quân lính đuổi tới đây bỗng trời nổi cơn giông tố, gió cuốn ào ào, mưa bay mù mịt, sấm chớp đùng đùng. Bỗng nhiên núi nứt ra một khe lớn, nàng chạy vào vụt đó rồi biến mất. Khi giông tan, trời quang, mây tạnh, khe núi biến thành một dòng suối mát, uốn lượn trên sườn núi như một dải lụa nối trời với đất. Người đời gọi đó là Suối Tiên. Chàng trai tìm đủ số yến cũng hối hả trở về, nào ngờ, trên đường từ đảo vào đất liền cũng gặp giông bão, yến bị sóng biển cuốn trôi hết. Chàng đuối sức rồi ngất xỉu, sóng biển đã đưa chàng tấp vào Ghềnh Ráng. Khi tỉnh lại, chàng còn đang ngơ ngác, chưa hiểu mình bị dạt vào đâu thì thấy bóng người con gái lúc hiện, lúc ẩn, chàng vừa gọi vừa chạy theo cho đến khi hai người cùng biến mất. Ghềnh Ráng trở thành nơi đoàn tụ của đôi uyên ương, vì cường quyền mà không nên được nghĩa vợ chồng lúc còn ở dương gian. Họ đã phải thoát tục thành tiên mới đến được với nhau. Câu chuyện đượm màu huyền thoại, đậm chất nhân văn ấy đã làm cho Ghềnh Ráng thêm hai chữ Tiên Sa, dân gian thường gọi vùng này bằng cái tên ghép Ghềnh Ráng - Tiên Sa.
Ghềnh Ráng càng nổi danh hơn bởi thi sĩ Hàn Mặc Tử. Vì mắc bệnh hiểm nghèo, ông đã phải sống những năm tháng cuối đời trong trại phong Quy Hòa. Tâm trạng đau thương, giông bão lại được tiếp thêm cảm hứng từ cảnh thiên nhiên như siêu thực của Ghềnh Ráng, ông đã viết nên những áng thơ bất hủ để lại cho đời. Hàn Mặc Tử qua đời khi còn quá trẻ, lúc nhà thơ mới vừa 28 tuổi. Ðể thỏa nguyện mong ước của thi sĩ lúc sinh thời, năm 1969, gia đình và thân hữu đã đưa thi hài Hàn Mặc Tử về an táng ở Ghềnh Ráng. Ngôi mộ được xây trên một gò cao, lưng dựa vào núi, mặt quay ra biển là nơi mà ai ai dù chỉ một lần đặt chân đến Ghềnh Ráng cũng đều ghé thăm. Ðó không chỉ đơn thuần là một ngôi mộ mà hơn thế nữa là nơi tưởng niệm một danh nhân - thi sĩ tài danh. Cho đến nay, Ghềnh Ráng đã được quy hoạch chi tiết nhằm gìn giữ, phát huy giá trị của danh lam thắng cảnh. Khu vực mộ Hàn Mặc Tử đã được tôn tạo, có khu trưng bày cuộc đời và thi ca của nhà thơ, có dịch vụ bút lửa Zũ Kha ghi lại những áng thơ nổi tiếng của Hàn Mặc Tử, có khu vực diễn ra hội đánh bài chòi và các trò chơi dân gian nhằm phục vụ du khách về với thành phố biển Quy Nhơn.
Nguồn : Nhandan