Chợ nón làng Chuông cách trung tâm Hà Nội trên 30 km, thuộc xã Phương Trung, huyện Thanh Oai (Hà Nội).
Chợ nón một tháng họp sáu phiên vào buổi sáng mùng 4, 10, 14, 20, 24 và 30 âm lịch. Chợ chỉ bán nón và các nguyên liệu làm nón. Vào những ngày này, giới trẻ Hà thành thường rủ nhau về làng Chuông, ngôi làng nhỏ nằm bên dòng sông Đáy hiền hòa, nổi tiếng với nghề làm nón hàng trăm năm nay.
Một người thợ lành nghề đang đan chiếc nón mới
|
Đến đây, bạn có thể khám phá những quy cách làm nón rất thú vị của người trong làng. Để có được một chiếc nón vừa đẹp, vừa nhẹ lại vừa bền đòi hỏi người thợ phải thực hiện nhiều bước cầu kỳ. Đầu tiên là chọn lá. Lá lụi được đem về vò trong cát rồi phơi nắng cho đến khi màu xanh của lá chuyển sang màu trắng bạc. Sau đó, lá được lót dưới nắm giẻ, dùng lưỡi cày miết nhanh sao cho lá phẳng mà không giòn không rách. Vòng nón làm bằng cật nứa vót nhỏ và đều, khi nối bắt buộc phải tròn và không gợn.
Tiếp theo người thợ xếp từng lá vào vòng nón, một lớp mo tre và một lớp lá nữa rồi khâu thẳng đều từ vòng trong ra vòng ngoài. Khâu xong tháo ra còn phải cắt hết riềm thừa. Cuối cùng là công đoạn hơ, người ta hơ nón bằng hơi diêm để màu nón trở nên trắng muốt và không mốc.
Chợ nón làng Chuông họp từ rất sớm. 6g sáng đã có đông đảo người dân trong làng kéo đến. Chợ họp náo nhiệt rồi chóng tan sau hơn 3 tiếng đồng hồ.
Nắng lên, những chiếc nón trắng phơi mình dưới ánh nắng sớm. Ngồi ghé bên quán nước đầu làng, thấy xốn xang với cái không khí vui vẻ, hồ hởi của miền quê. Bát nước vối mát, cái kẹo lạc ngòn ngọt, miếng ổi xanh, quạt mo phe phẩy trong nắng, cũng đủ đem lại cho bạn một buổi sáng đầy ý nghĩa và sảng khoái, sau những ngày tất bật dọc ngang. Dù cuộc sống có biến đổi nhưng nghề nón ở làng Chuông vẫn tồn tại từ bao đời.
Nguồn : TN