Là một trong những công trình được người Pháp xây dựng sớm nhất ở Hà Nội, cho đến nay chợ Đồng Xuân vẫn là một đầu mối giao thương vào loại lớn nhất thủ đô.
Mặc cho nhịp thời gian vẫn chảy, ngôi chợ từ hơn 100 năm qua vẫn sống động với từng dấu mốc lịch sử và tấp nập với những gánh hàng bán mua.
Chợ Đồng Xuân xưa...
|
Việc lấp kín khúc sông Tô Lịch từ cửa sông Nhị Hà (Sông Hồng) trở vào đến chân tường thành cổ, tạo nên một bãi đất rộng hàng chục hecta đã tạo cơ sở cho sự ra đời của chợ Đồng Xuân. Năm 1888 với việc thành lập thành phố Hà Nội, người Pháp bắt tay vào quản lý và xây dựng Hà Nội như một thành phố “nhượng địa”.
Ngày 6/4/1888, chính quyền đã ký một quyết định thành lập một ngôi chợ mới. Công trình chợ Đồng Xuân được xây dựng do công ty thầu khoán Poinsard Veyret của Pháp cung cấp phần khung thép và mái còn một nhà thầu khác đảm nhận thi công. Chợ được thiết kế tương đối đơn giản: Toàn bộ gồm 5 dãy nhà và được phân theo các vòm cuốn mặt trước, bên trong phân cách bởi các đường đi giữa các vòm (mỗi vòm chợ dài 52m, khung thép cao 19m, rộng 25m). Các bộ khung bằng sắt, lợp tôn mái chảy, diện tích khoảng 6500 m2. Có 3 cổng vào chợ, và 2 ngách, một thông sang Hàng Khoai, một sang Hàng Chiếu.
Sau khi khánh thành, Đồng Xuân trở thành chợ lớn nhất Hà Nội. Trong văn bản chính thức, người Pháp gọi là “Les Halls centrales” hay “Grand Marché” nhưng dân vẫn lấy tên tổng Đồng Xuân để đặt cho tên chợ. Nét khác biệt của Chợ Đồng Xuân không chỉ vì nó rộng mà còn vì nó được lắp đặt bằng khung thép và lợp mái tôn, những vật liệu rất mới và ưu việt lúc bấy giờ.
Đến đầu thế kỷ XX, một tuyến xe điện chạy ngang qua cổng chợ cùng với việc khánh thành Cầu Doumer (Long Biên) và Ga Đầu Cầu đổ xuống Bờ Sông và Hàng Khoai khiến cho Chợ Đồng Xuân nhanh chóng trở thành chợ có quy mô lớn, sầm uất nhất lúc bấy giờ. Nó không chỉ nổi tiếng Hà Nội mà nổi tiếng cả Bắc kỳ, đồng thời nhanh chóng thu hút được sự chú ý của giới thương nhân nước ngoài, nhất là các nước Pháp, Tây Ban Nha, Ấn Độ...
Lúc đầu chợ Đồng Xuân chỉ họp theo lối chợ phiên, hai ngày một phiên, nhưng về sau do nhu cầu của sự phát triển kinh tế thương mại, chợ họp theo ngày từ sáng đến tối. Hàng hoá bán trong chợ rất phong phú, đa dạng: Từ hàng nông sản, thực phẩm, rau quả, đến hàng vải vóc, máy móc của Pháp, của Trung Hoa, của Ấn độ, (Kaki Pháp, Lụa Bombay...).
Một thời vào những ngày giáp Tết cổng chợ Đồng Xuân trở thành chợ hoa kéo qua Hàng Khoai để hoà vào Hàng Lược. Ca dao cũ có ghi: “Vui nhất là chợ Đồng Xuân/ Thức gì cũng có xa gần bán mua/ Giữa chợ có anh hàng dừa/ Hàng cau, hàng quýt, hàng dưa, hàng hồng.
Trong những ngày toàn quốc kháng chiến, chợ Đồng Xuân nằm trong Liên khu Một trở thành chứng nhân cho chí khí của quân và dân thủ đô. Tiểu đoàn 101 Đồng Xuân đã làm nên trận đánh Chợ Đồng Xuân ngày 14 - 2 – 1947. Năm 2005, nhân dịp Hà Nội kỷ niệm 995 năm Thăng Long - Hà Nội, thành phố đã dựng bức phù điêu Hà Nội mùa đông năm 1946 ngay cạnh chợ Đồng Xuân nhằm tưởng nhớ những người đã hy sinh trong trận chiến bảo vệ Thủ đô. Trải qua bao năm tháng chiến tranh chống Mỹ cứu nước, xây dựng chủ nghĩa xã hội, Chợ Đồng Xuân vẫn luôn là chợ đầu mối bán buôn lớn của khu vực phía Bắc.
... và nay
|
Chợ Đồng Xuân - Bắc Qua ngày nay với ba mái vòm chính chạy dọc theo phố Đồng Xuân, nằm giữa lòng thủ đô Hà Nội, với diện tích hơn 14000 m2 và trên 2000 hộ kinh doanh nhiều ngành nghề khác nhau, là trung tâm bán buôn hàng hoá lớn nhất khu vực phía Bắc thường xuyên cung cấp nhiều mặt hàng tới hầu hết các tỉnh thành trong cả nước, góp phần đáng kể vào việc phát triển các hoạt động sản xuất kinh doanh của các địa phương.
Hướng tới kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, chợ đêm Đồng Xuân do Công ty cổ phần Đồng Xuân tổ chức và khai thác đã chính thức đi vào hoạt động từ cuối năm 2003. Chợ đêm kết nối với tuyến phố đi bộ Hàng Đào - Đồng Xuân tạo thành chuỗi chợ đêm kéo dài từ bờ Hồ đến chợ Đồng Xuân. Gần đây, sân khấu trước chợ Đồng Xuân là nơi diễn ra các buổi biểu diễn các loại hình văn nghệ dân gian như ca trù, xẩm, chèo cổ…thu hút đông đảo người Hà Nội và khách du lịch đến tham quan, thưởng thức.
Nguồn : Dân Trí