Những bậc cao niên ở Tà Phìn (Tân Lập, Mộc Châu, Sơn La) cho biết, trò đấu pao đã có từ rất lâu rồi, nó chính là biểu tượng cho sức khỏe, phẩm chất khéo léo, dẻo dai, tình đoàn kết, gắn bó của phụ nữ Mông.
Một trận đấu pao bao giờ cũng được tổ chức trên một khu sân thoáng đãng, sạch sẽ. Sân đấu hình chữ nhật có chiều dài từ 10-12m, rộng từ 6-8m được phân thành 2 nửa, ở giữa căng 2 tấm lưới, tấm bên trên cách đất hơn 3m, tấm căng phía dưới cách đất gần 1m và khoảng trống giữa 2 tấm lưới chính là không gian để quả pao được bay qua, bay lại một cách hợp lệ.
Thiếu nữ Mông Tà Phìn đấu pao |
Những phụ nữ tham gia đấu một trận pao được chia thành 2 đội, mỗi đội 9 người. Hai đội ném qua lại cho đến khi đội nào để quả pao rơi xuống đất, hoặc ném vượt ra khỏi sân mà không chạm vào đối phương hay bị va vào lưới bên trên, bên dưới thì bị tính thua 1 điểm. Sau khi que hương cháy hết, đội nào bị thua nhiều điểm hơn sẽ thua cuộc.
Trò đấu pao không khó chơi nhưng đòi hỏi ở người người chơi sức khỏe sung mãn, độ khéo léo và sự quan sát nhanh nhạy, tinh tế. Bởi vậy, phụ nữ Mông ở Tà Phìn hầu như ai cũng biết chơi tuy nhiên để chơi giỏi được thì rất ít.
Ngày nay, trò chơi đấu pao của người Mông ở Tà Phìn đã phổ biến khá rộng rãi sang những địa phương lân cận. Phụ nữ Mông giờ đây không chỉ chia tốp đấu pao ở trong bản, trong xã mà họ còn lập những đội pao để mỗi dịp hội xuân hẹn với bạn bè cùng thi đấu...
(Nguồn : Dân Việt)